Vốn được mệnh danh là “vương quốc lễ hội” nên suốt ba tháng xuân, các làng quê vùng Kinh Bắc lần lượt đua nhau mở hội, miên man tiếp nối, vắt từ làng này sang làng khác. Trong hội làng không thể thiếu các trò chơi dân gian đặc sắc như: Đấu vật, cờ tướng, cờ người, đánh đu, múa rối nước, kéo co, chọi gà, bịt mắt đập niêu, bắt chạch trong chum…
Giống như một “bảo tàng sống” về giá trị văn hóa đặc trưng được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ, trò chơi dân gian phản ánh sinh động đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, vừa mang tính cố kết cộng đồng, đề cao sức mạnh đoàn kết, thể hiện tâm thức, ước nguyện của cộng đồng, vừa lưu dấu những trang ký ức đậm nét về tuổi thanh xuân tươi đẹp và làng quê yêu dấu.
Trong lễ hội miền Kinh Bắc, cùng với những đám rước tưng bừng, những cuộc diễn xướng, vui ca hát, đấu vật, đánh cờ, “trai thi mạnh, gái thi mềm” thì bao giờ cũng sẵn sàng một cây đu. Hầu như hội làng nào, dù hội đình, hội đền hay hội chùa cũng đều dành một khoảng đất trống để trồng cây đu cho các tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú được khoe tài – “Nhún mình như thể nhún đu/Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm” (ca dao).
Nhún đu hay còn gọi là “đánh đu”, “đu tiên”, “đu xuân” là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu mong cho vạn vật được sinh sôi, nảy nở, mùa màng tốt tươi. Từ trước Tết Nguyên đán, những thân tre già chắc nịch đã được dân làng chọn kỹ lưỡng đem chôn thật sâu vào lòng đất tạo nên những trụ đu chắc chắn. Phần ngọn tre được uốn cong chụm vào nhau rồi chằng quấn chặt bằng dây thừng dây chão. Trên đỉnh ngọn đu phấp phới những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc bay ngạo nghễ trong gió xuân. Trảy hội làng, những chàng trai, cô gái từng cặp bước lên cần đu, rồi bằng tất cả sự dẻo dai và sức lực của tuổi thanh xuân phơi phới cùng nhún, cùng rướn, cùng đẩy đu lên cao vun vút cho thỏa cái thú chơi xuân. Phía dưới, mọi người ngất ngây chiêm ngưỡng, dõi theo cần đu chao qua chao lại như làm xiếc trên không trung…
Cây đu ở hội Lim.
Thú chơi “nhún đu” từng được nhà văn Toan Ánh miêu tả và ngợi ca như một nét “phong lưu đồng ruộng”: “Gái đu với gái, trai rướn với trai. Những đôi trai gái yêu nhau cùng đu với nhau lại càng say sưa. Đôi mặt cùng đỏ, bốn mắt cùng trong, cặp môi cùng thắm. Đu càng cao, họ sàng say sưa ngắm nhau, cười cùng nhau. Cứ thế, họ dắt nhau, đưa nhau đi trảy hết hội này sang hội khác khắp vùng Kinh Bắc, suốt cả mùa xuân và cây đu bao giờ cũng là nơi hò hẹn. Họ đu với nhau hết năm này qua năm khác, từ lúc hẹn ước với nhau trước cửa đình, cửa chùa đến khi thề nguyện với nhau trước pháp luật trở thành đôi lứa, nên duyên vợ chồng…”.
Giới nghiên cứu phân tích: Di sản hội làng được xem là đỉnh cao của sự hòa quện nhuần nhuyễn giữa các giá trị văn hóa vật thể là hệ thống thiết chế đình, đền, chùa, miếu, sắc phong… và phi vật thể là các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, nghi thức tế lễ… Trong cấu trúc của lễ hội truyền thống, trò chơi là một thành tố không hiện hữu thường ngày mà nó tàng ẩn và xuất hiện trong thời gian thiêng của ngày hội. Mỗi trò chơi vừa là sản phẩm mang tính vận động đặc trưng, vừa biểu hiện tinh thần lao động sản xuất, phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, chứa đựng những ý tưởng thẩm mỹ và mang lại tiếng cười sảng khoái, niềm vui giải trí cho người dân.
Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, trò chơi dân gian dẫu có mai một và bị lấn lướt bởi sự bùng nổ của các loại hình giải trí trên internet, song nếu hội làng còn tiếp diễn thì những trò chơi dân gian vẫn còn môi trường để phát huy giá trị. Trải qua bao biến thiên lịch sử, hội làng mùa xuân miền Kinh Bắc luôn đậm đặc hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, diễn xướng Quan họ, ca trù, tuồng, chèo, hát văn, hát trống quân… cùng các trò chơi dân gian vẫn được bảo lưu, gìn giữ như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn, bất biến của bản sắc văn hóa dân tộc.
Một mùa xuân mới lại về. Sắc xuân rạo rực, tiếng trống hội làng bắt đầu vang lên giục giã khắp làng trên xóm dưới. Giữa trời xuân mênh mang, khí xuân rộn ràng và trong hương xuân ngọt lành của làng quê Bắc Ninh- Kinh Bắc, già, trẻ, gái, trai lại náo nức sửa soạn áo khăn, xúng xính trảy hội và đắm mình vào những thú chơi xuân phong lưu, thi vị…
V.Thanh
Nguồn: Dulichvn