Việc mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách phụ thuộc vào nhiều yếu tố của từng thương hiệu. Họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt để đón khách.
Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội, các cửa hàng thời trang ở TP.HCM chính thức được mở cửa trở lại từ ngày 1/10. Chia sẻ với Zing, các nhà thiết kế, founder của thương hiệu cho biết họ hào hứng cho ngày này. Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp chuẩn bị để hoạt động trở lại.
Không nóng vội mở cửa
Liên hệ với đại diện của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, anh cho biết việc thông báo mở cửa trở lại khá gấp, nhân viên hiện vẫn chưa đi làm được. Do đó, việc mở cửa lại vào ngày 1/10 là không thể sau 4 tháng dài đóng cửa.
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa cần chuẩn bị chu đáo mới bắt đầu mở cửa lại. |
“Chúng tôi phải xem xét tình hình thận trọng cho việc mở cửa lại lần này khi có sự chuẩn bị chu đáo và chấp hành theo quy định hiện hành của Nhà nước”, anh chia sẻ.
Theo đó, bộ sưu tập cũ của nhà thiết vẫn được bán cho các khách hàng có nhu cầu. Bởi những thiết kế đều là hàng ready to wear nên có thể mặc được nhiều dịp.
Nói về kế hoạch ra mắt bộ sưu tập, nhà thiết kế cho biết mình phải chờ tình hình thực sự ổn định mới có phương án cụ thể.
“Dự đoán nhu cầu mua sắm của mọi người sẽ cầm chừng cho đến thời điểm cuối năm khi các bộ sưu tập thu đông, mùa lễ hội được các thương hiệu thời trang tung ra” là quan điểm của Phạm Thế Anh – người làm lĩnh vực truyền thông, nghiên cứu thị trường thời trang.
“Sự biến động của dịch bệnh là không lường trước nên các kế hoạch cũng bị động theo”.
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa
Do đó, việc mở cửa trở lại không cần nóng vội. Trước hết, thương hiệu cần tập trung đẩy mạnh mua bán online, hạn chế hình thức trực tiếp nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên lẫn khách hàng. Họ nên chạy song song giữa việc giải quyết số lượng hàng tồn kho và chuẩn bị bộ sưu tập mới.
Nhiều hình thức khuyến mãi như giảm giá với mức chiết khấu cao 30-70%, mua một tặng một, mua sản phẩm tặng kèm phụ kiện hay freeship đang được các thương hiệu Việt áp dụng. Ngoài ra, livestream vào các khung giờ cố định là phương thức được sử dụng nhiều trong giai đoạn này.
Nguyễn Phương Đông đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cho nhân viên để sẵn sàng đi làm lại. |
Với Nguyễn Phương Đông – founder của thương hiệu DECOS, cho biết mình liên tục cập nhật thông tin dịch mấy tháng qua để vạch sẵn kế hoạch riêng cùng nhiều phương án đối phó. Do đó, việc các cửa hàng thời trang mở lại được thông báo khá gấp cũng không khiến anh bất ngờ.
Đội ngũ nhân viên của anh đều đã được chuẩn bị về tiêm phòng cũng như điều kiện sức khoẻ để đi làm lại.
Nói về việc ra mắt bộ sưu tập mới sau dịch, anh chia sẻ: “Đợi ổn định thì không biết đến khi nào. Nên trước mắt, tôi tiếp tục bán bộ sưu tập cũ và song song chuẩn bị một mini collection cho dịp cuối năm”.
Anh vẫn ưu tiên đưa tinh thần của thương hiệu vào các thiết kế và sau đó cập nhật xu hướng thời trang thế giới.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong vài tháng qua, các nhà thiết kế vẫn giữ tinh thần lạc quan và mong ngày được mở cửa. Nhà thiết kế Chung Thanh Phong và Adrian Anh Tuấn vẫn làm bộ sưu tập mới.
Đóng băng nhân lực ở TP.HCM
Từ mấy tháng trước, nhà thiết kế Thảo Nguyễn háo hức chuẩn bị bộ sưu tập để kịp trình làng tại Tuần lễ thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, cô đành đóng gói tất cả và chờ ngày được trình diễn. Cùng với yêu cầu giãn cách, thương hiệu thời trang của cô ở TP.HCM cũng phải đóng cửa hơn 4 tháng qua.
Đến ngày 1/10, Thảo Nguyễn cho biết mình vẫn không thể và chưa biết khi nào mở cửa lại vì vài nhân viên bán hàng cùng quản lý đang trong khu vực cách ly, có người đăng ký về quê vài tháng trước. Hiện tại, cô còn đang ở Hà Nội nên không thể vào để mở cửa lại.
“Đóng băng nhân lực TP.HCM. Tâm lý mọi người vẫn hoang mang, sợ”.
Nhà thiết kế Thảo Nguyễn
“Tôi thấy may khi các chi nhánh khác vẫn hoạt động được. Chủ cho thuê mặt bằng ở TP.HCM cũng hỗ trợ phần nào. Họ tốt và chia sẻ với tôi. Ở Hà Nội, tôi vẫn cho hoạt động xưởng sản xuất và thực hiện nghiêm các yêu cầu chống dịch. Mọi người giãn cách, đảm bảo ăn uống, ngủ nghỉ tại nơi làm việc”, cô cho biết.
Giữa lúc dịch căng thẳng, cô cũng ra bộ sưu tập mới cho Happy Clothing nhưng không thể quảng cáo trong nước. Tuy nhiên, cô vạch kế hoạch kỹ lưỡng trước đó nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Thảo Nguyễn tập trung cho ra mắt và bán ở thị trường quốc tế. Cô liên kết với các website ở nước ngoài để bán sản phẩm. So với nhiều thương hiệu khác, cô cho rằng mình may mắn khi vẫn còn trụ được, tạo việc làm cho nhân viên 100%, không ai nghỉ việc.
NTK Thảo Nguyễn chưa thể mở lại cửa hàng ở TP.HCM vì nhiều lý do. |
NTK Thảo Nguyễn cũng cho biết tình hình buôn bán trong nước diễn ra chậm dù đã mở cửa trở lại. Nghành may mặc nói chung đang “chao đảo” bởi vấn đề nguyên vật liệu và nhân lực gặp nhiều khó khăn.
“Tôi chứng kiến nhiều người bị ‘sập’ trong mấy tháng qua. Nhân lực bỏ về quê hết. Tôi bán 70% là doanh thu đến từ nước ngoài. Trên thế giới có dịch nhưng họ vẫn sinh hoạt và thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Ngược lại, người Việt Nam hiện có tư tưởng phòng thân”, cô nói thêm.
Theo Phạm Thế Anh, phần sản xuất của các thương hiệu đang gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, nhân sự phụ trách các mảng. Với tâm lý vẫn còn hoang mang và nguồn thu nhập giảm sút trong mấy tháng giãn cách, nhu cầu mua sắm của mọi người hiện chưa thể trở lại bình thường.
Nguồn: News.zing.vn