Octavius giữ chặt con bài chủ ‘người thừa kế Caesar’

0
274

Người thực sự đưa Octavius lên vũ đài chính trị, để sau này trở thành hoàng đế Autugus là Caesar, cậu ruột của ông. Thời bấy giờ Caesar là một nhà quân sự, một nhà chính trị, đồng thời là một nhà độc tài.

Tượng Hoàng đế Augustus.

Tượng Hoàng đế Augustus.

Tương truyền có một lần Caesar kéo quân sang Tây Ban Nha đánh nhau với người con trai của kẻ thù truyền kiếp là Pompey. Năm đó Octavius chưa đầy 17 tuổi, vừa mới hết bệnh, sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục (suốt cuộc đời Octavius thường bị bệnh) nhưng đã quả quyết đi theo người cậu để tác chiến. Trên đường đi, Octavius đã nếm đủ mùi vị gian truân, nhưng ông luôn thể hiện tinh thần ngoan cường và một ý chí không chịu khuất phục khó khăn, được Caesar rất tán thưởng. Về sau, những phần tử cộng hòa do Brutus và Cassius cầm đầu, do bất mãn sự thống trị độc tài của Caesar nên đã tổ chức ám sát ông. Trong di chúc, Caesar chỉ định Octavius là người con thừa kế của ông (Caesar không có con thừa kế) và ban cho ông danh hiệu “Caesar”. Kể từ đó, Octavius trở thành người thừa kế của Caesar đúng theo pháp luật. Qua đó Octavius cũng đã thừa hưởng toàn bộ số vốn chính trị của Caesar.

Khi Caesar bị ám sát tại La Mã (Ngày 15 tháng 3 năm 44 trước công nguyên). Octavius đang ở tại Apollonia (nay là Albania). Lúc đó ông được Caesar phái đi đến đấy để học hỏi văn hóa Hy Lạp và theo dõi những sự vụ về cuộc hành quân chinh phát Parthia ở phía Đông. Sau khi ông hay tin Caesar bị ám sát liền trở về La Mã, yêu cầu được thừa kế quyền lực và tài sản của Caesar. Cho dù lúc bấy giờ ông chưa đầy 19 tuổi, nhưng với sự khôn ngoan và tính cẩn thận đã vượt qua tuổi đời của mình, ông biết thời bấy giờ chỉ cần có danh nghĩa “Người thừa kế của Caesar” là đủ, vì ông hiểu rất rõ mức độ quan trọng trong lòng mọi người về danh hiệu đó. Dưới tay của Caesar có hàng vạn quân đội trung thành, và có một số lượng không thể đếm xuể những người ngưỡng mộ. Do vậy, một khi có danh hiệu “Caesar” thì Octavius cũng sẽ được những người đó ủng hộ. Do vậy, ông đã giữ chặt con bài chủ “Người thừa kế của Caesar”, thậm chí, Octavius đã dứt khoát đổi tên mình lại là Gaius Julius Caesar Octavius, và nhanh chóng chiêu mộ một đạo quân đông 3.000 người.

Nhưng, thời bấy giờ quyền lực thực sự đang ở trong tay Mark Antony. Di chúc và tài sản của Caesar đều đang được Mark Antony quản lý. Ông này là một bộ hạ cũ của Caesar. Năm 44 trước công nguyên giữ chức Chấp Chính Quan (Consul). Ông ta hoàn toàn không xem Octavius ra gì, cho rằng Octavius chỉ là một thằng bé miệng còn hôi sữa. Ông ta chẳng những từ chối trao di sản của Caesar lại cho Octavius, mà còn công khai cười cợt ông nội của Octavius từng làm nghề đổi tiền, và tìm cách ngăn cản không để cho Octavius được bầu làm Bảo Dân Quan (Tribune). Do vậy, đáng lý ra M.Antony là một người bạn liên minh với Octavius (Hai người họ đều là phái Caesar) lại trở thành hòn đá vướng chân thứ nhất trên bước đường tiến lên của Octavius. Vậy, muốn phát triển được trên con đường chính trị, Octavius cần phải trước tiên khuất phục cho được M.Antony. Nhưng muốn đối phó với M.Antony, mà chỉ dựa vào đạo quân đông 3.000 người thì không thể được, trái lại, cần phải tìm một lực lượng mạnh có thể lợi dụng. Thế là Octavius đã gạt bỏ nguyên tắc, tìm cách tiếp cận với Nguyên Lão Viện (Senate), mà Nguyên Lão Viện chính là kẻ thù chân chính của Caesar và Octavius, vì họ là thế lực đại biểu cho phái Cộng Hòa.

Hình ảnh Augustus còn lưu lại trên các di vật.

Hình ảnh Augustus còn lưu lại trên các di vật.

Lúc bấy giờ Nguyên Lão Viện đang xem M.Antony là người trực tiếp thừa kế Caesar, xem M.Antony là lực lượng chướng ngại lớn nhất để họ khôi phục lại chế độ Cộng Hòa. Do có quyền lợi giống nhau, nên đôi bên vừa gặp nhau là đã đồng ý cộng tác, kết thành liên minh. Tháng 4 năm 43 TCN, M.Antony công khai gây khó khăn cho Nguyên Lão Viện, bằng cách tấn công thẳng vào việc Nguyên Lão Viện đã ban quyền Tổng đốc cho Decimus cai trị vùng Cisalpine Gaul (bao gồm vùng đất phía Nam của dải núi Alps và phía bắc sông Po của Italy). Nguyên Lão Viện phái hai Chấp Chính Quan dẫn quân đội đi hỗ trợ cho Decimus. Để đảm bảo việc có thể đánh thắng M.Antony, Nguyên Lão Viện lại đồng ý để cho Octavius dẫn đội quân của mình đi trợ chiến, đồng thời, đặc biệt cất nhắc Octavius lên làm người nắm quyền lực và chức vụ Phó Trưởng Quan Hành Chính. Sau hai tháng kịch chiến, M.Antony bị đánh bại, phải bỏ chạy lên phía Bắc.

Sau khi M.Antony bỏ chạy, Viện Nguyên Lão cảm thấy kẻ cường địch đã bị loại, thêm vào đó, lúc bấy giờ những người chủ mưu giết Caesar là Brutus và Cassius đã trung tập được một đạo quân lớn ở phía Đông. Viện Nguyên Lão cảm thấy mình đã mạnh, nên có thái độ lạnh nhạt đối với Octavius. Họ phái Decimus đi truy kích M.Antony chứ không phải Octavius. Họ chẳng những không mang đến danh dự đáng lý ra phải có cho Octavius, mà trái lại còn gán tội Octavius đã giết chết hai Chấp Chính Quan bị tử trận trong chiến tranh. Octavius yêu cầu được giữ chức vụ Chấp Chính Quan, thì họ đã từ chối thẳng thừng. Tương truyền khi Octavius phái một đoàn đại biểu đến gặp Nguyên Lão Viện, và khi nghe Nguyên Lão Viện từ chối không chịu đề cử Octavius làm Chấp Chính Quan, thì viên trưởng đoàn liền vén chiếc áo choàng đang mặc bên ngoài để lộ chuôi kiếm ra rồi nói lớn: “Nếu các vị không bằng lòng thì vật này sẽ đưa ông ấy lên giữ chức Chấp Chính Quan”.

Sự liên kết giữa Octavius và Viện Nguyên Lão, chỉ là một sự liên kết mang tính chất chiến thuật tạm thời, do vậy, Octavius hoàn toàn không do dự trước việc cắt đứt liên hệ với Viện Nguyên Lão, đồng thời, xua đại quân của mình tiến thẳng vào La Mã. Lúc bấy giờ, Viện Nguyên Lão đang vui mừng vì thấy kế hoạch khôi phục lại chế độ Cộng Hòa đang có hy vọng, nên hoàn toàn không ngờ rằng một người tuổi trẻ như Octavius mà lại trở mặt nhanh như thế. Kết cục, họ bị đánh một đòn phủ đầu không kịp trở tay. Tháng 8 năm 43 trước công nguyên, Octavius kéo quân vào La Mã và lên giữ chức Chấp Chính Quan. Lúc bấy giờ ông chưa đầy 20 tuổi.

Còn tiếp

(Theo 10 vị đại đế trên thế giới)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn