Quyết định gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo ngay trước trận gặp Nhật Bản cho thấy niềm tin tuyệt đối của bóng đá Việt Nam vẫn đặt lên vai người thuyền trưởng.
Tại sao VFF và HLV Park chọn thời điểm trước trận gặp Nhật Bản để công bố hợp đồng? Vì sao họ không làm điều đó sau hai trận vòng loại World Cup, khi tuyển Việt Nam gần như chắc chắn sẽ tiếp tục nhận về thất bại? Nếu đội tuyển tiếp tục thua, chẳng phải lợi thế trên bàn đàm phán sẽ nghiêng về VFF.
Ông Park sẽ dẫn dắt tuyển Việt Nam sang năm thứ 5. Mục tiêu lớn đầu tiên của ông sau khi gia hạn hợp đồng là bảo vệ thành công ngai vàng AFF Cup. Ảnh: Thuận Thắng. |
Niềm tin trong thất bại
Trong hầu hết cuộc đàm phán, đôi bên đều muốn lựa chọn thời điểm có lợi nhất cho mình, giúp bản thân mang về nhiều quyền lợi nhất và đẩy đối tác vào thế yếu nhất. Nhưng VFF không làm như vậy.
Quyết định gia hạn hợp đồng ở thời điểm trước khi gặp Nhật Bản vì thế vừa là hành động “fair-play”, thể hiện niềm tin gần như tuyệt đối của liên đoàn vào HLV người Hàn Quốc. Nó cũng cho thấy nhận thức rõ ràng của những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam về thực lực của đội tuyển ở thời điểm này.
Bản hợp đồng mới dành cho ông Park như gửi đi một thông điệp rằng VFF hiểu rõ tuyển Việt Nam hiện chỉ ở mức này và HLV người Hàn không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những kết quả vừa qua. Bản hợp đồng mới nói rằng dù thành bại trước Nhật Bản, Saudi Arabia có thế nào, sự hợp tác giữa VFF và ông Park vẫn không thay đổi, sẽ tiếp tục, thậm chí kéo dài qua cả AFF Cup và SEA Games.
Đối đầu Nhật chính là trận cầu khép lại giai đoạn lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ký hợp đồng ở thời điểm này nghĩa là VFF không cần bất kỳ một bản tổng kết lượt đi nào để đánh giá tình hình đội tuyển. Họ lý trí hơn người hâm mộ, thấu hiểu hơn làn sóng chỉ trích đang dâng lên suốt thời gian qua. Họ biết rằng giữ ông Park ở lại vẫn là lựa chọn tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại.
Trước Nhật Bản, quyết định ấy chắc chắn sẽ mang tới những phấn chấn, sẽ làm an lòng các tuyển thủ Việt Nam trước trận cầu mà ông Park miêu tả “khó khăn nhất từ đầu vòng loại”.
Quyết định ấy cho thấy bóng đá Việt Nam không phải chỉ biết “khi vui thì vỗ tay vào”. Chúng ta có tầm nhìn, niềm tin, những kế hoạch dài hạn và hành động để hiện thực hóa những điều đó. Niềm tin, sự đồng hành đạt được trong chiến thắng thì quá dễ dàng. Nhưng thất bại mà vẫn tin tưởng, tỉnh táo thì càng giá trị hơn.
Sau SEA Games vào tháng 5/2022, ông Park sẽ giao lại vị trí HLV trưởng tuyển U23 cho một người khác. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cách mạng ở U23 Việt Nam
Bên cạnh đó, lần gia hạn này của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam cũng có điều khoản đặc biệt liên quan tới đội U23. Sau SEA Games tới, ông Park sẽ chỉ quản lý, nhường hẳn quyền HLV trưởng cho một chiến lược gia khác.
Đây là thay đổi chưa có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Trước đây, VFF luôn đặt điều kiện cho các HLV ngoại phải đồng thời dẫn dắt cả hai đội tuyển, chinh chiến tại cả AFF Cup và SEA Games. Cách làm này phù hợp với bối cảnh quá khứ khi bóng đá Việt Nam chưa hội nhập sâu và không có quá nhiều giải đấu trong một năm.
Nhưng sự phát triển mạnh của nền bóng đá trong những năm qua khiến điều đó không còn phù hợp. Nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước nói về bất cập này ở tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Chính ông Park từng đưa ra đề nghị tương tự về việc không dẫn dắt đội U23 ở SEA Games 2019. Đề nghị này khi đó bị VFF và ngành thể thao từ chối.
Sau gần 3 năm, điều đó thay đổi.
Nghĩa là không chỉ ông Park, VFF cũng trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng lắng nghe các phản biện. Quyết định này đồng nghĩa HLV Park Hang-seo sẽ dồn toàn lực cho các mục tiêu với đội tuyển Việt Nam, mà đích đến lớn nhất đương nhiên là vòng loại World Cup, giải đấu mà ông và đội ngũ của mình từng miêu tả là “World Cup thực sự, thứ mà mọi HLV đẳng cấp đều khao khát”.
Việc ông Park không còn dẫn dắt U23 Việt Nam cũng hứa hẹn mở ra một tương lai mới, nơi mà các HLV nội có thể tiếp quản vị trí này. Trong quá khứ, VFF luôn gặp vấn đề về tính tiếp nối khi không thể chuyển hóa kinh nghiệm, tri thức của các chiến lược gia ngoại tới dàn trợ lý Việt Nam.
Điều đó từng được thực hiện khá hiệu quả dưới thời Alfred Riedl và Henrique Calisto. Thông qua việc cộng tác với họ, các trợ lý Việt Nam trưởng thành rất nhiều. Phần lớn HLV thành danh tại V.League ngày nay đều từng làm trợ lý cho cặp đôi trên ở đội tuyển như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Đức Thắng…
Đấy hiện vẫn là khoảnh trống dưới thời HLV Park khi ông thầy Hàn Quốc có xu hướng sử dụng những cộng sự đồng hương, còn các HLV người Việt giúp đỡ ông ở đội tuyển như Lư Đình Tuấn hay Vũ Hồng Việt đều không được đánh giá quá cao.
Nhưng sau sự rút lui của ông Park, khoảng trống tại đội U23 đã mở ra. Ban huấn luyện hai đội tuyển sẽ mở rộng hơn. Và cơ hội học hỏi cho những HLV Việt Nam có thể xuất hiện. Đây là một vấn đề mà VFF có thể xem xét khi tính tới di sản tương lai của HLV Park. Chính ông thầy người Hàn và đồng hương Chung Hae-seong cũng từng hưởng lợi theo cách tương tự khi làm việc cùng Guus Hiddink tại World Cup 2002.
VFF và ông Park gia hạn hợp đồng sẽ tiếp thêm tinh thần cho tuyển Việt Nam trong ngày tái đấu Nhật Bản. Ảnh: Minh Chiến. |
Doping cho trận gặp Nhật Bản
Trở lại với trận gặp Nhật Bản, quyết định gia hạn hợp đồng của HLV Park Hang-seo chắc chắn là một liều doping mạnh mẽ cho đội tuyển Việt Nam. Chiến dịch vòng loại của Quang Hải và đồng đội có quá nhiều tin không vui. Họ cần một cú hích về tinh thần mạnh mẽ để thay đổi không khí hiện tại.
Phần lớn tuyển thủ Việt Nam hiện tại trưởng thành, “thay da đổi thịt” dưới sự dẫn dắt của HLV Park. Ông là người đưa họ tới vinh quang, còn các cầu thủ là niềm tự hào của ông. Đôi bên có những gắn bó khăng khít ở cả U23 và đội tuyển suốt từ năm 2017 tới nay. Việc người thầy tiếp tục đồng hành chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tinh thần cho các cầu thủ.
Và tuyển Nhật Bản có thể là đối thủ đầu tiên được chứng kiến tinh thần ấy.
Nguồn: News.zing.vn