Phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực ven biển TP Quy Nhơn: Cơ hội và thách thức

0
204

Vài năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCÐ) ở khu vực ven biển TP Quy Nhơn (Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng) phát triển khá mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển DL sinh thái biển đảo của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động DLCÐ ở khu vực này cũng còn nhiều bất cập, hạn chế…

Phát triển mạnh, nhiều hạn chế

Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong khu vực vịnh Quy Nhơn suy giảm mạnh do việc khai thác quá mức tại vùng biển ven bờ, ô nhiễm môi trường, các hiện tượng thời tiết cực đoan… đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng ven biển. Trước tình hình này, việc phát triển DLCĐ bền vững được xem là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển DL TP Quy Nhơn cũng như của tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Bãi Xép đang là điểm đến hấp dẫn với loại hình DL sinh thái biển. Cảnh quan thiên nhiên núi và biển tuyệt đẹp của Kỳ Co, Hòn Khô, Eo Gió, Cù Lao Xanh… cùng với những dịch vụ bơi lặn ngắm san hô, tắm biển, các môn thể thao giải trí trên biển, thưởng thức hải sản… đã và đang thu hút du khách mạnh mẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các địa phương có trên 50 cơ sở, cá nhân tham gia hoạt động DLCĐ dưới các hình thức: homestay, vận chuyển đường biển (trên 50 ca-nô cao tốc 15 – 45 chỗ), nhà hàng ăn uống… 

Một góc điểm DL biển Hòn Khô. Phía đất liền là làng biển Nhơn Hải

Theo ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn: DLCĐ được đánh giá sẽ trở thành sinh kế quan trọng cho người dân để khai thác hợp lý và bền vững các tài nguyên vốn có của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút khách DL trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng ngành DL nói riêng và phát triển KT-XH của địa phương nói chung. Tuy nhiên, thực trạng DLCĐ ở địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức: Việc cấp phép cho người dân còn khó khăn do các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an toàn, kỹ năng làm DLCĐ… chưa được đầu tư. Hoạt động DLCĐ chủ yếu là tự phát, mạnh ai nấy làm, còn tranh giành khách, phá giá dịch vụ. Các doanh nghiệp (DN) DL và người dân trên địa bàn chưa tìm được tiếng nói chung, mặc dù đã có những hình thức hợp tác mang lại hiệu quả và lợi ích cả cho DN, người dân. Người làm DL và khách DL chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường, việc xả rác thải bừa bãi, bẻ gãy san hô làm quà lưu niệm vẫn xảy ra. Chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý loại hình DL này.

Ông Ngô Văn Sơn, dân Nhơn Châu, người đầu tiên làm DL homestay ở đây, thố lộ: “Nhà tôi có 4 phòng nghỉ cho khách. Từ đầu năm đến nay riêng cơ sở của tôi đón trên 1.000 lượt khách DL. Điều tôi muốn nói là Nhơn Châu có 3 bãi san hô thì hoạt động DL đã làm hư hại 1 bãi. Cần bảo vệ rạn san hô mới phát triển DL bền vững được”.

Từ hoạt động phát triển DL, cũng gây khó khăn cho cư dân ven biển. Ông Bùi Minh Thơm, cán bộ phụ trách thủy sản phường Ghềnh Ráng, cho biết: “Việc quy hoạch, cấp đất các dự án DL làm cho làng biển Bãi Xép chỉ còn lọt thỏm khu dân cư 4 ha ở giữa, không có bãi để các loại ngư lưới cụ, lồng nuôi tôm cá, gây bức xúc cho ngư dân”. Về vấn đề này, ông Phan Tuấn cho hay: “UBND thành phố đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp”. Song xem ra cũng khó giải quyết!

Còn nhiều việc phải làm

Thời gian qua, UBND TP Quy Nhơn, Hội đồng điều hành liên xã thành phố đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Sở NN&PTNT, Sở DL, Chi cục Thủy sản tỉnh nỗ lực hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển kết hợp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái vịnh Quy Nhơn. Ngoài các hoạt động sinh kế khác, về DL, đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ DL cơ bản, hỗ trợ thành lập HTX DL và thủy sản Nhơn Hải, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm DLCĐ… tạo nền tảng cho việc xây dựng một sân chơi chung về hoạt động DLCĐ.

Ông Phan Tuấn khẳng định, việc thúc đẩy liên kết giữa người dân và DN trong phát triển DLCĐ được xem là một giải pháp tốt nhằm đảm bảo phát triển DLCĐ bền vững, thông qua cơ chế phân phối lợi ích đồng đều, người dân và DN đều được hưởng lợi. Khách DL có được lợi ích từ chi phí họ bỏ ra. Nhà nước xây dựng được cơ chế quản lý và giám sát, huy động được nguồn lực để tái đầu tư và phát triển KT-XH của địa phương. Hiện UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các địa phương quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh DLCĐ về thủ tục cấp phép, hướng dẫn kinh doanh đúng pháp luật…

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng Quy hoạch&Phát triển tài nguyên DL của Sở DL, cho rằng: Muốn phát triển DLCĐ bền vững, trước hết cần có hạ tầng đạt yêu cầu để được cấp phép hoạt động. Cần xây dựng quy chế hoạt động, cộng đồng thống nhất và cam kết thực hiện về môi trường sinh thái, môi trường kinh doanh… Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền cho người dân có nhận thức đúng về DLCĐ, vận động người dân tham gia hoạt động DLCĐ để phát triển kinh tế. 

Được biết, Sở DL đang xây dựng đề án phát triển DLCĐ khu vực ven biển TP Quy Nhơn, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử, danh thắng của khu vực gắn với phát triển DL. Khai thác, phát triển sản phẩm DL tại các địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm DL của tỉnh; đặc biệt tạo điểm nhấn cho DL địa phương. Phát triển DLCĐ cũng là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân và khách DL trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Đây cũng là mô hình thí điểm để phát triển DLCĐ các địa phương khác trong tỉnh. Sau khi đề án được tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, sẽ góp phần phát triển bền vững DLCĐ khu vực ven biển TP Quy Nhơn. 

NGUYÊN VŨ

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn