Những địa điểm dưới đây không chỉ có tên gọi đặc biệt mà còn thu hút du khách bởi cảnh sắc ấn tượng. Hồ nước trời, Phụng Hoàng Sơn là các tọa độ bạn không thể bỏ qua.
1. “Cổng trời” xuất hiện trong hình tọa lạc ở đâu?
Du khách có dịp đến xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhất định không thể bỏ lỡ cơ hội check-in cùng “cổng trời”. Công trình nổi bật với lối kiến trúc cổ độc đáo của người Khmer. Ngoài ra, phần hoa văn, chi tiết được chạm khắc tinh tế trên cổng cũng cuốn hút tín đồ xê dịch. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo. |
2. Nơi nào còn được gọi là hồ nước trời?
Búng Bình Thiên (thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang) là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nam Bộ. “Búng” theo tiếng địa phương là hồ hay đầm, “Bình” là yên ổn, bình lặng và “Thiên” là trời. Vì vậy, nơi đây còn được gọi là “Hồ nước trời” hoặc có thể hiểu là hồ nước thanh bình do trời ban. Ảnh: Louisscorpio. |
3. Núi nào còn có tên Phụng Hoàng Sơn?
Núi Cô Tô còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng Sơn. Đây là một trong những điểm check-in đẹp nhất ở An Giang. Ngọn núi được bao quanh bởi những cánh đồng bát ngát. Bạn sẽ có cơ hội tận hưởng không gian xanh mát, trong lành của vùng đất miền Tây khi đứng trên đỉnh núi. Ảnh: Sanra.san. |
4. Nơi nào được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc của miền Tây”?
Khung cảnh hữu tình bao quanh hồ Tà Pạ xanh màu ngọc bích vốn gây ấn tượng với du khách, đặc biệt là các phượt thủ. Hồ nước được tạo thành nhờ quá trình khai thác đá này tọa lạc ở huyện Tri Tôn, An Giang. Nhiều người đặt biệt danh cho nơi đây là tuyệt tình cốc của miền Tây. Ảnh: Langthang.angiang. |
5. Ngôi chùa trong hình có tên gì?
Chùa Tà Pạ, nằm ở độ cao 45 m so với mặt đất, là điểm thu hút tín đồ xê dịch nổi tiếng ở An Giang. Công trình được trạm trổ điêu khắc tinh xảo, gây ấn tượng với khung cảnh rừng núi bao quanh yên bình. Ảnh: Langthang.angiang. |
6. Ngọn núi nào cao nhất đồng bằng sông Cửu Long?
Núi Cấm có độ cao 705 m, là ngọn núi cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Du khách có thể di chuyển đến đỉnh núi bằng cáp treo để chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ảnh: Thanhsky. |
7. Ngôi chùa nào thuộc khu du lịch núi Cấm?
Chùa Phật Lớn được xây dựng trên diện tích hơn 13.000 m2, thuộc khu du lịch núi Cấm. Ngôi chùa có niên đại gần 200 năm. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam nặng 400 tấn và cao gần 34 m. Ảnh: Tôi Tới Đây. |
Nguồn: News.zing.vn