Người già tại Ba Mã, Quảng Tây, Trung Quốc, hàng ngày chỉ cần ngồi trước cửa, đợi du khách tới biếu những bao lì xì mừng thọ và chụp ảnh.
Lướt qua những rặng tre dày, từng hàng bạch đàn xanh tốt giữa núi non hùng vĩ, chiếc xe khách dần tiến vào Ba Mã – nơi được mệnh danh là “thủ đô của những người sống thọ”.
Một chuyến thăm Ba Mã. Video: Willy Colón.
“Làng trường thọ”
Từ những người ốm yếu lâu năm, người già, tới những du khách tò mò đều sẵn sàng lặn lội tới miền sơn cước của huyện Ba Mã, Quảng Tây, Trung Quốc, để tìm hiểu bí quyết sống thọ của người dân nơi đây.
Hơn 2 triệu khách tới thăm Ba Mã mỗi năm, nơi có 270.000 cư dân đang sinh sống với 82 người thọ hơn 100 tuổi. Tại đây có ngôi làng được mệnh danh là “làng trường thọ”, với những cư dân sống tới ngoài 100 tuổi nhiều gấp 5 lần mức trung bình trên khắp Trung Quốc.
Từ ngoài cổng làng, du khách có thể nhìn thấy tấm bản đồ lớn kèm chỉ dẫn đến nhà của từng bậc cao niên họ muốn thăm hỏi. Hàng ngày, những cụ già ngoài trăm tuổi chỉ cần ngồi bên bậc cửa và đợi du khách tới xếp hàng, biếu họ những phong bao lì xi đỏ để mừng thọ hay xin chụp ảnh cùng. Du khách thường đi xe khách tới đây và mang theo quà cáp, chủ yếu đến từ các tỉnh phía nam hay đông bắc Trung Quốc và Hong Kong.
Khi số người già tăng cao trong những năm gần đây, ngành du lịch y tế bùng nổ tại Trung Quốc. Chính phủ nước này khuyến khích nhiều ngôi làng trên khắp cả nước trở thành điểm đến “trường thọ”.
Ba Mã từng là một miền quê nghèo khổ, chính quyền địa phương đã biến những cụ già thành người nổi tiếng, đưa chân dung của họ lên những bản thông cáo và xây cho họ những căn nhà như chốn linh thiêng.
Du khách chờ tới lượt chụp ảnh cùng một cụ già tại Ba Mã. Ảnh: Evonik. |
Các nhà đầu tư không bỏ lỡ thời cơ ra mắt hàng loạt khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng và những căn hộ sang trọng với tên gọi như “Miền đất bí mật”. Những dự án bất động sản này được chào bán cho các gia đình quan tâm tới sức khỏe, muốn đầu tư cho cuộc sống hưu trí của cha mẹ già.
Cơn sốt “trường thọ”
Li Hongkang, bác sĩ y học cổ truyền tại Ba Mã, tiếp đón nhiều bệnh nhân hơn trong vài năm trở lại đây, trong đó có diễn viên vào vai Mao Trạch Đông trên truyền hình, các đại biểu Quốc hội và một tỷ phú từng mua ba ôtô và thuê hai y tá để đưa mẹ tới chữa bệnh.
Bác sĩ Li tiết lộ, nhiều du khách sẵn sàng chi không ít tiền để chữa bệnh, tự huyễn hoặc rằng họ có thể khỏe mạnh khi tới Ba Mã. Huyện miền núi này dần trở thành điểm nghỉ dưỡng ngắn ngày nổi tiếng cũng vì thế.
“Họ sống tốt hơn khi tới đây. Ngay cả khi bệnh tật không thể chữa lành, người ta cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều”, ông nói.
Chen Rangzhi, nguyên giám đốc của một công ty thương mại, nói về Ba Mã như xứ sở thần tiên. Ông phát hiện mình bị ung thư phổi từ năm 2013 nhưng tới nay vẫn sống khỏe mạnh, nhờ tập dưỡng sinh trong hang Bách Quỷ và chế độ ăn lành mạnh với thịt bồ câu hầm táo.
Ông Chen mách cho một nhóm du khách nên ăn chà là và uống một ly nước nóng vào buổi sáng. Ông chỉ ra rằng nhiều người hoàn toàn sai lầm, khi họ nghĩ chỉ cần đến Ba Mã là có thể khỏe ra.
“Nơi này có thể nuôi dưỡng sức khỏe của bạn. Nhưng nếu bệnh viện bảo không có thuốc chữa cho bệnh tình của bạn, Ba Mã cũng không có cách nào giúp bạn khỏi ốm”, ông Chen nhận định.
Cái giá của sự nổi tiếng
Những dòng người tứ xứ đổ về Ba Mã, tạo ra thị trường béo bở cho những sản phẩm chăm sóc sức khỏe không rõ nguồn gốc. Có vô số loại “nước trường thọ” được bày bán cho du khách với giá từ 600 USD một mét khối, kèm lời quảng cáo về công dụng chữa nhiều chứng bệnh như tiểu đường hay loãng xương. Những tiệm thuốc vỉa hè cũng chào mời loại thuốc xịt có chiết xuất từ nọc rắn và bọ cạp, chữa hôi chân, viêm khớp hay đau bụng kinh nguyệt.
Tình trạng du khách gia tăng cũng nhiều lần gây căng thẳng cho người dân địa phương. Họ hài lòng với lợi ích kinh tế từ du lịch, nhưng cũng lo vẻ bình yên của miền quê này sẽ bị phá hỏng.
Liu Sujia, một nông dân tại Ba Mã, cho hay: “Nơi đây từng rất yên tĩnh và nguyên sơ. Giờ nó ngập rác, nhìn đâu cũng thấy những người ốm yếu”.
Người bệnh nằm hít thở ngoài hang Bách Quỷ tại Ba Mã. Ảnh: Lam Yik Fei. |
Sáng sáng, dòng người lũ lượt tới hang Bách Quỷ (Baimo), nơi được đồn thổi là có năng lượng hồi phục sức khỏe. Đầu tiên sẽ là những bệnh nhân ung thư, tiếp đến là nhóm thanh niên mắc AIDS, phụ nữ mắc chứng rụng tóc và trẻ nhỏ bị bụi phổi do làm việc trong mỏ than.
Tới trưa, tất cả bệnh nhân tụ tập phía trên những tảng đá mát lạnh trong hang. Họ đọc kinh, xem chương trình giải trí trên điện thoại hay trò chuyện với nhau.
Phía ngoài động, Sun Luyao, 21 tuổi, đang trông nom bà nội, 72 tuổi, mắc chứng ung thư phổi. Gần đó, một nhóm cụ già đang đứng vẩy tay và tắm nắng.
Sun, đến từ Hà Bắc, lo lắng rằng hang động này đang bị quá tải du khách nên bắt đầu mất khả năng chữa bệnh: “Nếu quá nhiều người đến đây, không khí trong lành sẽ bị rút hết”.
Đánh cược với số phận
Không ít người đến Ba Mã phải ngậm ngùi quay về khi điều nhiệm màu không xảy ra với họ. Một số người khác trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo hay bác sĩ dởm.
Ông Wu Weiying, 66 tuổi, bị liệt hai chân sau một cơn đột quỵ, đầu lúc nào cũng đau như búa bổ. Ông từng nghe phong thanh về ngôi làng của người Dao ở Ba Mã từ nhiều năm trước, xem qua những tờ rơi hứa hẹn về vùng đất ai cũng sống ngoài trăm tuổi, bệnh tật tiêu tan.
Ông Wu và vợ trong căn nhà thuê tại Ba Mã. Ảnh: Lam Yik Fei. |
Ông quyết tìm đến miền sông nước xanh tươi của Ba Mã với mong muốn chữa lành cơ thể. Tới đây, ông bắt đầu sống như dân làng – ăn loại nấm rừng được đồn là có năng lượng thần kỳ, uống nước từ dòng sông “trường thọ” và tập thể dục trong hang đá có không khí mát trong.
Mỗi sáng, ông đều tập vẩy tay, vặn lưng và vỗ đùi. Tay làm, miệng lặp đi lặp lại những khẩu hiệu cổ động “Hãy khiến bản thân bất ngờ nào! Cố gắng hơn nữa!”.
Nhưng sau 7 tháng miệt mài, sức khỏe của ông Wu vẫn không có biến chuyển. Ông chật vật khi phải đi bộ những quãng dài, nấu ăn hay nói chuyện lâu với ai. Vợ ông mệt mỏi khi phải sống tại một nơi có quá nhiều người ốm yếu.
“Tôi đã mất hết hy vọng. Không thể chữa khỏi bệnh tình của tôi rồi”, ông Wu nói với đôi mắt ngấn lệ. Ông và vợ quyết định từ bỏ để trở về nhà tại tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc.
Theo New York Times
Nguồn: Vnexpress.net