PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: ‘Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả’

0
49

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói thu nhập của bác sĩ trẻ thường chưa cao, nhưng khi đã vững tay nghề, có uy tín thì không ai nghèo cả.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc về cuốn sách Câu chuyện từ trái tim (NXB Thế giới và Nhã Nam), bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không ngần ngại trả lời những câu hỏi từ chuyên môn tới riêng tư.

thu nhap cua bac si anh 1

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Bá Chiêm.

Bác sĩ giỏi, tài năng sẽ có nhiều lựa chọn

Buổi giao lưu với độc giả qua mạng Internet cuối tuần qua, một độc giả muốn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm về việc bác sĩ mới ra trường chật vật về kinh tế, lương bác sĩ mới ra trường thấp, không đủ lo cho nhu cầu hàng ngày, chưa kể lo cho gia đình nữa.

Độc giả này cũng muốn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu giải pháp để bác sĩ Việt không phải lo kinh tế, tập trung nâng cao tay nghề, trình độ. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói đó không phải là tình trạng riêng của bác sĩ Việt. Trên thế giới, bác sĩ mới ra trường cũng đều thế cả.

Với những người theo nghề y, việc học tập mất nhiều thời gian, học trong nhà trường nhiều điều, nhưng ứng dụng trong thực tế ở bệnh viện chưa quen nên rất khó khăn.

“Ta chưa được người bệnh tôn trọng, chưa được đồng nghiệp tôn trọng thì đương nhiên thu nhập sẽ thấp”, bác sĩ Hiếu nói.

Ông phân tích tình trạng này không phải mãi mãi. Dần dần, khi bác sĩ có vị trí, có phương pháp làm nghề thành thạo, khi có tiếng trong lĩnh vực, thu nhập sẽ ổn định.

“Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả”, ông Hiếu khẳng định. Tuy nhiên, khác với ngành nghề khác, thường bác sĩ ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu; còn hoạt động kinh doanh, tài chính, chứng khoán, thường thành công về tiền bạc từ sớm.

PGS Nguyễn Lân Hiếu khuyên khi lựa chọn nghề y, bạn trẻ phải xác định làm nghề theo đam mê, theo sự nghiệp của mình, phải cống hiến.

“Tất nhiên thu nhập bác sĩ ở Việt Nam không tương xứng với sự vất vả, đóng góp của họ. Đó cũng là trách nhiệm của tôi trong tư cách đại biểu Quốc hội, đấu tranh cho ngành y được bảo đảm thu nhập tốt hơn, được an tâm để chữa bệnh”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Ông cho biết trên thế giới có cách làm mà ông nghĩ Việt Nam nên áp dụng. Ở nhiều nước, sinh viên học y khoa đều vay tiền. Ngân hàng sẽ có các gói ưu đãi cho sinh viên học đại học, thạc sĩ, nội trú ngành y. Các ngân hàng cũng rất tự tin khi cho sinh viên ngành y vay tiền, vì họ biết chắc các bạn trẻ này tốt nghiệp, đi làm sẽ đủ tiền trả lại ngân hàng.

“Trong tương lai, chúng ta nên nghĩ tới việc đó. Ta cần tạo gói hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn. Song song đó, bệnh viên ngày nay cũng đã trân trọng người có chuyên môn cao. Chính vì vậy, bác sĩ giỏi, tài năng, khi ra trường có nhiều lựa chọn”, bác sĩ Hiếu nói.

Vị giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyên bạn trẻ học y đừng so sánh với những bạn phổ thông đồng trang lứa. Ông kể kinh nghiệm bản thân khi mới ra trường, thu nhập thấp, mà bạn bè cùng trang lứa lương tính bằng USD.

Bởi vậy, ông thông cảm với suy nghĩ của bạn trẻ ngày nay, và khuyên “chúng ta đừng nhìn sang các bạn đồng trang lứa của mình, mà hãy nhìn lên phía trước; nhìn những người làm trong ngành y đã đi trước để phấn đấu”.

thu nhap cua bac si anh 2

Sách Câu chuyện từ trái tim. Ảnh: Nhã Nam.

“Tôi đi làm từ 5h30 sáng”

Một số độc giả cùng quan tâm PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phân bố thời gian thế nào để đảm đương nhiều công việc khác nhau, vừa là bác sĩ, vừa làm quản lý (giám đốc bệnh viện), vừa tham gia nghị trường (đại biểu Quốc hội). Ông cho biết vẫn có thể thu xếp được công việc, nhưng phải dậy sớm.

“Tôi đi làm từ sớm, 5h-5h30 đã ra khỏi nhà. Tôi làm công việc chuyên môn vào sáng sớm; sau đó buổi trưa, buổi chiều làm những công việc quản lý, viết sách, giảng bài”, bác sĩ Hiếu tiết lộ.

Thời gian “eo hẹp” nhất với ông là giai đoạn họp Quốc hội, mỗi năm khoảng hai tháng. Giai đoạn ấy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phải làm thêm vào buổi trưa và tối muộn.

Bên cạnh đó, ông cũng duy trì khám bệnh ba buổi một tuần, trong đó có hai buổi khám theo chức danh nghề nghiệp (khám phó giáo sư, tiến sĩ, thường bệnh nhân khám tự nguyện sẽ phải trả phí cao hơn); buổi còn lại ông khám bác sĩ (giữ nguyên giá khám bệnh).

“Từ trước đến giờ, tôi vẫn khám bác sĩ vào ngày thứ tư, điều đó chưa thay đổi trong gần 20 năm hành nghề”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Vị đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ ông không có kỹ năng quản lý thời gian, mà học bố mình (giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Hiếu) cách sắp xếp công việc.

Thứ nhất, khi đã xác định làm việc gì thì làm đến tận cùng, không làm dở dang, làm một nửa xong quay đi làm việc khác rồi mới quay lại làm, bởi như vậy các việc sẽ chồng chéo lên nhau.

Thứ hai, ông phân chia cấp độ quan trọng của công việc; việc gì là quan trọng, không thể không làm; việc gì có thể chờ; việc gì có thể tặc lưỡi bỏ qua.

“Như chúng tôi, việc quan trọng nhất là chữa bệnh. Chúng ta phải sắp xếp làm thật tốt trong khám chữa bệnh. Việc thứ hai là dạy học (giảng bài, chấm luận án, nghiên cứu sinh) phải đưa vào khu vực ‘không thể quên’”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Những việc được xác định là nhỏ, ông sẽ từ từ làm; nhưng khi đã làm thì không bỏ dở, kể cả việc nhỏ cũng cố làm cho hết. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết hiện tại ông có một thư ký sắp xếp thời gian, công việc chuyên nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ thêm ông học hỏi được nhiều điều từ cách làm việc của bố mình: “Bố tôi rất nguyên tắc. Ông định làm gì thì làm bằng được. Ví dụ đang trong thời gian viết từ điển tiếng Anh sinh học, ông bảo ngày hôm nay viết vần A thì ông phải viết bằng hết vần A xong mới đi ngủ. Năm nay, ông ngoài 80 tuổi, vẫn viết cuốn sách hàng nghìn trang”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn