Phát triển hạ tầng du lịch: Tạo đà cho du lịch Ninh Bình “cất cánh”

0
Phát triển hạ tầng du lịch: Tạo đà cho du lịch Ninh Bình “cất cánh”

Ninh Bình là tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, nhiều khu, điểm du lịch của Ninh Bình được du khách trong nước và quốc tế yêu thích, lựa chọn.

Đường vào đền Thái Vi. Ảnh: C.T.V

Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì du lịch Ninh Bình đã chính thức có tên trên bản đồ du lịch thế giới mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” ở đây. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng du lịch xứng tầm với tiềm năng. Điều này được xem là tiền đề, là đòn bẩy để du lịch Ninh Bình hội nhập và phát triển.

Tập trung nguồn vốn cho hạ tầng du lịch

Đánh giá về sự phát triển của ngành Du lịch Ninh Bình, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo. Điều này thể hiện qua việc số lượng khách đến Ninh Bình ngày một tăng cao.

Theo số liệu thống kê năm 2015 toàn tỉnh đón gần 6 triệu lượt khách, tăng 11,74 lần so với năm 2001, tăng trưởng bình quân năm là 20,86%, trong đó khách nội địa đạt 5.400 nghìn lượt, khách quốc tế đạt 600 nghìn lượt, tăng 3,76 lần so với năm 2001. Doanh thu du lịch năm 2015 đạt 1.421 tỷ đồng, tăng 46,5 lần so với năm 2001, tăng trưởng bình quân năm đạt 34,36%; năm 2016, ngành du lịch Ninh Bình đã đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với năm 2015. Đáng chú ý nhất, số lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đã tăng vọt, đạt gần 716.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015. Tổng doanh thu từ du lịch của cả tỉnh năm 2016 đạt trên 1.764 tỷ đồng, tăng trên 24% so với năm 2015.

Có thể khẳng định, đối với ngành Du lịch, hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng cho khai thác một điểm du lịch. Đặt địa vị là khách du lịch, ai cũng muốn đến điểm du lịch một cách dễ dàng, thuận tiện, đồng thời lưu trú và hưởng các dịch vụ theo nhu cầu. Với hạ tầng cơ sở như làm đường giao thông cần có nguồn vốn rất lớn, chính vì vậy cần Nhà nước đầu tư ban đầu để thu hút doanh nghiệp và người dân cùng đầu tư hoàn thiện điểm du lịch.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, có thể thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn từng bước được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch được hoàn thiện và thường xuyên được nâng cấp. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã phát huy hiệu quả như: Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Tràng An, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư; Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; Dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long và đê sông Đáy kết hợp giao thông từ Cúc Phương đi Kim Sơn phục vụ phát triển du lịch…

Bên cạnh đó, đã có nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn của doanh nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ vào điểm du lịch sinh thái Thung Nham, điểm du lịch động Thiên Hà; khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình…

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 60 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký đạt gần 40 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 390 cơ sở lưu trú, trong đó có 41 khách sạn từ 1-2 sao, 4 khách sạn từ 3-4 sao đã được công nhận và 6 khách sạn đầu tư theo tiêu chuẩn 3-5 sao đang hoạt động thử và đưa vào phục vụ du khách… tăng 24,38 lần so với năm 2001, tốc độ tăng trưởng bình quân về cơ sở lưu trú giai đoạn 2001-2015 đạt 27,85%/năm.

Cùng với việc phát triển hạ tầng du lịch, Ninh Bình luôn chú trọng phát triển sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Theo định hướng phát triển du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung thì sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh Ninh Bình sẽ là du lịch sinh thái tập trung tại các Khu hang động Tràng An, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương; loại hình du lịch văn hóa tập trung vào các điểm khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Du lịch tâm linh Bái Đính…

Với tiềm năng lợi thế của mình, Ninh Bình còn có thể phát triển thêm các loại hình du lịch khác như: Du lịch cuối tuần, du lịch trên sông, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch thể thao, du lịch làng nghề… Khuyến khích, ưu tiên đầu tư các cơ sở lưu trú cao cấp, khu dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Cùng với việc phát triển các sản phẩm du lịch nội tỉnh, Ninh Bình đã liên kết đầu tư và phát triển du lịch với Thanh Hóa, Nghệ An và 10 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hòa Bình; liên kết, hợp tác xây dựng tuyến du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Khu Quần đảo Cát Bà và Quần thể danh thắng Tràng An…

Có thể thấy, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, Ninh Bình đã hình thành được mạng lưới du lịch dịch vụ đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về môi trường du lịch luôn được quan tâm. Do đó, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch tại các khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch quan trọng như chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc- Bích Động được chú trọng, đã xây dựng và hình thành Trạm hỗ trợ du khách, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thông tin cho hàng nghìn lượt khách.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Mặc dù cơ sở hạ tầng cho ngành Du lịch trong những năm qua tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng nhưng trên thực tế so với tiềm năng và nhu cầu của du khách khi đến Ninh Bình, đặc biệt trong những mùa du lịch trọng điểm thì cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp, chưa tạo được sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, chủ yếu mới chỉ dựa trên những gì sẵn có, chưa được nghiên cứu đầu tư sâu, đồng bộ, chưa có sản phẩm du lịch mang tính đột phá cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn có sự hạn chế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển du lịch chưa chặt chẽ. Tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch chưa cao và chưa thực sự bền vững. Chất lượng các dịch vụ du lịch còn thấp; các khu, điểm du lịch còn thiếu nhiều dịch vụ đi kèm như dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm…, điều đó làm giảm sức hút với du khách.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của du lịch Ninh Bình trong thời gian tới là tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới.

Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch. Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm như Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, Thạch Bích- Thung Nắng; Công viên động vật hoang dã Quốc gia; Khu du lịch Kênh Gà- Vân Trình, phục dựng quần thể Cố đô Hoa Lư, triển khai dự án tuyến đường Bái Đính – Tam Chúc – Chùa Hương – Hòa Lạc để kết nối du lịch giữa Ninh Bình – Hà Nam – Hà Nội và các địa phương khác.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết: Ngành Du lịch đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng tour, tuyến, hình thành các tour du lịch khép kín trên địa bàn tỉnh. Xây dựng được loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có lợi thế của tỉnh nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách tại Ninh Bình.

Tiếp tục phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất một số mặt hàng lưu niệm của tỉnh như cói, đá mỹ nghệ, mây tre đan, thêu ren, gốm sứ. Bên cạnh đó, phát triển một số sản phẩm du lịch có tính chất văn hóa lịch sử đặc trưng đã được công nhận là bảo vật Quốc gia như: đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo, Cột kinh chùa Nhất Trụ… để phục vụ khách du lịch khi đến với Ninh Bình.

Nguyễn Thơm

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn