Nhiều du khách đã không hiểu nổi vì sao cha xứ, cảnh sát và những kẻ buôn thuốc phiện lại có thể trở thành hàng xóm của nhau trong nhiều năm qua và sử dụng chung mọi thiết bị, thậm chí là cả thang máy.
Du khách lần đầu đến Whittier đều rất ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết trong số 200 cư dân tại thị trấn nhỏ bé này đều sống trong một chung cư 14 tầng mang tên Begich Towers. Tòa nhà này nằm phía rìa thị trấn và có rất ít người dân sống trong các ngôi nhà thưa thớt bên ngoài.
Thị trấn Whittier có chiều dài khoảng 5 km và địa hình hiểm trở, một bên là biển, sau lưng là núi. Tòa nhà chung cư phía xa là nơi phần lớn người dân chọn làm nơi sinh sống. Ảnh: Gizmodo. |
Bên trong tòa nhà, ngoài những căn hộ dành cho người dân sinh sống còn có cả một đồn cảnh sát, một trạm y tế, tiệm giặt là, cửa hàng tiện lợi và tầng trệt là dành riêng cho nhà thờ. Người ngoài đã không thể hiểu nổi vì sao các nhà chức trách, cha xứ, cảnh sát lại có thể “đội trời chung” với những kẻ buôn thuốc phiện, sử dụng chung thang máy và mọi dịch vụ cũng như chạm mặt nhau hàng ngày.
Các nhà chức trách địa phương lý giải cho nguyên nhân sống chung này là quy mô thị trấn khá nhỏ, kéo dài chưa đến 5 km dọc theo bờ biển và vị trí địa lý lại hiểm trở, khó tiếp cận. Cách duy nhất để xâm nhập vào thị trấn là bằng đường biển hoặc đường hầm qua núi, mà mỗi lần chỉ đi được một chiều. Ban đêm hầm đóng cửa và Whittier nhanh chóng trở thành địa điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Thời tiết tại Whittier, Alaska cũng rất khắc nghiệt, mùa đông tuyết rơi dày hàng mét và vận tốc gió có thể đạt gần 100km/ h. Do những yếu tố trên, người dân trong trấn đã tập hợp những thứ cần thiết trong một tòa nhà và họ chẳng cần rời khỏi nơi trú ẩn ấm áp này vẫn có thể sống tốt và không bị lạc hậu so với thế giới bên ngoài.
Toàn cảnh thị trấn nhìn từ trên cao. Ảnh: Gizmodo. |
Do cả thị trấn hầu như sống cùng một chung cư, nên sinh hoạt của mọi người khá thoải mái. Người dân có thể đi lại khắp nơi trong bộ quần áo ngủ, dép lê ngay cả khi đang làm việc. Họ cũng có thể gõ cửa phòng cảnh sát trưởng bất kỳ lúc nào còn học sinh, sinh viên chỉ cần đi vài bước chân là có thể đến nhà thầy giáo để nhờ chỉ bảo.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là trong không gian chật hẹp này người dân thị trấn Whittier vẫn có chỗ để cho du khách thuê nghỉ qua đêm. June Miller – ông chủ nhỏ sống trong tòa nhà này – có các phòng trang bị ống nhòm và đầy đủ tiện nghi để du khách tới đây có thể xem cá voi dưới biển và dê núi ăn cỏ”.
Begich Towers không có trường học. Học sinh muốn tới lớp học phía sau tòa nhà phải di chuyển qua một đường hầm. Lý do mọi người phải đi qua con đường này vì thời tiết ngoài trời rất khắc nghiệt và họ phải tận dụng sự ấm áp phía dưới lòng đất.
Thị trấn có cư dân thưa thớt. Ảnh: Gizmodo. |
Dù cung cấp đầy đủ các dịch vụ và tiện lợi, một vài dân cư ở Whittier không thích sống ở đó và chuyển ra ngoài. Một vài người sống ngay trên những căn nhà nhỏ cạnh đường ray xe lửa, số ít khác thì sống trên thuyền.
Terry Bender – một cư dân lâu năm sống trong tòa nhà – cho biết: “Nhiều người nói với tôi họ phải chuyển đi vì nơi đây chả khác gì một nhà tù. Tôi chỉ cười và nói với họ không nên quá quan trọng mọi thứ như thế. Mỗi hộ gia đình giống như đang sở hữu các phòng ngủ riêng và chúng tôi vẫn sống chung dưới một mái nhà”.
Sau khi quân đội rút khỏi, vào năm 1969 vài trăm cư dân quanh vùng đã chung tay xây dựng thị trấn Whittier. Sau đó, để kiếm sống họ bắt đầu phát triên dịch vụ chuyên chở, kho xăng dầu… Ban đầu thị trấn có tới hơn 1.000 người nhưng rồi nhiều người đã rời khỏi nơi đây.
Brenda Tolman – một người sống ở chung cư từ năm 1982 – cho biết: “Tuy ngày nay dân cư còn lại rất thưa thớt nhưng Whittier vẫn duy trì một cộng đồng gắn bó trong nhiều năm. Có thể chúng tôi không đến nỗi quá thân thiết với nhau, đôi khi cũng có bất đồng nhưng nhìn chung chúng tôi luôn đối xử tốt với hàng xóm. Tôi nghĩ rằng cuộc sống tập thể này là điểm nhấn thu hút du khách tới thăm Whittier”.
Đường đến thị trấn Whittier: Đường bộ: Bạn có thể lái xe từ các bang khác của Mỹ tới Whittier và đi xuyên qua đường hầm Whittier. Tuy nhiên đường hầm này khá bất tiện vì nó còn là nơi để tàu hỏa có thể đi qua. Tại mỗi thời điểm nhất định, đường hầm chỉ cho phép xe đi một chiều và cứ 30 phút lại thay đổi hướng một lần để các phương tiện giao thông có thể dễ dàng ra và vào thị trấn. Nếu đi từ Anchorage (một thành phố của Alaska) tới Whittier, bạn có thể đi mất 1h-1h30 phút. Phí qua đường hầm là 12 USD dành cho xe ô tô chở khách, xe tải. Xe cỡ lớn và ô tô riêng mất phía là 20 USD. Một trong những hãng xe phổ biến chuyên cho du khách thuê ô tô và có dịch vụ tới Whittier là Avis. Bạn cũng có thể thuê xe tự lái của hãng này. Đường sắt: Bạn cũng có thể tiếp cận Whittier bằng tàu từ Anchorage. Đường thủy: Bạn có thể tiếp cận nơi đây bằng đường biển, thông qua các tàu thuyền du lịch hoặc sử dụng thủy phi cơ. |
Xem thêm: những hình ảnh của thị trấn
Anh Minh (theo Gizmodo)
Nguồn: Vnexpress.net