Từ ngày 19/11, các cụm rạp mở lại, nhiều phim Việt rục rịch công bố ngày ra mắt. Điện ảnh trong nước tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới.
Covid-19 khiến ngành điện ảnh hứng chịu tổn thất lớn. Tới nay, khi hệ thống rạp bắt đầu trở lại, các nhà phát phát hành vẫn đứng trước nguy cơ “trống ghế” do thị hiếu người xem thay đổi. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng khi một số bộ phim cán mốc doanh thu cao, nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.
Thời thịnh của phim tư nhân
Thị trường điện ảnh Việt Nam 2020 và 2021 đóng băng nhiều tháng, kể khi rạp chiếu đóng cửa do dịch bệnh, khiến đa số dự án bị hoãn lịch ra mắt và sản xuất. Song, hai năm qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của những bộ phim thắng lớn. Theo nhà phát hành, Bố già do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn cán mốc 420 tỷ đồng trên toàn quốc và vượt mốc 1 triệu USD phòng vé ở Mỹ.
Ngoài ra còn có những dự án gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ như Tiệc trăng máu với 175 tỷ đồng, Mắt biếc đạt 180 tỷ đồng, Gái già lắm chiêu 3 thu 165 tỷ đồng, Lật mặt: 48H 152 tỷ đồng, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử 103 tỷ đồng…
Bố già là phim Việt Nam đạt nhiều thành tựu về doanh thu và giải thưởng trong năm 2021. |
Thành công của loạt phim mở ra kỳ vọng về một nền công nghiệp mang lợi nhuận lớn và tạo động lực cho nhà sản xuất mạnh tay đầu tư. Nếu trong những năm trước, chi phí sản xuất dừng ở mức trung bình 10 tỷ thì thời gian qua, con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Kiều 30 tỷ, Gái già lắm chiêu V được rót vốn khoảng 46 tỷ đồng, Trạng Tí phiêu lưu ký 48 tỷ đồng, Lật mặt tính tổng chi phí sản xuất và quảng bá do nhiều lần lùi lịch cũng ngốn trên dưới 50 tỷ.
Hay bộ phim đóng máy tháng 3 vừa qua, Em và Trịnh chi trên 50 tỷ đồng. Điều đó cho thấy việc các nhà đầu tư ngày càng chú trọng chất lượng với mong muốn mang đến những tác phẩm chỉn chu, đáp ứng thị hiếu khán giả.
Trần Nguyễn Bảo Nhân – đồng đạo diễn loạt phim Gái già lắm chiêu – nhận định một trong những thành tựu của loạt phim Việt hai năm nay là sự góp mặt trong các liên hoan phim (LHP).
Anh chia sẻ với Zing: “Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, để có những dự án phim ra rạp phục vụ khán giả là một sự vượt khó rất lớn đối với các nhà sản xuất phim. Việc càng nhiều phim tư nhân tham dự LHP Việt Nam là động lực và sự cổ vũ tinh thần lớn cho các nhà sản xuất tiếp tục vượt khó để phục vụ cho ngành điện ảnh”.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 có số lượng tác phẩm gửi về vượt trội mọi năm cho thấy nỗ lực vượt khó cũng như niềm tin vào điện ảnh Việt của các nhà làm phim. Hạng mục phim truyện gồm 26 tác phẩm hầu hết được đánh giá cao, từ sự trở lại của phim Nhà nước đặt hàng sản xuất, dự án độc lập mang nét chấm phá tới liên hoan cho đến phim các hãng tư nhân từng gây bão gần đây.
Sự đổ bộ của nhiều bộ phim doanh thu cao thổi làn gió mới cho liên hoan phim năm nay và cũng chiếm ưu thế trong cuộc đua giành các giải thưởng Bông sen vàng. Hai hạng mục Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc và Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc là sự đổi mới của liên hoan phim, phù hợp với bối cảnh điện ảnh Việt đang ở giai đoạn phát triển.
Cần tìm bản sắc để chạy đường dài
Không có nhiều phim được ra mắt trong năm 2021, giới mộ điệu dễ nhận ra bên cạnh những tác phẩm thắng lớn thì cũng có những dự án “ngã ngựa” hoặc “không kèn không trống” rút khỏi rạp. Sám hối đầu tư 50 tỷ nhưng thua lỗ tới 49 tỷ đồng, Cậu Vàng chỉ trụ được 2 tuần với doanh thu khiêm tốn 3 tỷ và hứng chịu làn sóng tẩy chay của khán giả, Kiều của Mai Thu Huyền vỏn vẹn 2,7 tỷ và phải chuyển sang chiếu trực tuyến.
Thực tế chứng minh phim đầu tư tiền tỷ không đồng nghĩa bom tấn và ngay cả những kỷ lục phòng vé cũng còn bị hoài nghi về chất lượng. Hiện tượng Bố già gây nhiều tranh cãi nội dung khi kịch bản thiếu sáng tạo hay Ròm, tác phẩm giành giải từ LHP Busan và thu về doanh thu 60 tỷ đồng nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng người xem. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều phim thảm họa với công thức kịch bản cũ kỹ và mánh hài kệch cỡm.
Nhiều người trong ngành nhận định Ròm có kịch bản ở mức ổn, thắng lớn nhờ ra rạp đúng thời điểm. |
Đề tài rom-com hay phim hài thuần giải trí cũng không còn dễ ăn như trước. Khi xu hướng làm phim remake đi qua thì bài toán thiếu hụt kịch bản gốc càng lộ rõ. Nỗ lực đầu tư kinh phí của các nhà sản xuất rất đáng công nhận tuy vậy kỹ xảo điện ảnh hay bối cảnh hoành tráng không thể mang đến thành công cho tác phẩm nếu thiếu đi nội dung đủ sâu sắc và hấp dẫn.
Ý thức được tầm quan trọng của kịch bản, nhiều hãng phim chiêu mộ thêm biên kịch để đa dạng hóa nguồn kịch bản đồng thời tạo ra các cuộc thi, sân chơi ươm mầm tài năng, tạo động lực cho nhà làm phim trẻ phát huy sáng tạo. Một số nhà sản xuất như Lý Hải Production, Blue Productions, Thu Trang Entertainment, Silver Moonlight Entertainment, MAR6… cũng nhân giai đoạn giãn cách để phát triển, củng cố chất lượng nội dung kịch bản.
Với cơn sốt của Netflix và các nền tảng xem phim trực tuyến, khán giả ngày càng có nhiều sự lựa chọn, sàng lọc tác phẩm kỹ càng hơn và gu thưởng thức ngày một nâng cao.
Nhưng không nên coi đây là dấu chấm hết cho nền điện ảnh mà là cơ hội để các nhà làm phim nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng đề tài, khai thác hướng tiếp cận mới, phù hợp nhu cầu thị trường. Điện ảnh luôn có chỗ đứng và hoàn toàn có thể khởi sắc nếu như sớm tìm ra bản sắc và hướng đi đúng đắn.
Nguồn: News.zing.vn