Phố cổ Tây – phố cổ ta

0

Phố cổ Tây có gì giống và khác phố cổ ta? Đó là suy nghĩ của bất kỳ du khách Việt Nam nào khi đến thăm những khu phố cổ bên trời Âu.

Và chúng tôi tất nhiên không thể khác, thậm chí còn tò mò tìm hiểu cặn kẽ, muốn sờ tận tay, nâng lên, đặt xuống… mỗi khi khám phá một di tích được gọi là cổ nơi đây. 

Pho co Tay - pho co ta hinh anh 1

Các quán cà phê vỉa hè ở khu phố cổ Paris. Ảnh: Nguyệt Thơ.

Khi đôi bàn chân vẫn còn đứng nguyên trên tấm bảng Kilometre Zero đặt trên quảng trường trước Nhà thờ Đức Bà Paris của nước Pháp để chiêm nghiệm về sự cổ kính của công trình hơn 100 tuổi, tôi đã nghĩ về cột mốc cây số 0 ở Hà Nội giờ đang ở nơi đâu? Và khi dạo bước bên bờ sông Seine thơ mộng để vào một con phố cổ gần đó, tôi có cảm nhận thấy ngay như đang đi trên phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào… của Hà Nội. Thật tình con đường phố cổ giữa lòng Paris hoa lệ này cũng thật bé nhỏ, cũ kỹ, chỉ rộng vài ba mét, dài vài trăm mét và những nhà hàng nho nhỏ, những quán cà phê, quán bar xinh xinh, những ki ốt bán hàng lưu niệm ken dày. Du khách túm năm tụm ba vui vẻ bên ly cà phê trên những chiếc bàn nhỏ xíu đặt ngay tại vỉa hè, hoặc thanh thản dạo bước, tha hồ ngắm nghía, mua sắm những gì mình thích. Thượng vàng hạ cám, hàng gì cũng có. Một tháp Eiffel, một Nhà thờ Đức Bà, một Khải hoàn môn… những biểu tượng của Paris đủ kích cỡ, màu sắc, chất liệu, được trưng bày và rao bán khắp nơi bởi những anh bạn trẻ da màu luôn nhanh miệng mời chào khách…

Bước vào một quán nhỏ bên đường, cảm giác trước tiên là sạch sẽ, gọn gàng, ấm cúng và yên tĩnh. Bên những ly cà phê nóng thơm ngát hay ly rượu vang đỏ, hồng, trắng là các thực khách người bản xứ trong những bộ đồ giản dị nhưng lịch lãm. Cũng một ly rượu vang trên tay, tôi nhớ về những quán cà phê be bé, chật chội, nhưng cũng rất yên bình và không kém phần lãng mạn trên các con phố nhỏ Thủ đô như cà phê Lâm, cà phê Hói, cà phê Nhân…

Ở Paris có khá nhiều con phố cổ như Mouffetard nằm ở Quận 5 là một trong những trục chính của khu phố La tinh, đặc biệt đông đúc bởi nhiều nhà hàng, quán cà phê và các cửa hàng buôn bán nhỏ. Hay phố Rue des Rosiersvới những công trình cổ điển xen kẽ các quán cà phê đường phố và còn được gọi là “con phố bụi hồng” bởi hàng cây hoa đào luôn rực rỡ chạy dài. Giải thích tại sao Paris là thành phố hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ được những con phố cổ, hướng dẫn viên Lê Thanh Phong cho biết, người Pháp chủ trương hiện đại hóa Paris, nhưng từ rất sớm họ đã quy hoạch giữ nguyên hiện trạng những quận nội ô. Vì vậy, khi đến các quận nội thành Paris giờ đây người ta vẫn thấy một Paris cổ kính, khiêm nhường với những công trình xây dựng hiện đại nhưng không quá đồ sộ. Còn muốn phát triển mở rộng, xây dựng nhà cao tầng, công trình hoành tráng… xin mời ra ngoại thành. Điều này cũng lý giải tại sao ở Paris ít khi xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe. 

Pho co Tay - pho co ta hinh anh 2

Một góc phố cổ Venice. Ảnh: Nguyệt Thơ.

Có dạo phố cổ bên trời Tây mới thấy việc quy hoạch 75 tuyến phố cổ ở Hà Nội, lập chợ đêm, phố đi bộ từ hồ Hoàn Kiếm đến chợ Đồng Xuân hay đường Nguyễn Huệ dành cho người đi bộ ở TP Hồ Chí Minh, là phù hợp với phát triển lâu dài, bền vững của thành phố gắn với ngành du lịch.

Một lần đến thăm di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, những hiện vật tại điện Kính Thiên và chụp ảnh bên đôi rồng đá thời Lý, chúng tôi có cuộc trao đổi với kỹ sư Lê Mạnh Tuấn – nhà nghiên cứu sưu tầm Kỳ thạch Việt – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, anh cho rằng vạn vật hữu linh. Nói về sự linh thiêng của khu phố cổ Hà Nội, có lẽ không mấy ai lại không biết đến sự kiện dời đô từ Hoa Lư về Đại La – Thăng Long của vua Lý Công Uẩn cách đây hơn 1.000 năm, với Chiếu dời đô bất hủ và hình tượng Thăng Long (rồng bay) mà vua Lý Thái Tổ đã thấy trên bầu trời Đại La, chẳng phải là sự hiển linh đáng trân trọng và vô cùng hấp dẫn với mọi du khách đó sao.

Còn khi dạo quanh một vài đường phố cổ, nhỏ bé ở Venice – thành phố của miền sông nước Italia, với san sát các cửa hàng bán đồ lưu niệm, trong đó đặc biệt là các loại mặt nạ hóa trang, trong khi bánh pizza tỏa mùi hương thơm lựng cả con phố, tôi không khỏi liên tưởng đến mùi thơm quyến rũ đặc trưng của món đặc sản Cao Lầu và lung linh ánh đèn lồng muôn màu trên đường phố cổ Hội An, Quảng Nam. Dĩ nhiên, tôi cũng như mọi du khách đến Venice – quê hương sản sinh ra loại bánh pizza nổi tiếng, không ai lại không tự thưởng cho mình một chiếc bánh pizza đặc sản và sở hữu chiếc mặt nạ sống động, ấn tượng.

Thì ra phố cổ ở đâu cũng có nét giống nhau.

Thế nhưng, khi dạo bước trên những con đường trong khu phố cổ ở thành phố Zuyrich, Luceme (Thụy Sĩ). Milano, Florence (Italia) thì lại khác hẳn. Nơi đây không chỉ có một vài con phố cổ mà có thể nói cả thành phố là một đô thị cổ hoành tráng. Nếu ở Zuyrich, được coi là trung tâm lịch sử, văn hóa và xã hội với các tượng đài được dựng từ thời trung cổ, đẹp như tranh vẽ, bao gồm Nhà thờ Grossmunster nằm bên bờ sông Limmat được xây dựng từ năm 820 theo phong cách Romanesque và vô vàn các bảo tàng, thì Lucerme là một trong những thành phố cổ nhất Thụy Sĩ với công trình cầu gỗ nghìn năm Chapel bắc ngang qua sông Reuss, được xây dựng từ thế kỷ XIV. Rồi Nhà thờ Jesuit nằm gần cầu Chapetđược xây dựng vào năm 1666 ngay trong con phố nhỏ với nhiều ngôi nhà cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, thậm chí trên các bức tường nhà còn được trang trí bởi những hoa văn và các bức họa mang đậm phong cách, sắc thái của Thụy Sĩ .

Milano Italia không chỉ là thành phố nổi tiếng về thời trang, đây còn là nơi hội tụ những công trình kiến trúc vĩ đại, các tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị. Đó là Nhà hát La Scala, được xây dựng từ năm 1778, là nhà hát opera số một trên thế giới. Còn đây Nhà thờ Duomo di Milano trên Quảng trường Plazza del Duomo là một kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật, một tác phẩm thi ca bằng đá cẩm thạch, như nhà văn Mark Twain từng ví von. Là nhà thờ lớn thứ ba ở Châu Âu được xây dựng vào năm 1386 và phải mất 600 năm mới hoàn thành. Rồi nhà hàng Antico Ristorante Boeucc cổ xưa nhất ở Milan mở cửa từ năm 1696, chuyên phục vụ du khách những món ăn truyền thống Italia, nay vẫn tồn tại như một công trình cổ trên con phố cổ và bao giờ cũng là nơi thu hút rất đông du khách thập phương. Có nhiều giả thuyết cho rằng, sở dĩ mặt đường không bằng phẳng, có viên đá lớn, đá nhỏ, sù sì là do những phiến đá này được lát cách đây cả nghìn năm và được vận chuyển từ những nơi cách xa Florence cả nghìn cây số. Những ngôi nhà trong phố cổ nơi đây, tuy cũ kỹ, rêu phong, tường mủn, bong tróc… nhưng không hề nhỏ bé, thậm chí đồ sộ và được bảo tồn khá nguyên vẹn. Không xa khu phố cổ là Quảng trường Thánh Davis với bức tượng trắng toát, sừng sững, uy nghi giữa bầu trời xanh. Và khi đến Roma với các công trình cổ kính, lâu đời còn được coi là những kỳ quan của nhân loại, như đấu trường cổ La Mã, Vương cung thánh đường, đài phun nước, quảng trường, nhà thờ, các tượng thần, pháo đài… với nghìn năm tuổi thì không chỉ là cổ nữa mà là rất cổ.

Tuy vậy, khi đứng trước những di tích, những kỳ quan với 2.000 năm tuổi và các công trình cổ kính khác của trời Âu, tôi không thể không liên tưởng đến những di tích và phố cổ ở Việt Nam. Hoàng thành Thăng Long, một “bộ sử sống” với chiều dài hơn 10 thế kỷ của Thăng Long – Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội xinh xắn duyên dáng, nép mình bên con Sông Cái (Sông Hồng đỏ rực phù sa). Phố cổ Đồng Đăng (Lạng Sơn) muôn đời vững vàng dựa vào vách núi. Phố cổ Hội An êm đềm bao đời nay bên những dòng sông, cửa biển với Chùa Cầu đón khách phương xa (Lai Viễn Kiều), thử hỏi có nơi nào cổ kính lại hiếu khách, thân thiện như thế?

Thật lãng mạn, tự hào và gần gũi biết bao!

Nguồn: News.zing.vn