‘Phải biết nói không với những dự án không cần thiết ở Phú Quốc’

0
‘Phải biết nói không với những dự án không cần thiết ở Phú Quốc’

Chuyên gia cho rằng cần có tầm nhìn xây dựng Phú Quốc một cách bài bản, bền vững, trọng tâm là khu đô thị sinh thái, nói không với các dự án không cần thiết.

dinh huong phat trien phu quoc anh 1

Với tầm nhìn đến 2030, Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực, mang đẳng cấp quốc tế, hòn đảo này đã được nâng cấp trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Việc phát triển Phú Quốc một cách bài bản, đúng quy hoạch và tầm nhìn được nhiều chuyên gia đánh giá rất quan trọng.

Chuyên gia cũng khuyến nghị chính quyền nên biết nói “không” với những dự án không cần thiết, phá vỡ sự phát triển bền vững, hài hòa của “đảo ngọc”.

Đô thị sinh thái

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng điểm mạnh của Phú Quốc là khu dự trữ sinh quyển, cùng tài nguyên rừng, tài nguyên biển đảo rất hấp dẫn. Ông cho rằng hệ sinh thái thiên nhiên rất đầy đủ và đặc trưng.

Ông đánh giá những thế mạnh mà Phú Quốc đang có là rất hiếm hiện nay. Phát triển về sau, “đảo ngọc” không nên chọn cách phát triển như những đô thị khác, không nên theo hướng tác động của con người là chủ đạo.

GS Đặng Hùng Võ khuyến cáo nên phát triển Phú Quốc gắn với một hệ sinh thái thiên nhiên nhiều hơn. Cần xây dựng đô thị sinh thái, thiên nhiên là chủ đạo sẽ giúp “đảo ngọc” phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh không nên đi theo hướng bê tông hóa, con người tác động làm hư hỏng thiên nhiên.

“Hoàn toàn không nên bê tông hóa, không nên biến Phú Quốc thành một Singapore thứ hai”, ông nói.

dinh huong phat trien phu quoc anh 2

GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: Việt Hùng.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần nhấn mạnh yếu tố bảo tồn thiên nhiên là số một trong việc phát triển Phú Quốc. Ông cho rằng vì Phú Quốc là thành phố đảo, cần nhấn mạnh khu vực đô thị tách rời với khu vực bảo tồn thiên nhiên. Do đó không nên phát triển đô thị dàn trải vòng quanh đảo, mà chỉ nên tập trung về một phía là Dương Đông và An Thới.

Phần còn lại nên tạo thành các khu vực bảo tồn thiên nhiên. Ông cũng nhấn mạnh nếu phát triển du lịch thì nên làm du lịch sinh thái, mật độ thấp, hạn chế nhà cao tầng, dành tỷ lệ cao cho không gian xanh.

Vị kiến trúc sư cũng cho rằng nếu phát triển theo hướng đô thị tập trung cao sẽ đạt hiệu quả về đầu tư hạ tầng. Đây là một đô thị đảo, vấn đề hạ tầng, giữ gìn bảo vệ môi trường, phát triển tập trung luôn tốt hơn dàn trải. Phát triển dàn trải thì rất khó xử lý vấn đề ô nhiễm”, ông nói.

Ông cho rằng Phú Quốc không phát triển theo hướng của Singapore, nhưng vẫn nên tham khảo cách phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh của quốc đảo này.

Sử dụng nguồn năng lượng xanh, phát triển bền vững

GS Đặng Hùng Võ khuyến nghị Phú Quốc nên đi theo hướng một hệ sinh thái cộng sinh, dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn. Ông lấy ví dụ Phú Quốc không dùng điện lưới nữa, chỉ dùng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sóng biển… thì sẽ trở thành một hòn đảo du lịch môi trường độc đáo trên thế giới.

Thậm chí trong vấn đề xử lý rác thải có thể tái chế, tái sử dụng cho các mục đích khác. Con người và thiên nhiên hòa hợp trong một hệ sinh thái cộng sinh. Như vậy thành phố này sẽ không còn rác, không phát thải nữa.

“Khi làm được điều đó, Phú Quốc có thể nổi lên là thành phố xanh hàng đầu, lại càng thu hút khách quốc tế, những người mong muốn cùng bảo vệ môi trường và sống xanh”, ông Võ chia sẻ.

PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho rằng Phú Quốc nên tính toán đến việc tiết kiệm và đảm bảo nguồn cung nước ngọt. Ông cho biết biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, gây ra những ảnh hưởng về nguồn nước. Vào mùa mưa Phú Quốc có thể rất nhiều nước, bằng chứng là có thể xảy ra trận lụt lịch sử giữa năm 2019. Tuy nhiên, mùa khô lại có thể thiếu nước ngọt trầm trọng.

Trong khi đó, du lịch Phú Quốc ngày càng bùng nổ gây ra những vấn đề lớn cho phát triển. Ông lấy ví dụ một du khách đến với Phú Quốc có thể tiêu dùng lượng nước ngọt gấp 3-4 lần khi họ ở nhà. Một năm, Phú Quốc đón khoảng 3-4 triệu lượt khách du lịch, gấp 15-20 lần lượng dân cư trên đảo. Do đó, bài toán cấp nước sẽ là vấn đề nan giải trong tương lai.

Cấp nước, vấn đề thoát nước cũng phải được quan tâm đúng mức. Phú Quốc cần chú trọng xây dựng các đường thoát nước, đường ống để khi có mưa lớn có thể thoát nhanh ra biển. Việc xử lý nước thải cũng phải được đặt lên hàng đầu ngay từ bây giờ, bởi với 3-4 triệu lượt du khách, cộng với gần 200.000 dân thì phải xử lý một lượng nước khổng lồ, kiên quyết không đổ thải ra biển.

KTS Ngô Viết Nam Sơn thì mong muốn Phú Quốc sớm phát triển giao thông công cộng. “Phú Quốc nên sớm đặt vấn đề phát triển giao thông công cộng. Nếu đem xe cá nhân từ đất liền ra nhiều quá, môi trường sẽ bị phá hoại nhiều, không phù hợp với Phú Quốc”, ông chia sẻ.

Hạn chế đầu cơ đất

KTS Ngô Việt Nam Sơn còn khuyến nghị cần chú ý giải quyết vấn đề đầu cơ đất tại Phú Quốc. Ông cho rằng tình trạng đầu cơ địa ốc, mua đi bán lại sẽ gây ra hệ lụy với chính người dân và sự phát triển của đảo. Theo đó, nếu tình trạng đầu cơ phổ biến, nhiều bất động sản của Phú Quốc chỉ để mua đi bán lại, mà không đem bất động sản vào phục vụ phát triển kinh tế sẽ gây lãng phí nguồn lực, có thể lỡ cơ hội phát triển.

Trong khi đó, việc bất động sản được đầu cơ mua đi bán lại sẽ đẩy giá lên cao, chính người dân Phú Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi vấn đề này.

Ông Sơn cũng cho rằng chính quyền nên biết nói “không” với những dự án không cần thiết ở Phú Quốc. Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng chính quyền tỉnh phải rất tỉnh táo với các đề xuất dự án, tránh phá vỡ quy hoạch và hệ sinh thái.

Đồng quan điểm, PGS TS Lê Tuấn Anh, cho rằng cần phải sử dụng quỹ đất hiện có của Phú Quốc một cách rất bài bản, chắt chiu, tạo hiệu quả lớn nhất. Ông so sánh diện tích của Singapore và Phú Quốc là gần tương đương nhau. Trong khi đó, quỹ đất của Phú Quốc phần lớn là rừng nguyên sinh. Trong khi ở Singapore phần lớn diện tích đất có thể phục vụ phát triển.

“Muốn có thêm đất cho phát triển, có thể phải phá rừng. Như vậy là không nên. Do đó, quỹ đất hiện tại phải được sử dụng hiệu quả để không lấy thêm đất rừng”, ông chia sẻ.

Phú Quốc trước ngày trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam “Đảo ngọc” Phú Quốc đang dần được đánh thức tiềm năng, vươn lên trở thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch mang đẳng cấp quốc tế, với hàng trăm dự án của nhiều đại gia.

Ông Tuấn Anh cũng gợi ý trong tương lai, Phú Quốc có thể tính đến việc giới hạn du khách tham quan một số địa danh để cân bằng thiên nhiên và sự khai thác của con người. Điều này đã được một số điểm đến trên thế giới áp dụng thành công.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng về lâu về dài, Phú Quốc cần thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đến chung tay, xây dựng Phú Quốc, giúp “đảo ngọc” phát triển bài bản, bền vững.

Nói với Zing, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết hạn chế bê tông hóa, tuân thủ quy hoạch và bảo vệ môi trường tự nhiên sẽ là những ưu tiên chính của Phú Quốc trong thời gian tới. Ông tiết lộ mật độ mức cao nhất là ở các khu quy hoạch và chức năng cũng chỉ từ 20-22%, còn lại là bố trí cây xanh, cảnh quan và đất công cộng.

Chủ tịch Phú Quốc cũng xác định biển, hành lang biển là nơi công cộng để khách du lịch và tất cả người dân đều có thể được hưởng thụ. “Quan điểm phát triển Phú Quốc là phải xanh – sạch – đẹp và an toàn, hạn chế thấp nhất bê tông hoá”, ông chia sẻ.

Ông Hưng cũng mong muốn các nhà đầu tư bằng tâm huyết của mình, cùng với người dân góp sức xây dựng Phú Quốc thành thành phố biển đảo có sự phát triển vượt bậc. “Đảo ngọc” sẽ có sức cạnh tranh ngang hàng với các điểm đến du lịch trong khu vực, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Nguồn: News.zing.vn