Nỗi ám ảnh môn đăng hộ đối ở Nhật Bản qua hôn sự của công chúa

0
Nỗi ám ảnh môn đăng hộ đối ở Nhật Bản qua hôn sự của công chúa

Một số người cho rằng Kei Komuro, thường dân lớn lên trong gia đình đơn thân, không xứng đáng nên duyên cùng công chúa.

dam cuoi cong chua nhat ban anh 1

Hôn nhân của Công chúa Mako và Kei Komuro theo đúng mô-típ cổ tích hiện đại: Một luật sư đầy tham vọng nên duyên với một công chúa đời thực – người chuẩn bị rời cung điện ở Tokyo để tìm kiếm cuộc sống mới tại New York, theo CNN.

Thế nhưng, kể từ khi cả hai tuyên bố đính hôn vào năm 2017, chuyện tình của họ đã chìm trong sự phản đối của công chúng và nỗi ám ảnh của những tờ báo lá cải.

Tháng trước, hàng loạt trang tin đăng tải kiểu tóc buộc đuôi ngựa của Komuro dưới mọi góc độ. Một số người so sánh nó với kiểu tóc của samurai, trong khi số khác nói rằng diện mạo của người đàn ông 30 tuổi không phù hợp để trở thành chàng rể hoàng gia.

Tóc đuôi ngựa có thể không gây xôn xao ở phương Tây, nhưng với người dân Nhật Bản, nó phản ánh địa vị và vai trò của một cá nhân.

dam cuoi cong chua nhat ban anh 2

Kei Komuro từ Mỹ trở về Nhật Bản vào ngày 27/9, một tháng trước đám cưới với Công chúa Mako.

Theo Hitomi Tonomura, giáo sư nghiên cứu về giới và phụ nữ tại Đại học Michigan, mọi người coi kiểu tóc đuôi ngựa của Komuro là một dấu hiệu đi ngược lại kỳ vọng của xã hội.

“Nếu anh ấy là một ca sĩ hoặc nghệ sĩ, nó không sao cả, nhưng mọi người nghĩ rằng anh ấy không giống luật sư và cũng không thích hợp để kết hôn với một phụ nữ thuộc hoàng tộc”, bà Tonomura nói.

Trước đám cưới diễn ra vào ngày 26/10, Komuro đã cắt tóc, nhưng chắc chắn những lời chỉ trích hướng về chàng rể Hoàng gia Nhật sẽ không dừng lại.

Bởi lẽ, sự phản đối dành cho mái tóc chỉ là một phần biểu hiện, chứ không phải căn nguyên thái độ chán ghét của công chúng Nhật Bản đối với Komuro.

Chuyện môn đăng hộ đối

Công chúa Mako, vừa tròn 30 tuổi hôm 23/10, là cháu nội của cựu Nhật hoàng Akihito. Từ nhỏ, cô đã chiếm được cảm tình của công chúng Nhật Bản.

Mikiko Taga, nhà báo chuyên viết về Hoàng gia Nhật Bản, cho biết: “Cách cư xử của Công chúa Mako rất hoàn hảo. Mọi người coi cô ấy như một người con hoàng gia vẹn toàn”.

Công chúa Mako từng dự định theo học tại Đại học Gakushuin – trường dành riêng cho con cháu của các gia đình dòng dõi hoàng gia, quý tộc. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã chọn theo học nghệ thuật và di sản văn hóa tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo.

Tại đây, Mako gặp Komuro, chàng trai cùng tuổi sinh ra trong một gia đình khiêm tốn hơn nhiều.

dam cuoi cong chua nhat ban anh 3

Công chúa Mako và Kei Komuro tuyên bố đính hôn vào năm 2017.

Komuro mất cha, ông bà khi còn nhỏ và được một mình mẹ nuôi lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế năm 2014, anh làm việc trong một công ty luật ở Tokyo, trước khi giành được học bổng theo học ngành luật tại Đại học Fordham (New York).

Trong thời gian này, Công chúa Mako đến Đại học Leicester (Anh) với tư cách là sinh viên trao đổi, trước khi tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng nghệ thuật và phòng trưng bày.

Không lâu sau đó, cặp đôi tái hợp. Năm 2017, cả hai tuyên bố đính hôn với công chúng Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo đông đúc, công chúa cho biết cô đã bị thu hút bởi “nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời” của Komuro và mô tả hôn phu “chân thành, mạnh mẽ, luôn làm việc chăm chỉ và có trái tim rộng mở”.

Truyền thông Nhật Bản mệnh danh Komuro là “Hoàng tử của biển”, theo tên nhân vật anh đóng trong một chiến dịch quảng bá du lịch biển cho thành phố Fujisawa.

Tuy nhiên, những điều tốt đẹp này không kéo dài lâu.

Cả hai đã lên kế hoạch kết hôn vào năm 2018, nhưng đám cưới của họ đã bị lùi lại. Hoàng gia cho biết sự chậm trễ là do “thiếu sự chuẩn bị”.

dam cuoi cong chua nhat ban anh 4

Công chúa Mako đến thăm lăng hộ Hoàng gia Musashi ở ngoại ô Tokyo ngày 12/10.

Tuy nhiên, công chúng nghi ngờ việc mẹ của Komuro dính vào bê bối không hoàn trả 36.000 USD mà bà đã vay từ vị hôn phu cũ của mình mới là nguyên nhân thực sự.

Komuro đã đưa ra một tuyên bố dài 28 trang vào đầu năm nay để phản đối điều này. Komuro nói rằng mẹ anh tin rằng số tiền là một “món quà” và anh sẽ trả tiền để giải quyết tranh chấp.

Nhưng những trang tin lá cải vẫn tiếp tục mổ xẻ mọi khía cạnh về gia đình và cuộc sống của hôn phu công chúa. Một số thậm chí còn cho rằng Komuro là “kẻ đào mỏ” không đáng tin.

“Mặc dù, ở Mỹ, mọi người nghĩ rằng vấn đề tài chính của mẹ không liên quan đến Komuro Kei, một người đàn ông trưởng thành, độc lập, công chúng Nhật Bản coi đây là một vấn đề lớn và biến anh từ một thanh niên tốt bụng, trung thực thành một kẻ cơ hội, toan tính”, bà Tonomura, chuyên gia nghiên cứu giới và phụ nữ, cho biết.

Ác cảm với mẹ đơn thân

Cuộc gặp gỡ tình cờ trong khuôn viên trường đại học không phải là con đường dẫn đến hôn nhân thông thường của các thành viên hoàng gia.

Kaori Hayashi, chuyên gia nghiên cứu về truyền thông của Đại học Tokyo, cho biết người phối ngẫu thường được lựa chọn cẩn thận từ các mối quan hệ truyền thống và thân thuộc với hoàng gia.

Ngoài ra, quan niệm các bà mẹ đơn thân không đủ khả năng nuôi dạy con cái vẫn phổ biến tại đất nước mặt trời mọc, bà Tonomura cho biết.

“Ở Nhật Bản, nỗi ác cảm đã hạ thấp địa vị của các bà mẹ đơn thân cả về mặt đạo đức lẫn kinh tế”.

Sự phản đối với các gia đình đơn thân cho thấy vấn đề bất bình đẳng giới ở Nhật Bản, quốc gia có khoảng cách giới lớn nhất trong nhóm G7 (diễn đàn của 7 cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới).

Nancy Snow, giáo sư về ngoại giao công chúng tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, cho biết: “Tại Nhật Bản, sự phân biệt vai trò giới truyền thống không chỉ diễn ra trong hoàng gia, mà còn ở nhiều khía cạnh khác”.

dam cuoi cong chua nhat ban anh 5

Các thành viên hoàng gia tại lễ lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito vào ngày 22/10/2019.

Việc rút lui khỏi hoàng gia của Mako và Komuro được truyền thông quốc tế so sánh với Meghan Markle và Hoàng tử Harry của Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, theo Ken Ruoff, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản học tại ĐH Portland, kịch bản dành cho Mako và Komuro sau đám cưới chắc chắn sẽ rất khác.

“Các thành viên hoàng gia Anh lớn lên trong khối tài sản khổng lồ. Họ cũng dành nhiều thời gian để trực tiếp quyên góp tiền cho các mục đích từ thiện khác nhau. Vì vậy, khi Harry và Meghan đến Mỹ, bằng cách kể những câu chuyện khác nhau về hoàng gia, họ kiếm được hàng triệu USD.

Tôi dự đoán rằng Mako và chồng tương lai sẽ không cư xử như vậy sau khi họ kết hôn. Trên thực tế, tôi nghĩ họ chỉ đơn giản biến mất khỏi truyền thông”.

Còn theo Taga, nhà báo về các vấn đề hoàng gia, thời đại yêu cầu ai đó phải hoàn thành nghĩa vụ hoàng gia từ khi sinh ra sắp kết thúc.

“Đó là lý do những người đến từ hai hoàng gia khác nhau, phương Đông và phương Tây, đang chọn sống theo cách họ muốn. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới”.

Nguồn: News.zing.vn