Sau khi tiêm vaccine Covid-19, tôi thấy vùng nách nổi hạch bạch huyết. Hiện tượng này có nguy hiểm không?
Sau khi tiêm vaccine Covid-19, tôi thấy vùng nách nổi hạch bạch huyết. Hiện tượng này có nguy hiểm không?
Thanh Hoài, 33 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ nội trú Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Vaccine là một yếu tố lạ với cơ thể nên khi tiêm hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại. Các hạch bạch huyết có vai trò sinh ra tế bào miễn dịch. Vì vậy, chúng sẽ tăng hoạt động và sưng to lên. Sau khi tiêu diệt dc yếu tố lạ, chúng lại trở về trạng thái bình thường.
Hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách cùng bên với cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày, không gây nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng.
Trong trường hợp thấy các bất thường khác như đau tại vị trí không phải vùng tiêm, gầy sút cân, nổi hạch không phải vùng nách cùng bên cánh tay, hạch nhiều, cứng, ít di động và kéo dài…, bạn cần đi kiểm tra sớm.
Bộ Y tế quy định thời gian để người dân tự theo dõi sức khỏe là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Dấu hiệu tê quanh môi, lưỡi, họng bị ngứa, căng cứng, nghẹn, khó nói sau khi tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian theo dõi là biểu hiện bạn cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.
Một số dấu hiệu nguy hiểm khác bao gồm:
– Ở da: Phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
– Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
– Về tim mạch: Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
– Đường tiêu hóa: Nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
– Đường hô hấp: Khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
– Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Ngoài ra, khi về nhà, bạn cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine.
Nguồn: News.zing.vn