Ông Lê Quang Tự Do: Đối thoại với dân qua livestream chưa có tiền lệ

0
Ông Lê Quang Tự Do: Đối thoại với dân qua livestream chưa có tiền lệ

Ông Lê Quang Tự Do cho biết chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” ở TP.HCM nhận được phản hồi tích cực. Nhiều địa phương mong muốn học hỏi hình thức đối thoại này.

doi thoai voi nguoi dan TP.HCM anh 1

Là một trong những người tham gia triển khai chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” thu hút sự quan tâm của người dân TP.HCM, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết từ lúc lên ý tưởng, các cán bộ sở, ngành ở TP.HCM chỉ có 18 giờ để chuẩn bị cho buổi livestream đầu tiên.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chia sẻ những thách thức khi gấp rút thực hiện một chương trình đối thoại trực tuyến trên mạng xã hội.

18 giờ chuẩn bị cho chương trình chưa có tiền lệ

– Từ đâu mà TP.HCM có ý tưởng về một chương trình đối thoại giữa người dân và chính quyền thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội, thưa ông?

– Khi TP.HCM trải qua những đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch, chúng tôi nhận thấy mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch của thành phố.

Vì vậy, Phó bí thư Thường trực Thành ủy và giờ là Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giúp địa phương xử lý các thông tin này.

Nhận được lời đề nghị, Bộ đã giao trực tiếp cho Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử triển khai thực hiện. Từ đó, chúng tôi đề xuất thành phố đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, cung cấp thông tin cho người dân trực tiếp bằng hình thức mà mọi người yêu thích và dễ tiếp cận, đó là livestream.

Mục đích là thay vì ngăn chặn tin giả một cách thụ động, chúng tôi bổ sung thêm cách thức truyền thông chủ động trên chính nơi mà tin giả bị phát tán. Khi nghe vậy, lãnh đạo TP rất ủng hộ và đồng ý cách làm mới này.

doi thoai voi nguoi dan TP.HCM anh 2

Ông Lê Quang Tự Do (áo xám) là một trong những cán bộ phụ trách thực hiện chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”. Ảnh: HCM.

Sau đó, chúng tôi mới phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM để triển khai gấp chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”. Các cán bộ chỉ có 18 tiếng để trực tiếp chuẩn bị cho một chương trình chưa có tiền lệ.

Trước đây, chính quyền đối thoại với người dân nhiều rồi, nhưng chủ yếu trên truyền hình, qua báo chí. Đối thoại qua livestream thì đây là lần đầu.

– Với một chương trình chưa có tiền lệ như vậy, đội ngũ thực hiện đã gặp những khó khăn gì?

– Vì thời gian triển khai quá gấp và chưa ai từng làm trước đó, rất nhiều khó khăn đã phát sinh. Thứ nhất, chúng tôi gặp khó về kỹ thuật tổ chức livestream và phải liên hệ, phối hợp một đơn vị chuyên nghiệp trong vấn đề này để hỗ trợ.

Chính quyền đối thoại với người dân nhiều, nhưng đối thoại qua livestream thì chưa có tiền lệ

Ông Lê Quang Tự Do

Khó khăn thứ hai là tìm người dẫn. Quan điểm của chúng tôi là không tìm người dẫn chương trình, mà phải là người nói lên tiếng nói của người dân với chính quyền. Chúng tôi mong muốn người dân khi xem không có cảm giác đây là một chương trình truyền hình chính luận, MC hỏi rồi lãnh đạo trả lời, mà muốn xóa nhòa cảm giác đó bằng một người thay mặt cho người dân nói lên những bức xúc, nhu cầu, đòi hỏi của họ với chính quyền.

Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng nghệ sĩ Quyền Linh là một người rất phù hợp vì hội đủ các yếu tố: Là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với công chúng trên không gian mạng; người hoạt động thiện nguyện nhiệt tình; người có tâm với người nghèo. Anh Linh sẽ đại diện được cho người dân lao động nói lên nhu cầu của mình.

Thực tế, phản hồi về các số phát sóng của chương trình đã chứng minh được đây là sự lựa chọn phù hợp nhất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn về người trả lời các vấn đề người dân phản ánh. Nhiều lãnh đạo cơ quan, ban, sở, ngành chưa bao giờ trả lời qua livestream nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận để tìm ra cách trả lời gần gũi, thuyết phục và đúng nghĩa là chia sẻ với người dân.

Chính quyền được nghe nguyên vọng, bức xúc của người dân

– Sau một tuần phát sóng, ông nhận thấy tính hiệu quả của chương trình như thế nào, nhất là trong việc chia sẻ và giải quyết những khó khăn cho người dân?

– Trước tiên, tôi muốn nhắc đến một vài con số. Sau 6 số phát sóng của chương trình, tổng lượt xem tính đến nay là 1,6 triệu lượt với 70.000 bình luận. Đặc biệt, lượt người xem trực tiếp cao nhất trong cùng một thời điểm lên đến hơn 20.000. Ngoài ra, khi chương trình cho đăng ký mẫu đơn để nhận cứu trợ về lương thực và tiền trợ cấp, hơn 1,5 triệu người đã gửi thông tin về cho chương trình. Đây là những con số rất lớn.

Trong số 70.000 ý kiến gửi đến, hơn 80% là người dân đề xuất việc trợ cấp lương thực và tiền hỗ trợ, chỉ có 20% còn lại là đề xuất về y tế, giáo dục, bảo hiểm… Số liệu này cho thấy việc cấp thiết nhất hiện nay là cứu đói.

doi thoai voi nguoi dan TP.HCM anh 3

Nhiều người dân nhận được gói an sinh sau khi đăng ký qua chương trình. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Thông qua thông tin mà chương trình cung cấp và phản ánh từ nhiều kênh khác, lãnh đạo thành phố biết được nguyện vọng, tâm tư, đề xuất, mong muốn của người dân và từ đó, triển khai rất khẩn cấp các biện pháp để hỗ trợ.

Chỉ trong một tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu phải cấp phát cho bằng được một triệu túi an sinh đến tay người khó khăn. Đến hết ngày 30/8, TP đã phát được 1,041 triệu túi, vượt kế hoạch. Trong tuần này, mục tiêu là giải ngân tiếp một triệu túi nữa.

Với khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, TP cũng đẩy nhanh, đơn giản hóa thủ tục xác nhận ở phường, tổ dân phố và đến nay, giải ngân được trên 2.058 tỷ đồng.

Chương trình đã mang đến tác dụng là phản ánh trực tiếp tiếng nói của người dân đến lãnh đạo. Từ đó, TP có những chính sách để giải quyết ngay các vấn đề hiện hữu. Ngoài ra, chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều nơi khác, từ các tỉnh thành bạn. Nhiều nơi cũng đang nghiên cứu để nhân rộng cách làm này.

– Là một chương trình đối thoại giữa chính quyền và người dân, nhưng vẫn do một cơ quan Nhà nước đứng ra thực hiện, ông làm thế nào để đảm bảo được tính khách quan giữa việc đưa thông tin và xử lý thông tin trong chương trình?

– Trước hết, chúng tôi phải đảm bảo có một người được người dân tin cậy để nói lên được tiếng nói của người dân, ở đây chính là anh Quyền Linh. Với vai trò này, người dẫn sẽ đại diện cho người dân để truy vấn chính quyền. Tức là, chính quyền trả lời chưa được hoặc chưa rõ là sẽ bị hỏi lại liền, hỏi dồn dập cho đến khi nào câu trả lời rõ ràng, thỏa mãn mới thôi. Đây là một cách để tạo sự khách quan.

Chính quyền trả lời chưa được hoặc chưa rõ thì sẽ bị hỏi dồn dập đến khi câu trả lời rõ ràng, thỏa mãn mới thôi

Ông Lê Quang Tự Do

Thứ hai, anh Quyền Linh cũng thay mặt người dân để thực hiện công tác giám sát. Anh ấy sẽ đi giám sát các hoạt động hỗ trợ, làm phóng sự để chứng minh là chính quyền nói đi đôi với làm. Hàng ngày, chương trình thông báo các điểm phát túi an sinh và số lượng phát để anh ấy đi kiểm tra ngẫu nhiên.

Một mình anh Quyền Linh giám sát không đủ, chúng tôi khuyến khích người dân nhận được túi an sinh, tiền trợ cấp đăng lên chương trình để chia sẻ. Nhưng đồng thời, người nào chưa nhận được hoặc có khúc mắc về cách làm của chính quyền địa phương thì chia sẻ để chương trình tổng hợp, báo cáo lãnh đạo xử lý.

Thứ ba, tôi là cán bộ thuộc Bộ TT&TT sẽ trực tiếp tham gia và giám sát cùng thành phố.

Và cuối cùng là giám sát từ Chủ tịch và Bí thư TP.HCM. Hàng ngày, khi chương trình kết thúc, chúng tôi phải tổng hợp các thông tin quan trọng nhất gửi lãnh đạo thành phố để họ nắm được. Nếu có đơn vị nào chưa thực hiện, chưa triển khai thì lãnh đạo thành phố sẽ chấn chỉnh ngay.

Cuối cùng, sự khách quan thể hiện ở tất cả câu hỏi đặt cho chính quyền là lấy từ người dân. Chúng tôi không cắt gọt những câu hỏi gai góc, bức xúc của người dân đến chương trình. Tiêu chí là để chính quyền nghe được những tâm tư, nguyện vọng và bức xúc từ người dân nên chúng tôi giữ nguyên câu hỏi được gửi đến.

Chương trình là một “cú hích”

– Vậy theo ông, chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” có phải là một thử nghiệm để hướng đến việc thay đổi cách thức đối thoại giữa chính quyền và người dân trong tương lai hay không?

– Dưới góc nhìn của tôi thì đây là một hình thức bổ sung, chứ không thay thế bất kỳ hình thức đối thoại nào khác. Các phương tiện để chính quyền đối thoại với người dân thời gian qua cũng phát huy tác dụng như báo chí, truyền hình, radio… Tuy nhiên, khi Internet phát triển và xuất hiện thêm một loại hình truyền thông xã hội mới, chúng ta lại chưa thực sự chú ý và tận dụng.

Tôi tạm gọi chương trình như một “cú hích”, để các địa phương học hỏi và coi mạng xã hội như một công cụ, phương tiện quan trọng nhằm đối thoại với người dân, hiệu quả không khác gì phương tiện truyền thống.

Với hình thức này, chính quyền có thể tiếp cận được với nhóm người dân không thường xuyên xem tivi, đọc báo. Theo khảo sát của chúng tôi, những người này thường là lao động tự do, công nhân, người nghèo.

Mạng xã hội là nơi họ tiếp cận thông tin nhiều nhất và tại đây, người dân thích xem chương trình giải trí, livestream. Chứng minh cụ thể nhất là ở chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, đa số ý kiến của người bức xúc, kêu cứu là người lao động tự do, công nhân.

– Xin cám ơn ông!

Nguồn: News.zing.vn