Nơi khai sinh của đồng đô la

0
118

Czech “Tổ tiên” lâu đời của đồng USD có nguồn gốc từ thị trấn hẻo lánh Jáchymov, nằm nép mình bên những rặng núi trùng điệp ở châu Âu.

Đô la Mỹ (USD) là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 62% dự trữ tài chính của thế giới là bằng USD – nhiều gấp đôi so với dự trữ đồng Euro, Yên và nhân dân tệ. 31 quốc gia chấp nhận nó là đồng tiền chính thức, hoặc đặt tên đồng tiền nước mình theo đồng đô la, ví dụ như đô la Australia, đô la Singapore… 

USD rất phổ biến, nhưng ít người biết được nơi phát minh ra đồng tiền này. “Tổ tiên” của đồng USD được đúc vào ngày 9/1/1520, tại thị trấn nhỏ bé Jáchymov của Cộng hòa Czech. Thị trấn nơi hẻo lánh nằm sâu trong rừng núi này hiện nay lại không chấp nhận tiền USD.

Thị trấn Jáchymov vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

Thị trấn Jáchymov vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

“Tại Bảo tàng Royal Mint House từ thế kỷ 16, nơi đồng thế hệ đầu tiên của đồng đô la được sinh ra, khi tôi rút trong ví ra một tờ USD, hướng dẫn viên Jan Francovič mỉm cười và ngăn lại. Ông ấy nói: ‘Đã lâu tôi không nhìn thấy đồng tiền này. Ở Jáchymov, chúng tôi chỉ chấp nhận đồng koruna, euro và đôi khi là rúp Nga. Anh là khách Mỹ đầu tiên đến đây trong hơn 3 năm qua đấy'”, Eliot Stein, cây bút của BBC, nhớ lại.

Michal Urban, giám đốc phát triển của một tổ chức phi lợi nhuận trong vùng, dẫn Stein xuống một cầu thang tối để vào khu tầng hầm của nơi đúc tiền. Ông tò mò vì sao anh biết đến lịch sử của Jáchymov, bởi quanh trấn không có bất kỳ biển quảng cáo nào về điều này, và thậm chí không phải mọi người địa phương đều biết đến nơi đúc đồng USD đầu tiên.

Bên dưới bảo tàng Royal Mint House là một tầng hầm, dẫn xuống hầm mỏ nơi những đồng thaler đầu tiên được đúc. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

Bên dưới bảo tàng Royal Mint House là một tầng hầm, dẫn xuống hầm mỏ nơi những đồng bạc thaler đầu tiên được đúc. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

Jáchymov là một thị trấn yên bình với khoảng 2.700 người dân sinh sống, nằm gần biên giới Czech-Đức. Du khách tới đây có thể dành cả ngày đi bộ quanh những con đường chính, qua lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 16 hay các tòa nhà theo kiến trúc Gothic và Phục Hưng bị bỏ hoang đổ bóng trên đồi.

Từ rất lâu trước khi Jáchymov tồn tại, những ngọn núi ngăn cách giữa hai vùng Bohemia và Sachsen ngày nay vốn là lãnh thổ của sói và gấu. Chúng sinh sống trong các khu rừng nguyên sinh. Khi mỏ bạc khổng lồ được phát hiện vào năm 1516, bá tước địa phương Hieronymus Schlick đã gọi nơi này là Joachimsthal (thung lũng của Joachim), theo tên vị thánh bảo trợ cho những người khai thác mỏ.

Theo nhà sử học Jaroslav Ochec, thời đó châu Âu là một lục địa đầy những người cai trị địa phương ganh đua quyền lực, và cũng chưa có đơn vị tiền tệ tiêu chuẩn. Một trong những cách hiệu quả nhất mà những người cai trị có thể khẳng định quyền thống trị là đúc đồng tiền riêng. Đó cũng là điều mà bá tước Schlick đã làm.

Quốc hội của Vương quốc Bohemian (tiền thân của Czech) cho phép bá tước Schlick đúc tiền vào ngày 9/1/1520. Mặt trước của đồng tiền có hình ảnh thánh Joachim và sư tử ở mặt sau. Đồng tiền này có tên gọi Joachimsthalers, sau đó gọi tắt là Thaler.

Những đồng thaler đời đầu in hình Joachim và sư tử, nhưng sau đó chúng lần lượt được khắc hình các vị vua trị vì để thể hiện lòng tôn trọng. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

Những đồng thaler đời đầu in hình Joachim và sư tử, nhưng sau đó chúng lần lượt được khắc hình các vị vua trị vì để thể hiện lòng tôn trọng. Ảnh: Eliot Stein/BBC.

Trong thời đại mà lượng kim loại trong tiền xu là yếu tố duy nhất quyết định giá trị, Schlick đã làm hai điều rất thông minh để đảm bảo đồng thaler được sử dụng phổ biến và tồn tại dài lâu. Đầu tiên, ông đúc các đồng thaler có khối lượng và đường kính tương đương đồng xu Guldengroschen 29,2g – đồng tiền đang được sử dụng trên khắp khu vực tTrung Âu thời ấy. Điều này giúp các vương quốc láng giềng dễ dàng chấp nhận đồng thaler. Điều quan trọng hơn là Schlick đã đúc được nhiều tiền hơn bất kỳ ai.

Chỉ trong vòng 10 năm, dân số tại Joachimsthal tăng lên chóng mặt với 1.000 mỏ bạc. Từ hơn 1.000 dân, lượng người đổ về đây khai thác mỏ và sinh sống đã lên đến 18.000. Năm 1533, đây là thành phố lớn thứ hai ở Bohemia, sau Prague. Giữa thế kỷ 16, ước tính có khoảng 12 triệu thaler được đúc từ ngọn núi này được sử dụng khắp châu Âu, và phổ biến hơn bất kỳ loại tiền tệ nào. Đến năm 1566, người đứng đầu Đế chế La Mã đã đưa ra chính sách thiết lập một đồng tiền chung. Đồng thaler đã được chọn và gọi là đồng bạc Reichsthaler, nghĩa là đồng thaler của đế chế.

Trong 300 năm tiếp theo, nhiều quốc gia trên thế giới đã lấy đồng thaler làm mẫu để đúc tiền cho nước mình, theo ông Michal Urban. Tại Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đồng thaler được gọi là daler. Ở Iceland nó là dalur, tại Italy là tallero, và talar là tiền của Ba Lan… Đồng tiền này cũng nhanh chóng được đưa sang cả châu Phi, nơi nó được sử dụng ở Ethiopia, Kenya, Mozambique và Tanzania vào cuối những năm 1940, cũng như một vùng lớn trên bán đảo Arab, Ấn Độ.

Cái tên đồng đô la Mỹ được bắt nguồn từ đồng đô la sư tử leeuwendaler (hay daler) của Hà Lan. Vào thế kỷ 17, người Hà Lan đã đưa đồng daler của mình vào khắp 13 thuộc địa, những cư dân nói tiếng Anh bắt đầu gọi đồng tiền này và những đồng xu bạc khác có trọng lượng tương tự là đô la (Dollar). Đô la bắt đầu trở thành đồng tiền chính thức của Mỹ vào năm 1792, và kể từ đó, đồng đô la lấy cảm hứng từ đồng thaler dần trở nên phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Australia, Namibia, Singapore và Fiji.

Anh Minh (Theo BBC)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn