Tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu đang đe dọa hoạt động kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD dọc bờ biển phía đông Trung Quốc.
Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội và dân số dựa trên dự báo nước biển dâng trong năm 2100 cho thấy một số trung tâm thương mại trọng yếu của Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng bởi thủy triều dâng cao và lũ lụt.
Là trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc, Thượng Hải trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình trạng nước biển dâng khi GDP năm 2019 ước tính đạt 973,7 tỷ USD đang bị đe doạ.
Theo Financial Times, Tô Châu và Gia Hưng – hai thành phố phía tây Thượng Hải – xếp vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng GDP của 34 thành phố với giá trị đóng góp GDP trong năm 2019 lần lượt là 330,4 tỷ USD và 128,8 tỷ USD, sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi mực nước biển dâng cao.
Mức độ chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng tại các khu vực kinh tế của thành phố Thượng Hải. Nguồn: Climate Central. |
Ngoài các trung tâm đô thị đông dân cư, các mảng quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp, khu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cũng đối mặt với rủi ro tương tự.
Trong số các địa danh công nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, phải kể đến trụ sở của Alibaba ở thành phố Hàng Châu, trụ sở của Panasonic ở khu công nghiệp Tô Châu và Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải.
Dù thuỷ triều không thể nhấn chìm cơ sở hạ tầng trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia nghiên cứu cảnh báo thiên tai, tình trạng xói mòn đất cũng như thiếu hụt nguồn cung nước ngọt sẽ đe doạ đà tăng trưởng kinh tế tại quốc gia 1,3 tỷ dân.
Maplecroft – công ty nghiên cứu có trụ sở tại thành phố Bath (Anh) – cho rằng “ngay cả dự báo với mức nước biển tăng nhẹ cũng có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực” khi 20% diện tích đô thị tại thành phố Quảng Châu nằm trong vùng nguy hiểm.
Để hạn chế rủi ro, giới chức các thành phố Trung Quốc đã xây dựng hàng nghìn km tường chắn sóng và đê điều ở khu vực châu thổ sông Châu Giang. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đại dương Trung Quốc công bố báo cáo hàng năm, theo dõi mực nước biển dâng và triều cường.
Ngoài ra, tình hình có thể cải thiện khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đạt “mức trung lập carbon” vào năm 2060.
Nguồn: News.zing.vn