Những nỗ lực không ngừng trong công tác trùng tu, bảo tồn nhà vườn Huế nhằm giữ gìn và phát huy một trong những giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ riêng của Thừa Thiên – Huế mà còn của đất nước.
Nhà vườn Huế là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, là một trong những bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với quá trình đô thị hóa của Huế.
Song trải qua thời gian hàng trăm năm tồn tại, chịu nhiều tác động tiêu cực của thời tiết, chiến tranh, cùng với sự thiếu quản lý, bảo vệ nên số lượng cũng như các yếu tố về nghệ thuật kiến trúc của nhà vườn Huế đã và đang suy giảm nghiêm trọng.
Nhiều nhà vườn cổ được trùng tu, bảo vệ
Đứng trước những vấn đề này, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã có những nỗ lực không ngừng trong công tác trùng tu, bảo tồn nhằm giữ gìn và phát huy một trong những giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ riêng của Thừa Thiên – Huế mà còn của đất nước.
Nhà vườn Huế là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Ảnh: Thế Trung
Những ngày này, có mặt tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) mới thấy không khí làm việc tích cực của các nhóm thợ và sự phấn khởi của người dân nơi này khi chứng kiến những căn nhà rường cổ của mình đang được trùng tu và dần hoàn thiện.
Làng Phước Tích hiện có hơn 30 ngôi nhà cổ với tuổi đời gần 200 năm tuổi được xem là hồn cốt của làng. Trước đó, do nhiều yếu tố tác động mà những ngôi nhà này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Vì là nhà cổ được liệt vào hàng di sản Quốc gia nên những người dân sinh sống trong ngôi nhà này cũng gặp nhiều khó khăn khi nhà thì ngày càng dột nát không biết đổ sụp khi nào. Nhưng để trùng tu, sửa chữa cần phải có kinh phí rất lớn, phần nữa người dân cũng không có đủ kinh nghiệm trong việc này.
Một thời gian dài, sự nhếch nhác, điêu tàn của những ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích khiến du khách tìm về không khỏi ái ngại. Đứng trước thực trạng này, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 3370/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc thẩm định hồ sơ tu bổ một số công trình trên địa bàn trong đó có miếu Thế Lại Thượng; đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích.
Nhiều nhà rường cổ tại làng Phước Tích được quan tâm trùng tu, sửa chữa. Ảnh: Thế Trung
Việc nhiều nhà cổ được chính quyền địa phương quan tâm tìm cách trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa khiến người dân không khỏi vui mừng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lương Thanh Phong, chủ ngôi nhà rường cổ gần 200 năm tại làng Phước Tích và đã lưu truyền qua 5 thế hệ vui vẻ cho biết: “Mấy năm sống trong lo sợ giờ cũng đã được chính quyền quan tâm để giúp tôi làm lại ngôi nhà rường. Mấy năm trước, tôi cứ loay hoay sửa chỗ này đến chỗ khác, thành ra cái nhà rường cổ quý hiếm như một ổ chuột. Nay được trùng tu bài bản thì đẹp rồi”.
Trước đây để đối phó với tình trạng nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, bà Lê Thị Hoa phải mua tôn về nhờ người lợp để sống tạm, nay thấy ngôi nhà rường hơn 150 tuổi của gia đình được chính quyền hỗ trợ để trùng tu, bà Hoa cũng lấy làm phấn khởi: “Mấy năm sống trong lo sợ, giờ được hỗ trợ để sửa lại nhà tôi vui lắm. Chứ cứ để vậy thì không biết sẽ đổ sập lúc nào”.
Đưa nhà vườn Huế trở thành sản phẩm du lịch
Trong khi đó, thời gian qua UBND TP. Huế cũng đang khẩn trương thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị của nhà vườn Huế”. Theo thống kê, hiện trên toàn TP. Huế có trên 150 nhà vườn Huế có giá trị lịch sử văn hóa, tuy nhiên theo thời gian nhiều nhà vườn đã xuống cấp, biến đổi nghiêm trọng.
Ông Đoàn Kim Khánh cho biết nhà vườn của gia đình lâu nay có dấu hiệu xuống cấp, nay được chính quyền hỗ trợ trùng tu khiến ông rất vui mừng. Ảnh: Thế Trung
Để bảo vệ và phát huy giá trị, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang quyết tâm thực hiện mục tiêu có 25 – 40% nhà vườn Huế đặc trưng được trùng tu trong gia đoạn 2015 – 2020 theo Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐBD của HĐND tỉnh. Trong giai đoạn 1 (2015 – 2017), 14 nhà vườn Huế đặc trưng có giá trị lịch sử văn hóa đã được UBND phê duyệt hỗ trợ trùng tu. Đến nay, TP. Huế đã thực hiện trùng tu được 8/14 nhà với tổng kinh phí gần 6,2 tỷ đồng. Trong đó 4 nhà vườn đã hoàn thành, 4 nhà vườn đang tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Ông Đoàn Kim Khánh, một trong những chủ nhà vườn tham gia đề án phấn khởi cho biết, nhà vườn của gia đình có tuổi đời trên 100 năm tuổi. Mong muốn trùng tu lại một một số hạng mục trong nhà rường cổ bị xuống cấp đã được gia đình ấp ủ từ lâu nhưng vì điều kiện kinh phí không có nên đành bỏ ngỏ.
“Nay chính quyền địa phương về tận nhà để khảo sát, hỗ trợ việc trùng tu khiến gia đình rất vui mừng. Không chỉ giữ gìn được một nét giá trị văn hóa mà còn bảo tồn được ngôi nhà cổ mà cha ông để lại”, ông Khánh cho hay.
Sau khi hoàn thành trùng tu nhà chính, nhà vườn của ông Lê Lương được gia đình dự định khai thác, phục vụ du lịch. Ảnh: Thế Trung
Được biết, từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm 25 nhà vườn đăch trưng ở TP. Huế được đề án chọn hỗ trợ trùng tu sửa chữa. Mỗi nhà được hỗ trợ với số tiền không hoàn lại từ 400 đến 700 triệu đồng. Nhiều nhà vườn sau khi hoàn thành sẽ được quan tâm, đầu tư để phát triển loại hình du lịch nhà vườn.
Những ngày này, công việc trùng tu sửa chữa ngôi nhà vườn của ông Lê Lương (38 Nguyễn Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) đang được gấp rút hoàn thành và chờ ngày đưa vào sử dụng. Gặp chúng tôi, ông Lương hồ hởi cho biết: “Gia đình chúng tôi dự định sẽ mở nhà hàng ngay tại nhà vườn, sau đó sẽ liên kết với các tour du lịch, đơn vị lữ hành để đưa khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ. Dự kiến sau khi hoàn thành công tác trùng tu nhà chính sẽ đưa vào khai thác ngay”.
Theo số liệu của UBND TP. Huế, hiện tại trong tổng số 8/14 nhà vườn thuộc danh mục nhà vườn Huế đặc trưng đã được hỗ trợ trùng tu, hiện nay đã có 5 nhà vườn đã và đang khai thác các dịch vụ du lịch như: tham quan, trải nghiệm làm vườn, học nấu ăn, ăn cơm trưa cùng gia đình, ngâm chân bằng các loại lá cây trong vườn,.. Doanh thu trung bình mỗi tháng đạt từ 3 đến 30 triệu đồng, trong đó có nhà vườn Hoàng Xuân Bậc (phường Kim Long, TP. Huế) mùa du lịch cao điểm doanh thu mỗi tháng đạt trên 100 triệu đồng.
Hiện nhiều nhà vườn sau trùng tu đã đưa vào khai thác thành một sản phẩm du lịch được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Thế Trung
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Phạm Thị Quỳnh Dao – Trưởng phòng VHTT TP. Huế, Phó trưởng Ban quản lý bảo vệ nhà vườn Huế cho biết, công tác bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế thời gian qua nhận được sự ủng hộ và đánh giá rất cao của những người tham gia đề án và cả những người quan tâm, yêu nhà vườn Huế.
Tuy nhiên dự án cũng gặp một số khó khăn nhất định như: vướng mắc về vấn đề sở hữu, đã số các nhà vườn đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế, một số người đang sống ở nhà vườn không có quyền quyết định trong việc tham gia đề án; Khó khăn về kinh phí đối ứng khi một số phủ thờ kinh phí trùng tu quá lớn, việc huy động đóng góp từ con cháu trong dòng tộc gặp khó khăn nên không thể thực hiện. Chưa kể trong số nhà vườn đã được UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 đã có một số nhà vườn có đơn xin không tham gia đề án nữa.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung của đề án để người dân và những chủ nhân của nhà vườn được nắm rõ, thấy được các lợi ích của việc tham gia đề án để vận động các chủ nhà vườn khác tham gia. Thành phố cũng sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành khác để nghiên cứu, phát triển các tour du lịch khám phá, trải nghiệm nhà vườn Huế, các sản phẩm du lịch gắn với nhà vườn Huế”, bà Dao nhấn mạnh.
Thế Trung
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn