Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km

0
Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km

Không ít phụ huynh đặt kỳ vọng vào các trại hè như một nơi để con cái rèn luyện kỹ năng, tăng tính tự lập và có thêm trải nghiệm mùa hè đáng nhớ.

Tuy nhiên, sau nhiều vụ gây tranh cãi liên quan đến điều kiện sinh hoạt thiếu an toàn, hoạt động rập khuôn, thậm chí xuất hiện tình trạng bị bắt nạt diễn ra ở trại hè, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn: Liệu có nhất thiết phải gửi gắm con vào đây?

Từ nhiều năm nay, gia đình 6 người của anh Robert Linh (SN 1982, Hà Nội) đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác: Lên đường xuyên Việt với các “trại hè tự thiết kế” kéo dài hơn 10 ngày.

Họ cùng đi qua hàng chục tỉnh thành, với lịch trình được “cân đo đong đếm” theo sức bền, sở thích và khả năng của từng thành viên hay các “trại hè tại gia” khi không có nhiều thời gian.

Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km - 1

Gia đình 6 người của anh Linh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Gia đình anh Robert Linh có 4 người con từ 3 đến 16 tuổi. Thời gian đầu, khi cả hai vợ chồng còn công tác tại cơ quan, mỗi chuyến đi chơi đều phải tính toán sát sao lịch nghỉ.

Từ khi gia đình đón thêm hai thành viên nhỏ, anh Linh chủ động chuyển hướng công việc sang hình thức tự do, để linh hoạt hơn trong việc đồng hành, chăm sóc và dành thời gian chất lượng cho con.

Mới đây, cả gia đình bắt đầu chuyến đi từ Hà Nội vào tối 3/6, sau nhiều tháng chuẩn bị, từ việc lên kế hoạch lộ trình, chia nhau tập thể lực buổi sáng, đến thảo luận về cách nấu nướng dọc đường và sắp xếp hành lý tối giản.

Với hành trang là một chiếc xe bán tải chở 6 thành viên, chất đầy đồ, một bếp gas mini, thùng đá to để bảo quản thực phẩm, chuyến đi không chỉ là dịp nghỉ hè, mà là hành trình để các thành viên gắn kết nhau hơn.

Đoạn đường thú vị nhờ những câu chuyện vui

Xuất phát Hà Nội, gia đình anh Linh đến thăm nhiều địa danh nổi tiếng như Hải Vân Quan, bãi biển An Bàng, Măng Đen (nay thuộc Quảng Ngãi), Đà Lạt (Lâm Đồng), Khu di tích Bến tàu không số Vũng Rô, Gành Đá Đĩa (nay thuộc Đắk Lắk)…

Trên quãng đường hơn 3.200km, anh Linh không chỉ cầm lái, mà còn là hướng dẫn viên nghiệp dư, kể lại câu chuyện lịch sử dọc đường đất nước.

“Chúng tôi đến thành cổ Quảng Trị, đứng trước sông Thạch Hãn, nghe lại bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” ngay trên cây cầu lịch sử. Tôi kể cho các con nghe về 81 ngày đêm khốc liệt, về những người lính đã nằm lại bên dòng sông ấy. Cả nhà cũng đến thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn, ghé Vũng Rô nơi có đoàn tàu không số…”, anh Linh nhớ lại.

Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km - 2

Anh Linh đặc biệt chú trọng việc giáo dục các con về lòng yêu nước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài ra, chuyến đi cũng trở thành phép thử độ bền của sự gắn kết gia đình khi 6 người trên một chiếc xe suốt nhiều ngày liên tục, trải qua đủ kiểu thời tiết, thiếu tiện nghi và nảy sinh những bất đồng…

“Chỉ cần quá 3 tiếng là không khí trong xe bắt đầu “căng”. Trẻ thì tranh nhau bật nhạc, người lớn thì bối rối tìm đường đi, đôi lúc tranh cãi nhau chỉ vì một chiếc quạt”, anh Linh kể.

“Mưa bom bão đạn” là cụm từ được anh dùng để mô tả những va chạm không tránh khỏi. Nhưng sau mỗi trận “bão” ấy, anh lại phát hiện ra một điều đáng quý khi các con biết nhường nhau, vợ động viên chồng lúc mệt, cả nhà xúm vào giảng hòa như một đội bóng ăn ý.

Có hôm, cả nhà anh đi nhầm đường lúc 2h30 sáng ở một đoạn rừng vắng vì tin theo lời chỉ dẫn của bản đồ, xung quanh tối om chỉ nghe tiếng côn trùng và động cơ xe. “Thú thực lúc đó tôi cũng hoang mang lắm, nhưng vẫn phải cố giữ nét mặt bình tĩnh, giọng nói dứt khoát để vợ con yên tâm, không bị hoảng loạn theo”, anh kể.

Chính trong những phút căng thẳng đó, các con học được sự kiên nhẫn, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, còn cha mẹ thì học lại cách lắng nghe.

Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km - 3

Gia đình anh Linh check-in tại Măng Đen (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh cho biết chi phí cho chuyến đi không quá lớn, nếu biết cách xoay xở. Gia đình chủ động mang theo bếp gas mini, đồ ăn khô, trái cây… để có thể dựng lều nấu nướng ven đường.

“Sau hành trình, điều đáng giá nhất chúng tôi mang về không phải là ảnh check-in hay video triệu lượt xem, mà là trái tim đầy ắp kỷ niệm. Đó là thứ hành trang vô hình nhưng sẽ theo các con đến suốt đời”, anh nói.

Trại hè tại gia

Nếu những chuyến đi dài ngày mang lại trải nghiệm sống động và kiến thức thực tế, thì ở chiều ngược lại, chính không gian quen thuộc của ngôi nhà cũng có thể trở thành một “trại hè” đầy sáng tạo và kết nối, miễn là cha mẹ đủ tâm huyết và chịu chơi cùng con.

Với gia đình anh Linh, mô hình “trại hè tại gia” không phải là giải pháp tình thế mà là một truyền thống mùa hè đã duy trì suốt nhiều năm qua. Mỗi năm, chương trình lại được “nâng cấp phiên bản” phù hợp với độ tuổi và tính cách từng thành viên.

Trong không gian giới hạn của phòng khách hay sân thượng, cả nhà cùng nhau dựng lều, tổ chức “phiên chợ quê”, thi nấu ăn, kể chuyện, vẽ tranh, làm đại sứ du lịch giới thiệu một tỉnh thành yêu thích. Những hoạt động tưởng đơn giản ấy lại khiến cả gia đình cười vang cả buổi, học được cách hợp tác, chia sẻ và tự tin thể hiện bản thân.

Không khí trại hè được thổi bùng lên nhờ chính sự nghiêm túc trong cách tổ chức khi mỗi hoạt động đều có tên gọi, có lịch trình, có phần thưởng và… có cả giận dỗi y như những hành trình xa.

Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km - 4

Anh Linh cho rằng chỉ cần bố mẹ dành chút thời gian cho con cái thì ở đâu cũng có thể là trại hè ý nghĩa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từng nhận được nhiều tin nhắn hỏi han từ các phụ huynh khác, anh Linh chỉ nói: “Mọi người đừng so nhà mình với nhà ai. Trại hè không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở tấm lòng.

Nếu bạn làm điều đó bằng sự yêu thương thật lòng, bằng thời gian thật dành cho con, thì dù chỉ là một buổi nấu ăn chung hay một buổi cắm trại bằng chăn bông trong phòng khách, cũng đã là trại hè”.

Anh cũng thừa nhận, tổ chức một mùa hè như thế không dễ vì đòi hỏi sự hy sinh về thời gian, công sức và đôi khi là cả sự kiên nhẫn để không nổi nóng khi con làm đổ nước, để ngồi xuống lắng nghe chuyện “trời ơi đất hỡi” của một đứa trẻ 6 tuổi…

Nhưng đổi lại, anh nhận về nhiều hơn cả là ánh mắt con háo hức mỗi khi bố mẹ gợi ý chuyến đi tiếp theo, là sự gắn bó không cần gượng ép giữa các thành viên, là tinh thần sống trách nhiệm, sống đẹp… thứ mà anh tin rằng chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng sự đồng hành.

Ông bố 4 con ở Hà nội tự thiết kế trại hè, đưa gia đình xuyên Việt 3.200km - 5

Những hành trình cùng nhau giúp các thành viên gắn kết hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Tôi từng nghe nhiều phụ huynh than rằng con lớn rồi, bảo chụp ảnh chung là lườm nguýt. Nhưng riêng nhà tôi thì ngược lại, các con giành nhau đứng giữa khung hình. Bởi chúng cảm nhận được rằng, được hiện diện trong bức tranh gia đình này là một niềm vui, không phải nhiệm vụ”, anh Linh nói.

Với anh Linh, không có công thức chuẩn cho một “trại hè lý tưởng” mà anh xem mùa hè là thời gian quý giá để cha mẹ viết nên ký ức tuổi thơ cùng con, trước khi các con lớn quá nhanh, bận rộn quá nhiều và quay cuồng trong những mùa hè mang tên “học thêm”.

“Chúng tôi không hướng đến những mùa hè hoàn hảo. Chúng tôi chỉ mong mỗi năm nhìn lại, các con đều có thứ để nhớ vì từng cười, từng khóc, từng tranh cãi và từng yêu thương dưới cùng một mái lều, trên cùng một hành trình và trong cùng một gia đình”, anh nói.

Nguồn: Dantri