Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có hơn 5 thập niên sáng tác văn học và để lại nhiều tác phẩm nổi bật như “Đội gạo lên chùa”, “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”.
Rừng sâu là tập truyện ngắn đầu tay, khẳng định dấu ấn của Nguyễn Xuân Khánh trong làng văn Việt Nam. Xuất bản năm 1963, những truyện ngắn trong Rừng sâu xoay quanh đề tài “phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa”. Ngay từ ngày đầu, Nguyễn Xuân Khánh đã chinh phục được giới phê bình và bạn đọc bằng giọng văn chân thực và bình dị. Ảnh: NXB Phụ Nữ. |
Miền hoang tưởng là thiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, được xuất bản năm 1990. Cuốn sách là chuỗi bức thư của chàng trai tên Tư và người yêu của mình kể về cuộc sống đầy khó khăn chốn Hà Thành khi anh đến đây theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Bên cạnh, tác phẩm còn ghi lại những đối thoại của Tư với Chúa về cuộc sống anh nhìn thấy từ muôn phận người trong xã hội. Lần đầu ra mắt, cuốn sách được in với tên Hoang tưởng trắng. Trong lần in sau này, cuốn sách được trả lại cái tên ban đầu mà Nguyễn Xuân Khánh đặt – Miền hoang tưởng. Ảnh: NXB Phụ Nữ. |
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly là tác phẩm được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ấp ủ và chuẩn bị trong hơn 3 thập kỷ. Xuất bản năm 2000, tác phẩm kể lại giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam vào cuối nhà Trần đầu nhà Hồ. Cuốn sách cũng mang đến nhiều góc nhìn về một trong những nhân vật lịch sử gây tranh cãi – Hồ Quý Ly với bi kịch của kẻ mang trong mình khao khát duy tân đất nước nhưng không hợp thời. Ảnh: NXB Phụ Nữ. |
Mẫu Thượng ngàn là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ra mắt năm 2006 xoay quanh chủ đề về văn hóa phong tục Việt Nam. Lấy bối cảnh lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đang tiến đánh thành Hà Nội lần thứ hai, nhà văn đã phác họa nên bức tranh lịch sử xã hội tại miền Bắc bấy giờ. Cuốn sách khi vừa ra mắt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và giành Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006. Ảnh: NXB Phụ Nữ. |
Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khẳng định khả năng làm việc và sức sáng tạo không ngừng của ông là Đội gạo lên chùa. Ra mắt năm 2011, tác phẩm lấy chủ đề về Phật giáo nhận được sự tán dương của giới phê bình và độc giả. Nhà văn từng chia sẻ ông dồn tất cả vốn sống và trải nghiệm cuộc đời của mình (khi đó 79 tuổi) vào tác phẩm dày hơn 900 trang. Nguyễn Xuân Khánh cũng từng khẳng định ông đã phải cắt bớt, nếu để nguyên trạng Đội gạo lên chùa phải dài hơn nghìn trang. Ảnh: NXB Phụ Nữ. |
Tác phẩm xuất bản cuối cùng và cũng được xem là “tụ hội tinh hoa” sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Xuân Khánh là Chuyện ngõ nghèo. Ban đầu, tiểu thuyết được nhà văn hoàn thành vào năm 1982 với cái tên Trư cuồng, tuy nhiên không được biết đến rộng rãi. Mãi đến năm 2016, cuốn sách mới lần đầu ra mắt với tên Chuyện ngõ nghèo. Tác phẩm kể lại những câu chuyện về thời người Hà Thành phải nuôi heo để tăng gia sản xuất trong những năm khốn khó sau chiến tranh. Từ vấn đề nhỏ, nhà văn đã mang đến bức tranh về xã hội, đồng thời đặt câu hỏi về sự tha hóa của con người. Ảnh: Nhã Nam. |
Nguồn: News.zing.vn