Theo quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020, du lịch (DL) được xác định là một trong 4 trụ cột quan trọng của nền kinh tế tỉnh trong tương lai, phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bao gồm: DL biển, sinh thái, văn hóa và dịch vụ phục vụ DL. Từng bước hình thành các khu DL trọng điểm của cả nước với các loại hình DL độc đáo, chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm DL đa dạng. Phấn đấu đến năm 2020, cụm ngành này đóng góp 8% GRDP của tỉnh và giải quyết 10% lao động xã hội…
Cách Tp. Phan Rang – Thàp Chàm khoảng 8km về phía Đông Nam, đồi cát Nam Cương thuộc thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) là một điểm du lịch hoang sơ của tỉnh Ninh Thuận. Đến đây, bên cạnh những xóm làng của đồng bào dân tộc Chăm,
du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên cát vàng, ngắm nhìn những đàn cừu, bò, dê gặm cỏ, uống nước dọc theo những con suối mát, yên bình. Ảnh: V.M
Những năm gần đây, thông qua tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng…hoạt động DL của tỉnh có bước khởi sắc, số lượng du khách tăng lên đáng kể. Đã có nhiều dự án về DL được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện (hiện trên địa bàn tỉnh có 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực DL được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 11.689,6 tỷ đồng. Trong đó, có 17 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn 3.183,7 tỷ đồng; 12 dự án đang triển khai, với tổng vốn 4.105,4 tỷ đồng; 16 dự án đang hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện triển khai, với tổng vốn đăng ký 3.800,6 tỷ đồng), tập trung phát triển ở dải ven biển của tỉnh, trong đó có một số dự án đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động, như khu nghỉ dưỡng cao cấp Núi Chúa-Amanơi, đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực mới để đẩy mạnh việc phát triển DL của tỉnh nhà. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư cho 3 dự án, với tổng vốn đăng ký 5.025 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, DL của Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ dự án DL hoàn thành đưa vào hoạt động còn thấp. Các chỉ tiêu chủ yếu về lượng khách và thu nhập mà ngành DL đạt được so với một số tỉnh trong vùng vẫn còn có khoảng cách khá xa, tỷ trọng trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh còn thấp, dịch vụ DL còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực chưa tương xứng với vai trò, vị trí và nhiệm vụ của một ngành kinh tế quan trọng.
Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT-DL, cho biết: Để thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển sản phẩm DL chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển DL, tỉnh ta đang tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư gắn với các địa điểm và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, hướng đến khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, có thương hiệu đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của tỉnh để tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách. Tập trung phát triển các loại hình DL di sản văn hoá với nét đặc sắc của văn hoá Chăm và các làng nghề truyền thống; khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển DL thể thao với các dịch vụ trên không và dưới biển như lướt ván dù, bơi lội ngắm rạn san hô, đua mô tô trên cát; hình thành các khu DL cao cấp tầm cỡ quốc gia và quốc tế.. Với lợi thế có bãi biển đẹp, còn nguyên sơ, có các sản phẩm đặc thù phù hợp cho chăm sóc sức khỏe, spa; gắn với các câu lạc bộ Golf, du thuyền…; khuyến khích phát triển các dịch vụ DL (ăn uống, mua sắm, khu vui chơi giải trí…) khu vực ven biển và tại các khu DL trọng điểm để thu hút khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.
Ngoài ra, tỉnh còn đề nghị Chính phủ cho phép Ninh Thuận bổ sung các khu DL trọng điểm như: Vĩnh Hy-Bình Tiên, Mũi Dinh-Cà Ná… vào quy hoạch các khu DL quốc gia để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm DL mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển DL của tỉnh. Tập trung huy động các nguồn vốn đẩy nhanh đầu tư, cải thiện mạnh mẽ điều kiện hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường vành đai, đường vào các khu DL… tạo kết nối cao giữa các khu DL dọc tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná với các trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, 27B…, kết nối các khu DL biển với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các khu DL trọng điểm của cả nước; đồng thời đẩy nhanh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật một số điểm DL trọng điểm của tỉnh như: Hạ tầng Khu du lịch Vĩnh Hy; Di tích Bẫy đá Pinăng Tắc và Vườn Quốc gia Phước Bình…, tạo điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách. Tiếp tục mở rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đã ký kết như: Hợp tác 9 tỉnh Duyên hải miền Trung; 6 tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các tour DL mang thương hiệu vùng; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành DL…, để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của nhau, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng của tỉnh để tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn nhà đầu tư và du khách.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn