
Nhận thấy phụ nữ đang mang thai là nhóm cần được quan tâm song thường bị bỏ quên, Đình Bảo thành lập chiến dịch thiện nguyện mang tên “Lội dịch cùng bà bầu”.
“Chào mẹ bầu, anh là Bảo nè. Em khỏe chứ?”, anh Trần Đình Bảo (38 tuổi, TP.HCM) mở đầu câu chuyện.
Qua màn hình điện thoại, anh xác nhận người phụ nữ đối diện có thực sự đang mang thai và cần giúp đỡ hay không. Sau khi kết thúc cuộc gọi, anh thực hiện chuyển khoản hoặc tìm cách hỗ trợ cho mẹ bầu.
![]() |
Trần Đình Bảo, người đứng sau chiến dịch “Lội dịch cùng bà bầu”. |
Từ 13/8, chỉ sau vài ngày, chiến dịch Lội dịch cùng bà bầu do Đình Bảo thành lập đã tiếp nhận gần 600 phụ nữ mang thai cần giúp đỡ trên khắp mọi miền đất nước.
Trong số đó, anh đã gọi điện và gửi tiền thành công cho 243 người.
“Sau một thời gian làm từ thiện trong mùa dịch, tôi nhận thấy rất nhiều mẹ bầu gặp khó khăn, bị mắc kẹt trong khu phong tỏa mà thiếu ăn, thiếu mặc. Theo tôi, họ là trường hợp cần được hỗ trợ kịp thời nhất lúc này”, anh chia sẻ với Zing.
Tìm những mẹ bầu đang gặp khó khăn
Đình Bảo hiện kẹt lại ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì dịch bệnh. Anh mới kết thúc chiến dịch Nghỉ dịch không ăn hại chưa được bao lâu, với 1.500 phần quà dành tặng tới tận tay những người đang gặp khó khăn ở TP.HCM.
“Nhiều nhóm từ thiện trước đó thường tập trung tại một địa điểm rồi phân phát nhu yếu phẩm. Song, những cư dân ở trong hẻm xóm hoặc kẹt trong khu vực phong tỏa sẽ gặp nhiều thiệt thòi do khó tiếp cận. Do đó, Nghỉ dịch không ăn hại ra đời vào cuối tháng 7 để hỗ trợ những cá nhân, gia đình bị ‘rơi rớt’ lại”, anh kể.
![]() |
Anh Bảo phụ trách xác nhận gia cảnh của các bà bầu xin hỗ trợ. |
Thời điểm đó, Đình Bảo nhận thấy nhiều phụ nữ bụng mang dạ chửa gặp khó khăn vì Covid-19.
Sẵn còn 250 triệu đồng của các mạnh thường quân đóng góp cho chiến dịch trước, anh lên kế hoạch triển khai Lội dịch cùng bà bầu.
Những người cần giúp đỡ sẽ để lại thông tin liên lạc tại hộp thư fanpage, sau đó nhóm của Đình Bảo sẽ tổng hợp lại và liên lạc dần.
Làm việc với Đình Bảo là 2 người khác thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện cùng anh.
Một người tổng hợp danh sách đối tượng cần giúp đỡ, một người thống kê nguồn tiền ra vào, còn anh phụ trách gọi điện cho các bà bầu và xác nhận gia cảnh. Cả nhóm phối hợp rất ăn ý.
Rút kinh nghiệm từ chiến dịch đầu tiên, Đình Bảo cẩn thận hơn trong việc xác minh. Anh từng gặp một số người khai gian, lợi dụng lòng tốt của mình. Họ xin hỗ trợ nhiều bên hoặc sử dụng thông tin giả để xin giúp đỡ nhiều lần.
“Qua cuộc gọi video, tôi dùng một số thủ thuật để xác nhận đối tượng đúng là có bầu hay không, hoặc gia cảnh đã đủ đầy, không cần hỗ trợ. Chẳng hạn, tôi sẽ nhờ họ đứng lên, quay một vòng”, Đình Bảo chia sẻ.
“Tôi không đồng tình với việc các mẹ bầu vén áo khoe bụng cho tôi kiểm tra vì thấy phản cảm. May mắn thay, từ hôm bữa đến giờ, bà nào cũng bụng bự và khó khăn hết trơn”, ông bố 2 con hài hước kể thêm.
Tùy từng hoàn cảnh, anh sẽ hỗ trợ từ 500.000-2.000.000 đồng.
“Cực mà vui”
Nguyễn Thị Ngà (34 tuổi, Thanh Hóa) là mẹ bầu thứ 55 nhận được sự giúp đỡ từ Đình Bảo. Dù chỉ một tháng nữa dự sinh, người phụ nữ mang song thai chưa chuẩn bị được gì cho hai đứa con đầu lòng, ngoại trừ xin ít quần áo sơ sinh dùng lại.
Hai vợ chồng sinh sống ở Hà Nội đã được vài năm. Đầu năm 2021, họ dồn hết vốn liếng để mở cửa hàng tại quận Bắc Từ Liêm để buôn bán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình Ngà không có thu nhập suốt 3 tháng nay.
![]() |
Chị Ngà cho biết song thai lần này là con đầu lòng của hai vợ chồng. |
“Tới giờ, hai vợ chồng coi như trắng tay, mà tiền nhà vẫn phải trả đều 6 tháng/lần. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận gạo hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Còn về khoản tiền anh Bảo mới hỗ trợ, chúng tôi dự định dùng để sắm vật dụng cần thiết cho con và để dành tới ngày vào viện”, cô chia sẻ với Zing.
Nguyễn Thị Bảo Quyên (31 tuổi) là một mẹ bầu 7 tháng đơn thân. Cô dự định đi làm tại Bình Dương cho tới gần ngày sinh mới trở về quê nhà ở Kiên Giang.
Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát bất ngờ khiến cô thất nghiệp, không có thu nhập và mắc kẹt tại phòng trọ.
Dù chủ nhà đã giảm giá, Bảo Quyên vẫn còn nợ 800.000 đồng tiền thuê trọ. Lương thực trong nhà cũng dần cạn kiệt.
“Hoàn cảnh phải chịu thôi, chứ tôi chẳng biết sao giờ. Tôi cũng tính lỡ sinh con một mình ở đây, chỉ còn nước nhờ những người gần trọ”, cô nói.
![]() |
Chị Quyên kẹt lại ở Bình Dương, không kịp về quê dưỡng thai, chờ ngày sinh. |
Hơn một tháng nay, Bảo Quyên không dám tới bệnh viện khám định kỳ vì sợ lây nhiễm Covid-19.
Cho tới vài hôm trước, một bác sĩ tư thương cảm trước hoàn cảnh của cô nên đã đề nghị siêu âm miễn phí.
“Anh Bảo đã hỗ trợ thanh toán tiền trọ và tặng tôi thêm một khoản. Tôi mua ít lương thực, còn dư thì cất đi để dành đóng viện phí sinh con”, Bảo Quyên chia sẻ với Zing.
Về phía Đình Bảo, 4 hôm đồng hành với các bà bầu là những ngày điện thoại reo liên hồi. Mỗi ngày, anh thực hiện khoảng 50-60 cuộc gọi liên tục từ sáng tới tối.
Một lần, anh nhận được cuộc gọi lúc 5h. Đầu dây bên kia là tiếng nấc nghẹn ngào của một người mẹ xin trợ giúp 200.000 đồng để mua sữa cho con. Đáp lại, Đình Bảo chuyển cho chị 500.000 đồng.
“Cả nhóm chúng tôi không biết vì sao bị lộ số điện thoại cá nhân. Từ hòm thư điện thoại, Zalo cho tới fanpage đều tới tấp tin nhắn. Tuy nhiên, dù cực một chút, giúp được nhiều bà bầu là tôi thấy vui lắm”, anh chia sẻ.
Trong thời gian tới, Đình Bảo cho biết nhóm anh dự định sẽ mở thêm kênh dành cho bác sĩ đến từ Bệnh viện dã chiến Củ Chi tư vấn chữa trị cho F0 tại nhà.
Nguồn: News.zing.vn