Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cam kết đưa nước Mỹ trở thành “pháo đài vaccine” của thế giới, đang hứng chịu chỉ trích vì chưa thể thực hiện lời hứa của mình.
Trên thực tế, ông Biden đã chuyển giao và cam kết chuyển giao 600 triệu liều vaccine đến các quốc gia khác. Chính quyền của ông cũng có hành động nhằm gia tăng sản lượng vaccine tại Mỹ và Ấn Độ, cũng như hỗ trợ quá trình sản xuất tại Nam Phi và Senegal để mở rộng nguồn cung vaccine tại châu Phi.
Tuy vậy, Mỹ đang lên kế hoạch tiêm vaccine mũi thứ ba cho người dân từ tháng tới, điều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vaccine toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều nhà vận động, chuyên gia y tế và cả một số đảng viên Dân chủ yêu cầu ông Biden hành động quyết liệt hơn để mở rộng nguồn cung vaccine toàn cầu.
Nỗ lực chưa đủ
Nhóm vận động PrEP4All chỉ ra chính quyền của ông Biden chỉ chi 145 triệu USD để mở rộng sản xuất vaccine. Số tiền này chiếm chưa đầy 1% trong tổng ngân sách hơn 16 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đồng ý chi để đối phó với đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng cho biết toàn bộ số tiền được chi như trong dự tính, bao gồm 10 tỷ USD cho “nguyên liệu thô để sản xuất vaccine, vaccine, các năng lực sản xuất khác và mở rộng cơ sở công nghiệp”.
Một số nhà vận động và chuyên gia nhận định ông Biden hành động chưa đủ quyết liệt để gia tăng sản lượng vaccine. Ảnh: Vox. |
Tuy vậy, Nhà Trắng không trả lời câu hỏi về việc số tiền này thực chất được sử dụng thế nào. Thượng nghị sĩ Patty Murray, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Thượng viện Mỹ, yêu cầu lời giải thích rõ ràng hơn.
Trong khi đó, 116 nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ kêu gọi chi 34 tỷ USD để gia tăng năng lực sản xuất vaccine trong đạo luật ngân sách sắp tới. Các nhà lập pháp viết thư đề nghị ông Biden ủng hộ để xuất này, nhưng chưa nhận được hồi âm.
Giải quyết nhu cầu vaccine trên thế giới là công việc phức tạp, chứa đựng nhiều thách thức. Theo dự đoán của Trung tâm Sáng tạo Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Duke, thế giới có thể sản xuất 12 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, khoảng 5 tỷ liều vaccine đã xuất xưởng.
Dù sao, nếu 12 tỷ liều vaccine được phân phối đều giữa các quốc gia, nhu cầu của thế giới có thể phần nào được giải quyết. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke nhận định cả hai giả định này đều không chắc có thể thành sự thật.
Một số nhà sản xuất vaccine chưa đạt được năng suất kỳ vọng. Novavax vẫn chưa nộp đơn xin cấp phép vaccine lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Johnson & Johnson mới chỉ sản xuất hơn 103 triệu liều vaccine, trong khi họ dự định xuất xưởng một tỷ liều trong năm nay.
Bên cạnh đó, Mỹ và nhiều quốc gia đang phát triển quyết định tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phân phối vaccine ở quy mô toàn cầu. Trong khi đó, virus corona liên tục biến đối, đặt ra nguy cơ vaccine cũ sẽ không còn tác dụng với các biến chủng trong tương lai.
Trong tương lai gần, các nước nghèo cần vaccine. Ông Biden đúng khi nói nước Mỹ đóng góp nhiều vaccine hơn mọi quốc gia khác. Tuy vậy, nếu Mỹ tiếp tục tiêm vaccine bổ sung, nguồn vaccine dư thừa để quyên góp sẽ không còn.
Nguồn cung vaccine trên thế giới vẫn chưa đủ so với nhu cầu hiện nay. Ảnh: New York Times. |
“Sự đóng góp về tài chính của nước Mỹ là rất lớn”, bác sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), nói. “Nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể và không nên làm nhiều hơn”.
Theo ông Hatchett, các bên cần thảo luận không chỉ về việc đưa vaccine đến các nước đang phát triển, mà còn về cách sử dụng chúng. Đã có những báo cáo về tình trạng vaccine hết hạn trước khi được sử dụng ở các nước nghèo, những nơi không có đủ nguồn lực để phân phối vaccine, đào tạo nhân viên y tế hay thuyết phục người dân tiêm vaccine.
Cách tiếp cận rời rạc
Hồi tháng 6, ông Biden cam kết nước Mỹ sẽ khởi động “những nỗ lực hoàn toàn mới” nhằm gia tăng sản lượng vaccine. Ông giao thêm nhiệm vụ thiết lập một kế hoạch toàn cầu cho ông Jeffrey D. Zients, người điều phối công tác ứng phó với Covid-19 trong Nhà Trắng.
Ông Zients cam kết làm việc với các nhà sản xuất vaccine tại Mỹ để “gia tăng đáng kể nguồn cung vaccine ở những nơi khác thế giới, trong khi tạo ra công việc tại nước Mỹ”.
Tuy vậy, đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta chuyển hướng sự chú ý trở lại nội bộ nước Mỹ. Tiến sĩ Krishna Udayakumar tại Đại học Duke nhận định cách tiếp cận của chính quyền Mỹ “tiếp tục rời rạc”.
Ông J. Stephen Morrison, chuyên gia y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), đồng tình với nhận định này. “Họ không có một chiến lược, cũng như không có cơ cấu để thực thi”, ông nói.
Nhà Trắng cho biết sự thiếu hụt nguyên liệu khiến sản lượng vaccine không thể được đẩy mạnh. Tuy vậy, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden nói điều này là “vô lý”.
Ông Frieden nhận định chính quyền của ông Biden nên dựa vào Pfizer và Moderna để chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất trên toàn cầu. Theo Financial Times, các nhà sản xuất vaccine Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất do chưa đạt được thỏa thuận về sở hữu trí tuệ với hai công ty trên.
Bản quyền vaccine vẫn là một rào cản đối với việc mở rộng sản xuất. Ảnh: Wall Street Journal. |
Tổ chức phi lợi nhuận Public Citizens dự định kêu gọi chính quyền Mỹ đầu tư 25 tỷ USD vào việc phát triển các trung tâm sản xuất vaccine cấp khu vực. Các trung tâm này sẽ có khả năng cung ứng đủ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong một năm, theo kế hoạch của Public Citizens.
Ông James Krellenstein, người sáng lập nhóm vận động PrEP4All, nhận định ông Biden có thể bị so sánh với cựu Tổng thống Ronald Reagan, người không thể ngăn chặn “đại dịch thế kỷ” HIV/AIDS lây lan ra toàn cầu.
“Nếu không thay đổi cách làm, chính quyền của ông Biden sẽ được nhớ đến trong tương lai giống như cách chính quyền của Tổng thống Reagan được nhớ đến hôm nay vì không ứng phó với cuộc khủng hoảng AIDS”, ông Krellenstein nói.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn