Phát triển du lịch nóng – ‘con dao hai lưỡi’ ở Việt Nam và thế giới

0
175

Đem về nguồn thu dồi dào như dầu mỏ, khách du lịch lại có thể trở thành một cái bẫy phát triển.

Geert Vansintjan là chuyên gia quan hệ quốc tế từng làm tại Trung và Nam Phi, Trung Mỹ và châu Á. Năm 2013, ông Vansintjan từng đảm nhận vị trí Phó Đại sứ, Tham tán Hợp tác Phát triển của Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam. Dưới đây là bài viết của ông trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đăng vào tháng 10.

Tôi đi lạc giữa thị trấn hẻo lánh tại Việt Nam khi đang tìm một khu chợ. Một cô gái trẻ tới ngỏ lời giúp đỡ. Trên đường dẫn tới nơi tôi cần đến, cô ấy kể chuyện mình làm gì để kiếm sống. Mẹ cô quản lý căn bếp của một khách sạn trong vùng, cô làm việc phụ mẹ và đang trên đường đi chợ.

Người dân Sa Pa bán hàng lưu niệm cho du khách tại chợ. Ảnh: Vietnam Dirtbike Travel.

Người dân Sa Pa bán hàng lưu niệm cho du khách tại chợ. Ảnh: Vietnam Dirtbike Travel.

Nếu sống ở bất cứ thành phố nào tại Việt Nam, một phụ nữ trẻ tuổi sáng dạ, tiếng Anh lưu loát như cô có lẽ đang đi học. Dù vậy, tôi mong cô ấy sẽ làm du lịch cho đến hết đời ở đây. Nếu chịu khó, thành quả sẽ đưa tên tuổi cô lên những bậc cao hơn trong ngành khách sạn, có lẽ tới một vị trí còn cao hơn mẹ mình.

Những câu chuyện tương tự như hoàn cảnh của cô gái trẻ này không hiếm có trên thế giới, đặc biệt tại những quốc gia có ngành trọng điểm là du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế đang nở rộ trên toàn cầu. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có tới 1,2 tỷ lượt khách đến các quốc gia trên toàn thế giới vào năm 2016. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), ngành du lịch chiếm 10,4% GDP thế giới năm 2017. Tính riêng trong khu vực các nước thành viên OECD, ngành này chiếm tỷ trọng trung bình 4,1% GDP và 5,9% nhân sự. Số liệu còn cao hơn tại những quốc gia đang phát triển.

Có cơ sở để nhận định du lịch là ngành thuận lợi để phát triển kinh tế. Ví dụ như Costa Rica, quốc gia Trung Mỹ dường như đã nhảy vài bước trên bậc thang phát triển, nhờ ngày càng nhiều khách du lịch tới khám phá rừng rậm nhiệt đới và những bờ biển.

Nhưng có một số vấn đề sẽ nảy sinh nếu một quốc gia đề ra chiến lược phát triển mù quáng tập trung vào quảng bá du lịch. Đó là những tổn hại tiềm ẩn về môi trường, hay lợi nhuận không phải lúc nào cũng về túi cộng đồng dân cư địa phương – những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khách du lịch.

Đối với một quốc gia, đặc biệt là nước đang phát triển, du lịch có thể trở thành cái bẫy kinh tế tương tự như những lời nguyền tài nguyên khác (“Lời nguyền tài nguyên” là khái niệm chỉ nghịch lý các quốc gia dồi dào tài nguyên thiên nhiên có xu hướng kém phát triển hơn các nước có ít tài nguyên thiên nhiên hơn). Nếu không được quản lý đúng đắn, nó có thể lấn át những ngành có nhiều tiềm năng phát triển hơn trong tương lai. Nói cách khác, du lịch có thể khiến tình trạng của các quốc gia tồi tệ hơn về đường dài.

Một bài toán khó của ngành du lịch chính là cơ sở hạ tầng dùng một lần – vấn đề tồn tại ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng được xây dựng phục vụ các ngành công nghiệp khai thác. 

Năm 1956, Bỉ hoàn thành đường cao tốc đầu tiên chạy từ thủ đô Brussels tới Ostend, nơi hoàng gia Bỉ sở hữu những căn biệt thự nghỉ dưỡng mùa hè ven biển. Đường cao tốc được xây dựng dành riêng cho người dân và khách quốc tế tới London bằng phà khởi hành từ Ostend. Xa lộ mới khiến ngành du lịch bùng nổ, tới mức con đường này không đủ rộng trong mùa cao điểm, dù nó gần như trống không vào mùa thấp điểm. Những căn hộ cao ngất, cửa hiệu, nhà hàng mọc lên dọc bờ biển – phá hủy các đụn cát và thế giới tự nhiên, cứ quá tải rồi lại đìu hiu theo mùa.

Những bãi biển của thành phố Ostend chật như nêm vào mùa cao điểm. Ảnh: Stephan Mignon/Flickr.

Những bãi biển của thành phố Ostend, Bỉ chật như nêm vào mùa cao điểm. Ảnh: Stephan Mignon/Flickr.

Dù giới đầu tư không tiếc tiền đổ vào Ostend, thành phố biển này vẫn chỉ như vùng nước đọng của một con sông. Vào những năm 1980, chính quyền Ostend đã đề xuất và nhận quỹ đặc biệt của châu Âu để hỗ trợ phát triển khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế.

Câu chuyện tương tự xảy ra tại nhiều điểm nghỉ dưỡng. Bởi hạ tầng du lịch chỉ đạt năng suất hoạt động tối đa vào mùa cao điểm, điều ngược lại là bất khả thi và khó có thể tìm ra công năng thay thế để tận dụng chúng vào những thời điểm khác trong năm. Trong khi đó, xây dựng một khách sạn trên một miếng đất vàng có thể giảm giá trị sử dụng khác của khu vực xung quanh như văn phòng, nhà ở, nông nghiệp và công nghiệp, hay khu vui chơi cho người địa phương. Một điểm đến có thể đầy ắp các dịch vụ du lịch, mà không còn chỗ cho cơ sở hạ tầng khác đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Trường hợp điển hình là thác Niagara, kỳ quan nằm trên đường biên giới giữa Mỹ và Canada.

Tệ hơn, do ngày càng nhiều hạ tầng du lịch quy mô lớn thuộc về các công ty toàn cầu, doanh thu sẽ chảy đi nhanh như lúc đổ về một điểm đến. Ví dụ, Alaska là một điểm đến chính của các tour du thuyền. Khi màn đêm buông xuống, du thuyền rong ruổi ngoài khơi và cập bến lúc trời sáng, để khách tham quan các thành phố theo lịch trình. Mỗi ngày, khoảng bốn du thuyền sẽ thả neo ngoài khơi Skagway, một ngôi làng lịch sử với hơn 2.500 cư dân nằm ở cuối vịnh Alaska.

Hè này tôi đã ghé thăm Skagway và phải sửng sốt trước hàng dài hiệu kim hoàn trong làng. Những cửa hàng này chủ yếu bán trang sức có xuất xứ từ Trung Quốc hay Philippines, rõ ràng phải chia lợi nhuận cho những công ty du thuyền để có tên trong danh sách giới thiệu của họ. Tiền sẽ rời khỏi túi người làng Skagway ngay khi khách chi ra. Điều tương tự xảy ra với khoản tiền tại các khách sạn, nhà hàng do các công ty toàn cầu điều hành.

Những tiệm kim hoàn luôn tấp nập khách ra vào trong làng Skagway. Ảnh: Skagway.

Những tiệm kim hoàn luôn tấp nập khách ra vào trong làng Skagway. Ảnh: Skagway.

Một vấn đề khác chính là ngành du lịch có thể tác động đến nguồn đầu tư cho giáo dục. Trong khu vực OECD, trung bình 45% người 25-34 tuổi có bằng đại học, cao đẳng. Nhưng tỷ lệ này của các quốc gia thành viên có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ lại thấp hơn: 43% tại Tây Ban Nha, 34% tại Bồ Đào Nha và 27% tại Italy.

Giáo dục không phải ngành được chú trọng tại các quốc gia đang phát triển dựa vào du lịch. Lý do khá rõ ràng. Trong một nền kinh tế lấy du lịch là trọng tâm (cũng như ngành kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ), lợi nhuận thu về từ giáo dục thấp bởi phần lớn việc làm đều phục vụ du lịch hoặc các ngành khác không yêu cầu bằng cấp.

Thực tế, khách sạn thường chỉ có một số vị trí quản lý và có xu hướng thuê người từ nơi khác tới. Trong khi đó, nhân sự khách sạn lại cần rất nhiều nhân viên vệ sinh, bồi bàn và đầu bếp – những nghề vốn không cần bằng đại học hay cao đẳng. Ngay cả những doanh nhân địa phương cũng không cần qua trường lớp mới có thể mở một nhà hàng hay mô hình kinh doanh phát đạt. Nhưng họ lại không đủ vốn để cạnh tranh với những tập đoàn quốc tế lớn mạnh hơn.

Giáo dục không được chú trọng có thể gây ra nhiều khó khăn hơn. Lương trong ngành du lịch thường không quá cao. Dù công việc có thể dễ kiếm trong mùa cao điểm, nhiều người thường lâm cảnh thất nghiệp vào mùa thấp điểm. Hơn nữa, do đặc thù của ngành du lịch, lương và năng suất tăng không đáng kể trong cả đời người. Khi lương của từng cá nhân thấp, toàn bộ cộng đồng khó có thu nhập cao.

Phát triển nặng về du lịch cũng có thể ngăn trở cạnh tranh. Khi còn ở Việt Nam, tôi từng leo lên một đỉnh núi và chợt muốn tìm thứ gì đó để ăn uống. Những quầy thức ăn hạng xoàng đông nghẹt khách, ai cũng đói ngấu mà không có lựa chọn nào khác.

Khách du lịch là một thị trường có tính tập trung – đó chính là lý do một số điểm đến bị gán danh bẫy du lịch. Và ít người làm du lịch cảm thấy cần phải cung cấp những dịch vụ hay sản phẩm chất lượng cao hơn, vì phần lớn khách chẳng bao giờ quay lại.

Ngành du lịch bùng nổ cũng gây ra nhiều vấn nạn xã hội. Đặc biệt tại các nước đang phát triển, ít động thái từ chính phủ nhằm bảo vệ người dân khỏi các dự án khai thác du lịch quá mức. Tại những nơi nền kinh tế xoay quanh dòng khách đến rồi đi liên tục và chi tiêu mạnh tay, chính quyền thậm chí còn tham gia khai thác và hưởng lợi nhuận từ du lịch. Phần lớn người địa phương phải vật lộn tìm sinh kế.

Các nhà nghiên cứu Dietrich Vollrath, Remi Jedwab và Douglas Gollin của Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế (IGC) tại Anh từng thực hiện bài phân tích “Đô thị hoá có và không có công nghiệp hóa”. Họ chỉ ra vấn đề kinh tế cơ bản của các thành phố phát triển dựa trên nguồn tài nguyên: Dựa trên tiêu dùng nhiều hơn sản xuất.

Tại phương Tây, công nghiệp hóa chính là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế đô thị, đẩy năng suất lao động lên cao, đòi hỏi cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giáo dục, bộ máy quản lý…

Song quá trình này tại các quốc gia đang phát triển lại diễn ra do hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên. Dù một quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ hay khách du lịch, khi nước chảy chỗ trũng thì nền kinh tế sẽ theo định hướng tiêu dùng, nhân công bắt đầu tập trung vào các ngành dịch vụ thay vì sản xuất. Trong một hệ thống như vậy, khi tầng lớp thượng lưu làm giàu với khối tài nguyên khổng lồ họ sở hữu, phần lớn người dân bình thường phải đối mặt với tình trạng đình trệ. Sau tất cả, lợi nhuận từ dầu mỏ hiếm khi được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, quản lý và những chương trình xã hội cần thiết cho tương lai.

Tất nhiên, một quốc gia phát triển công nghiệp hóa quá mức cũng có vấn đề riêng. Những ngành công nghiệp gây ô nhiễm có thể lấn át mọi hoạt động sản xuất khác, hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực tới người dân. Điều đó lý giải việc phát triển đô thị hiện đại lại thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế. Một thành phố càng tạo ra nhiều cơ hội cho công nhân, giám đốc, học sinh… nó càng thu hút nhiều ngành công nghiệp mới. Một thành phố càng có nhiều ngành công nghiệp đa dạng, nó càng có cơ hội lớn hơn để phát triển thịnh vượng, thu hút dân cư mới và cả khách du lịch.

Phát triển cân bằng là một yếu tố mà người làm du lịch cần lưu ý. Ví dụ, sau những cuộc biểu tình của người dân Barcelona, chính quyền đã đóng cửa khách sạn mới mọc lên trong khu vực trung tâm lịch sử của thành phố, hạn chế lượng tàu thuyền cập cảng. Venice cũng giới hạn du thuyền lớn vào thành phố kênh đào này, công dân còn bắt đầu chiến dịch chống Airbnb. Trong khi đó, Amsterdam đã hạn chế hoạt động của dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn trên Airbnb và áp mức thuế tăng cường 6% cho mọi khách sạn.

Biểu tình Venice

 
 

Biểu tình Venice

Người dân chặn đường xe khách, du thuyền… để biểu tình phản đối tình trạng quá tải du khách ở Venice. Video: EuroNews.

Người quản lý tại các thành phố như vậy, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển, cần nhận thức rằng bản thân ngành du lịch không phải gốc rễ của vấn đề, mà chính là sự quá lệ thuộc vào nó. Những thành phố hoàn toàn có khả năng giữ bản sắc riêng khi không để toàn bộ nền kinh tế phát triển xoay quanh dịch vụ dành cho khách du lịch.

Nhật Bản đã thay đổi nhiều. Tại Kyoto, cố đô của xứ sở mặt trời mọc, tôi thường đi xe buýt để ghé thăm những khu vườn thiền định (zen garden) khác nhau trong thành phố. Các khu vườn đông đúc nhưng chủ yếu vẫn là người địa phương, các cửa hàng bán cho du khách chỉ tập trung quanh những điểm tham quan. Về tổng thể, dường như du khách luôn được chào đón, nhưng thành phố vẫn là của công dân Kyoto – các dự án đầu tư đều nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Khách du lịch có thể tận hưởng các công trình hay dịch vụ được đầu tư trong thành phố, song họ không phải nhóm hưởng lợi chính.

Du lịch nên được coi như một lựa chọn bổ sung trong những chiến lược kinh tế. Nó có thể là một con đường để củng cố bản sắc địa phương và thu về lợi nhuận để bảo tồn một nền văn hóa hoặc một danh thắng. Song những nhà quản lý không nên buông lỏng hướng đi của ngành du lịch. Nó có thể mở ra một cánh cửa phát triển kinh tế và xã hội, nhưng cũng có thể nhanh chóng trở thành một cái bẫy theo nhiều cách.

Tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững là nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF). Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.

Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.

Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn