Cả ba HLV tuyển Thái Lan gần nhất đều thảm bại ở châu Á, vậy vấn đề nằm ở họ hay nằm ở chính bóng đá Thái Lan?
Thành tích tồi tệ ở 3 trận cuối vòng loại World Cup 2022 khiến HLV Akira Nishino bị Thái Lan sa thải. Nhưng ông thầy người Nhật Bản không phải HLV tuyển Thái duy nhất thảm bại.
Trước ông, Kiatisuk Senamuang và Milovan Rajevac cũng chịu những thất bại nặng nề trước khi mất việc. Nếu chỉ một HLV bại trận, đó là lỗi của họ.
Nhưng khi cả ba HLV gần nhất đều thảm bại, Thái Lan có lẽ phải xem lại chính mình trên bản đồ bóng đá Đông Nam Á và châu Á.
Nishino bất tài?
Câu trả lời là không hề.
Khởi nghiệp từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, Nishino ngay lập tức để lại dấu ấn đậm nét khi giúp Olympic Nhật Bản đánh bại Brazil của Ronaldo “béo”, Rivaldo, Roberto Carlos ở Olympic 1996. Ông tiếp tục dẫn dắt hàng loạt lớn ở CLB J1 League, vô địch AFC Champions League 2008. Nishino có 2 lần được bầu là HLV hay nhất Nhật Bản và hay nhất châu Á 2008.
Khi Vahid Halilhodzic bị sa thải trước thềm World Cup 2018, người Nhật phải mời tới Nishino, khi đó đang làm Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Phần còn lại trở thành lịch sử, khi Nhật là đội châu Á duy nhất vượt qua vòng bảng, chỉ rời World Cup sau trận đấu để đời với người Bỉ ở vòng 1/8.
Những dữ liệu cho thấy Nishino không hề thiếu tài năng. Ông cũng chẳng hề lạc hậu với thời cuộc như nhiều tờ báo Thái Lan mô tả.
Khởi đầu của Nishino với tuyển Thái Lan, lối chơi ban bật mà ông mang tới đội tuyển này trong những trận đầu vòng loại World Cup thực sự ấn tượng. Thái Lan từng có thời điểm dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup, trước khi sụp đổ ở giai đoạn sau. Chính tuyển Việt Nam cũng không thắng được Thái Lan sau cả 2 lần đối đầu ở vòng loại này.
Vậy Nishino bất tài hay tuyển Thái Lan chỉ mạnh đến thế?
Trước Nishino, Rajevac bị sa thải sau thất bại 1-4 dưới tay Ấn Độ ở Asian Cup 2019. Xa hơn nữa, Kiatisuk mất việc sau trận thua 0-4 trước Nhật Bản. Cả ba HLV tuyển Thái gần nhất đều thảm bại ở châu Á. Vậy vấn đề nằm ở họ hay nằm ở chính tuyển Thái Lan?
Tuyển Thái Lan có lẽ không mạnh như họ tưởng tượng, bóng đá Thái Lan có lẽ chưa tới tầm châu lục như tham vọng của Liên đoàn Bóng đá Thái (FAT). Rajevac và Nishino đều là những HLV tài danh, đều tỏa sáng ở World Cup với tuyển Ghana và Nhật Bản.
Nhưng không thể đòi hỏi họ có thành tích cao nếu thực lực của đội tuyển không mạnh. Trường hợp của họ ở tuyển Thái Lan có nhiều nét giống với Sven-Goran Eriksson tại Philippines hay Marcello Lippi ở Trung Quốc. Không bột khó gột nên hồ.
Ê kíp của Nishino ở Thái Lan chỉ có mình ông là người Nhật Bản. Ảnh: Minh Chiến. |
Những dấu hiệu thất bại
Suốt quá trình làm việc tại Thái Lan, ông Nishino và người Thái cũng nhiều lần để lộ những dấu hiệu thiếu ăn ý, không đồng nhất trong mục tiêu và cách làm bóng đá.
Ngày tới Thái Lan, HLV Nishino bảo mục tiêu lớn nhất của ông là Olympic tại quê nhà Nhật Bản và vòng loại World Cup. Để phục vụ hai đích ngắm ấy, chiến lược gia người Nhật sẵn sàng hy sinh những giải đấu kém quan trọng hơn như AFF Cup hay SEA Games.
Quan điểm này không mới, thậm chí từng được chính HLV Park Hang-seo đề cập tại Việt Nam. Nhưng khác với Nishino, ông Park có vị thế cực lớn với bóng đá Việt Nam sau những thành tựu đã qua.
Nishino không có điều đó. Những phát ngôn coi nhẹ SEA Games, quan điểm thử nghiệm của ông ở sân chơi khu vực khiến nhiều người Thái không hài lòng.
Đó là lý do Nishino bị chỉ trích dữ dội sau thất bại trên đất Philippines cuối năm 2019. Mọi thứ thực sự bùng nổ sau đó một tháng khi Thái Lan thất bại ở U23 châu Á 2020.
Người Thái khi ấy tự hỏi: Coi nhẹ SEA Games để làm gì khi U23 Thái cũng thất bại ở vòng loại Olympic?
Những bất đồng, va chạm về tư tưởng ấy có thể được xử lý tốt hơn nếu ông Nishino có một đội ngũ trợ lý chất lượng. Nhưng nhà cầm quân người Nhật Bản hoàn toàn đơn độc.
FAT từng hỏi Nishino có cần trợ lý Nhật Bản không khi mới tới Thái Lan. Đáp lại, HLV 66 tuổi nói không.
Bởi vậy, ông gần như đơn độc giữa những người Thái, không có người đồng hành lớn như kiểu trợ lý Lee Young-jin với HLV Park. HLV người Nhật Bản có lẽ quá tự tin, còn FAT có lẽ hơi bất cẩn khi không trao cho Nishino thêm sự hỗ trợ.
Bản thân Nishino cũng không có nhiều liên hệ cá nhân với bóng đá Thái Lan, bằng chứng là sự việc vừa qua. Trong thời đại công nghệ thông tin, thật khó để tin rằng FAT có thể mất liên lạc với HLV trưởng tuyển quốc gia cả tuần lễ.
Càng khó tin hơn khi Nishino dường như chẳng có phương tiện nào để phủ định những cáo buộc của lãnh đạo FAT.
Nếu theo dõi kỹ quá trình Nishino làm việc ở Thái Lan, người hâm mộ sẽ nhận ra ông rất nhiều lần phải lên tiếng về tình hình Thái Lan thông qua công ty đại diện tại Nhật Bản. Liên kết quá lỏng lẻo với FAT, quan hệ không tốt với truyền thông, không được lòng người hâm mộ vì các thất bại liên tiếp, Nishino gặp khó ở Thái Lan là điều dễ hiểu.
Nhưng lỗi không chỉ thuộc về Nishino. Không giống VFF, FAT dường như có cách đối xử khác với HLV trưởng tuyển quốc gia.
Khi Nishino còn tại vị, Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung đã có không ít phát ngôn tiêu cực, trái chiều với HLV trưởng, giống hệt các chỉ trích của ông với Kiatisuk năm xưa. Đó là lý do khi FAT quyết định sa thải Nishino, họ cũng bị chỉ trích không ít.
CĐV Suriya Rattanasopha bày tỏ: “Thất vọng với quyết định này. HLV Nhật Bản xứng đáng có được cơ hội khác. Ít nhất thì cũng nên dự giải vô địch Đông Nam Á”.
Những mâu thuẫn âm ỉ giữa ông Nishino và người Thái vì thế chỉ chờ ngày bùng nổ.
Sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam khiến Thái Lan gặp nhiều khó khăn ở đấu trường khu vực. Ảnh: Minh Chiến. |
Thái Lan không còn độc tôn ở Đông Nam Á
Những khó khăn của Nishino càng lớn hơn trong bối cảnh cụ thể của bóng đá Đông Nam Á.
Khác với thời Kiatisuk, tuyển quốc gia và U23 Thái Lan dưới thời Nishino (giữa năm 2019 trở đi) không còn giữ được thế áp đảo tại khu vực. Trước đó, Kiatisuk thành công trong giai đoạn cả Đông Nam Á, cụ thể là Malaysia cùng Việt Nam đều đi xuống.
Nhưng kể từ năm 2017, khi lứa 1997 của Việt Nam càng tiến bộ thì bóng đá Thái càng đi xuống. HCV SEA Games 2017 cũng là danh hiệu gần nhất người Thái giành được.
Ông Nishino đến Thái Lan trong bối cảnh bóng đá Thái không còn giữ được ưu thế tuyệt đối trước mọi đối thủ. Tuyển Thái Lan và U23 của ông vẫn có những thời điểm chơi tốt, nhưng sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam và Malaysia khiến mọi thứ khó khăn gấp bội.
Trong nước, sự phát triển của Thai League và việc cầu thủ Thái tiến sang Nhật Bản tưởng sẽ giúp ích nhiều cho Nishino. Nhưng ngược lại, nó tạo ra vấn đề mới.
Thai League 1 phát triển chóng mặt, trở thành một trong những giải quốc nội hàng đầu châu Á. Giá trị từng trận đấu, số tiền các CLB Thái thu về từ bản quyền truyền hình khiến họ quyết tâm nâng cao chất lượng giải đấu.
Hậu quả là tuyển quốc gia và U23 Thái Lan luôn gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các CLB nhả người. Trước khi Nishino bị sa thải, Thái Lan từng tính mang đội trẻ tới AFF Cup cuối năm nay.
Đồng thời với sự phát triển của giải quốc nội, nhiều CLB Thái Lan để lại dấu ấn ở AFC Champions League, nhiều cầu thủ Thái Lan tìm được con đường xuất ngoại từ giải châu lục. Tỏa sáng với tuyển Thái không còn là con đường duy nhất để họ chứng minh thực lực với thế giới.
Việc Theerathon Bunmathan từ chối tuyển Thái ở vòng loại World Cup, ở lại Nhật để cống hiến cho Yokohama F.Marinos là bằng chứng rõ ràng nhất.
Thái Lan từng thống trị khu vực với bộ tứ Bunmathan, Chanathip Songkrasin, Kawin Thamsatchanan và Teerasil Dangda. Cả bốn người đều vắng mặt tại vòng loại World Cup tháng 6 vừa qua.
“Thế hệ vàng” 1992-1993 của người Thái cũng gần bước sang tuổi băm. Ông Nishino bị chỉ trích dữ dội vì trẻ hóa tuyển Thái. Nhưng ông đâu có nhiều lựa chọn.
Ba HLV tài danh gần nhất đều đã thất bại ở tuyển Thái Lan. Lỗi thuộc về họ hay thuộc về chính bóng đá Thái Lan?
Nguồn: News.zing.vn