Khi năm cũ qua đi và năm mới đến, người Hàn Quốc thường tìm đến một nơi đặc biệt để cầu nguyện. Đó là núi Tae Baek nối bán đảo Triều Tiên, nơi những dòng người đến cầu cho một xuất phát mới, một quyết tâm mới, một ngày mới.
Trên đỉnh Tae Baek. (KBS) |
Núi Tae Baek có nghĩa là Thái Bạch – núi lớn và sáng. Mạch núi bắt đầu từ dãy Baekdu, chạy dài về phía nam, nhô cao và tạo thành ngọn Tae Baek. Núi không quá cao và hiểm trở, vừa mang vẻ hùng vĩ đầy nam tính lại vừa có sự dịu dàng, nhu mì đầy nữ tính. Đặc biệt, vào ngày 1/1, từ sáng sớm, đường lên đỉnh đã tấp nập người lên núi đón năm mới.
Qua chùa Yu Il Sa, mọi người bắt đầu đi sâu vào trong núi. Đã là 4 giờ sáng. Núi vẫn chìm trong bóng tối nhưng hơn 30 nghìn người tìm đến núi Tae Baek vẫn tiếp tục tiến bước về hướng đỉnh núi, mang theo những hy vọng của năm mới.
Khi cả tâm hồn và cơ thể đều đã bắt đầu mệt mỏi sau hơn một giờ leo núi, những hàng cây thủy tùng huyền bí sống ở nơi đây hiện ra, truyền cho du khách nguồn sinh khí mới.
Khoảng 4.000 cây thủy tùng đứng trấn giữ sườn núi Tae Baek từ ngàn xưa. Đây là loài cây có sức sống rất dẻo dai. Lá cây luôn xanh tươi, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của nó. Bởi thế, đến nơi này, những người leo núi đang dần kiệt sức nhìn thấy hàng cây mà như được tiếp thêm sinh lực. Và chẳng mấy chốc họ đã lên tới đỉnh núi cao 1.567 m so với mực nước biển.
Đàn tế trời Cheon Jae Dan được người xưa dựng nên bằng tấm lòng thành kính, với chu vi 27 m, rộng 8 m và cao 3 m. Cheon Jae Dan đã có từ năm 2.333 TCN. Theo cuốn Hwandangoki, cuốn sử ghi chép về thời kỳ Dangun Joseon, Cheon Jae Dan trên núi Tae Baek được sử dụng như là một nơi cầu nguyện từ thuở bình minh của dân tộc Hàn. Sau đó, nơi đây đã trở thành một nơi linh thiêng để cử hành những lễ tế quan trọng của quốc gia.
Trong suốt thời Shilla, các nhà vua đã làm lễ tế trời tại đàn tế này. Ngày nay, mọi người vẫn tìm về nơi này rất đông, hướng lên trời và hô to điều ước của mình trong năm mới. Những tiếng hô vang rền cầu nguyện cho sự khởi đầu mạnh mẽ của năm mới, liệu có làm mặt trời đang chìm trong giấc ngủ đằng đông thức giấc?
Ngắm nhìn vầng thái dương nhô cao và tỏa ánh sáng đỏ rực trên biển mây và khắp các sườn núi trập trùng, thái dương trong tâm hồn mỗi con người cũng như bừng tỉnh và tỏa sáng. Đó chính là lý do khiến những bước chân của con người trên con đường xuống núi, về lại cuộc sống đời thường sau khi xem mặt trời mọc lại tràn ngập niềm hy vọng và sinh khí.
Có một dòng sông bắt nguồn từ nơi đây và ào ạt chảy còn nhanh hơn những bước chân khỏe khoắn của con người trên đỉnh Tae Baek. Geom Ryong So nằm bên sườn núi Geum Dae trong thành phố. Mặc dù đang là giữa mùa đông nhưng hằng ngày vẫn có tới 2.000 tấn nước được phun ra từ đây. Nó chính là nơi bắt đầu của sông Hàn, mạch sống của thủ đô Seoul.
Geom Ryong So có độ rộng bằng khoảng 2 sải tay của người lớn. Nhìn nó chỉ giống như một cái ao nhỏ, nhưng nước chảy ra từ Geom Ryong So đổ xuống, tạo thành một thác nước cao khoảng 30 m. Và dòng nước bắt đầu cuộc phiêu lưu ra thế giới bên ngoài, tạo ra con sông Hàn có chiều dài tới 514 km.
Nhưng Tae Baek không phải chỉ là nơi xuất phát của sông Hàn. Sông Nakdong, đường sinh mệnh của vùng Yeongnam, và Oshipcheon, con sông chảy ra biển Đông cũng được bắt đầu từ Tae Baek.
Rời Geom Ryong So, chảy qua trung tâm Tae Baek, Sam Soo Ryeong là nơi tất cả các dòng sông đều chảy qua. Từ điểm cao 920 m so với mực nước biển này, ta có thể trông thấy biển Đông và khi mưa xuống Sam Soo Ryeong, nước ở đây chảy theo 3 dòng khác nhau. Sông Hàn về phía bắc, Oshipcheon về phía đông và sông Nakdong về phía nam. Ba con sông lớn cung cấp nước và nguồn sống cho khu vực phía nam bán đảo Hàn Quốc đều bắt đầu từ Tae Baek.
Ở thung lũng Hambaek, chùa Jeong Am Sa do nhà sư Ja Jang Yul Sa xây dựng bên bờ suối nơi nước suối uốn lượn hàng trăm lần, vách đá tạo nên hàng nghìn bậc tam cấp.Chùa Jeong Am Sa được nhà sư Ja Jang Yul Sa xây dựng dưới triều nữ hoàng Seondeok của triều đại Shilla. Thay vì thờ tượng Phật, chùa thờ xá lị Phật Thích Ca Mâu Ni.
Cảnh chùa Su Ma No. (KBS) |
Theo lời của nhà sư Wolin, người phụ trách hành chính của chùa, Jeong Am Sa được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 7 bởi nhà sư Ja Jang Yul Sa, người đã mang xá lị Phật từ nhà Đường bên Trung Quốc về. Cùng với Sang Won Sa núi Odae, Bong Jeong Am núi Seorak, Tong Do Sa núi Yangsan và Beop Heung Sa ở Yeong Wol, chùa được gọi là một trong năm ngôi chùa lớn của Phật giáo Hàn Quốc có cất giữ xá lị Phật.
Vì lý do đó nên ở chùa Jeong Am Sa, ngôi tháp Su Ma No nơi cất giữ xá lị Phật đã trở thành trung tâm của đức tin. Nhà sư Wolin cho biết: “Tháp Su Ma No là báu vật của chùa Jeong Am Sa vì là nơi cất xá lị Phật”.
Tháp Su Ma No đứng trên ngọn đồi phía sau chùa chính, cao 7 tầng với các bức tường được xây bằng đá mã não, một trong những loại đá quý mà Hàn Quốc không có. Mái hiên ở mỗi tầng tháp được trang trí thêm bằng các quả chuông gió. Khi mặt trời chiếu vào, cả ngôi tháp tỏa sáng lấp lánh. Khi gió thổi, 32 quả chuông gió ngân lên những tiếng kêu trong trẻo, xua đi mọi nỗi ưu phiền. Theo ánh sáng và âm thanh trong trẻo đó, rất nhiều người đã tìm đến với ngôi chùa.
(Theo KBS Vietnamese)
Nguồn: Vnexpress.net