Nữ du khách mất 1.700 USD vì gãy móng tay ở Mỹ

0
127

Du khách Australia biết chi phí y tế ở Mỹ rất cao nhưng chỉ đến khi gặp sự cố, cô mới hốt hoảng khi nghe giá tiền.

Rachael Minaway, 32 tuổi cùng bạn bay tới Honolulu, Hawaii du lịch. Trong lúc xuống xe để vào khách sạn nhận phòng, nữ du khách bị kẹp tay khi đóng ngăn chứa đồ trong ôtô và gãy móng. Đến khi ra bãi biển cùng bạn, cô mới thấy ngón tay của mình đau cứng, nên đến bệnh viện kiểm tra. 

Racheal đã rất sốc vì ngoài số tiền phải trả gần 1.000 USD tại bệnh viện sau khi xử lý móng tay gẫy, cô còn phải trả thêm nhiều phụ phí khác. Ảnh: News.

Ngoài viện phí gần 1.000 USD để xử lý móng tay gẫy, Racheal còn phải trả thêm nhiều phụ phí khác. Ảnh: News.

Tại đây, nhân viên y tế chỉ nữ du khách tới phòng cấp cứu. Rachael đang bị đau, nên muốn giải quyết nhanh mọi chuyện để tiếp tục chuyến du lịch và không làm mất thời gian của bạn mình. Bác sĩ khuyên cô nên loại bỏ móng tay đó bằng phương pháp gây tê cục bộ và chỉ mất 30 phút. Trước khi vào xử lý, Rachael còn cười đùa với bạn và nghĩ rằng đây chỉ là một vết thương nhỏ.

Rachael nhận hóa đơn gần 1.000 USD sau điều trị chiếc móng bị gẫy. Về khách sạn, cô gửi giấy tờ liên quan đến viện phí cho công ty bảo hiểm và yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ nghỉ, mỗi tháng Rachael lại nhận thêm các hóa đơn được gửi từ bệnh viện ở Hawaii liên quan đến việc chữa móng. Tổng số tiền cô phải trả lên tới gần 1.700 USD. Nữ du khách cho biết cô hối hận vì đã cho bệnh viện địa chỉ thật của mình ở Sydney, Australia.

Du khách Australia đã có chuyến đi đắt giá tới Hawaii. Ảnh: News.

Du khách Australia từng du lịch nhiều nơi trên thế giới và không ngờ lại tốn chi phí vì một vết thương nhỏ. Ảnh: News.

Dù được chi trả toàn bộ vì đã mua bảo hiểm trước khi đi du lịch, Rachael quyết định chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng vào tháng 6. “Tôi từng nghe nói về chi phí y tế đắt đỏ ở Mỹ, nhưng không bao giờ nghĩ hóa đơn viện phí cho một thứ nhỏ như móng tay cũng đắt đến vậy”, cô nói.

Theo chuyên gia an toàn du lịch, Richard Warburton, những chấn thương nhẹ ở Mỹ như gãy móng tay, cũng có chi phí điều trị cao. Trường hợp của Rachael “không là gì” so với những tình huống anh gặp trước đó. Công ty của anh từng phải hỗ trợ chi trả 7.000 USD tiền viện phí cho một du khách bị sưng amidan. Một du khách khác nôn liên tục trong 24 giờ bị tính phí gần 20.000 USD khi ra viện.

Richard khuyên mọi người nên mua bảo hiểm du lịch khi ra nước ngoài. Điều này sẽ giúp nhiều người không bị lao đao về kinh tế trước những khoản viện phí khổng lồ phải chi trả do gặp sự cố trên đường du lịch.

Anh Minh (Theo News)

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn