Phố Hội mê hoặc trong Tết Nguyên Tiêu

0
156

Phố Hội vào rằm tháng Giêng đón Tết Nguyên Tiêu càng trở nên đông đúc, rộn ràng, có tiếng ca bài chòi hồ hởi, tiếng đàn bầu, đàn nhị hợp ca tha thiết những ca khúc quê hương.

 

Sông Hoài đêm nay cũng được thắp sáng bởi hàng trăm chiếc đèn hoa đăng. Tất cả tạo nên một phố Hội đầy âm sắc của vùng đất xứ Quảng.

 

Khi tiếng trống sân bài chòi vang lên, tiếng hô của người hát làm bước chân của du khách nhanh hơn để kịp đến thưởng thức những làn điệu dân ca, nghe hát đối đáp với những thẻ bài có cái tên rất lạ như tám giây, bảy giày, mỏ, nghèo,… mà chất chứa trong đó là những câu ca về quê hương, đất nước.

 

Tết Nguyên Tiêu là ngày rằm đầu tiên của năm tính theo lịch âm. Phố Hội xưa là nơi sinh sống của nhiều người Hoa nên dù cuộc sống phát triển, những người dân các thế hệ sau này vẫn giữ nếp mừng Tết Nguyên Tiêu cho đến ngày nay.

 

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngày Tết Nguyên Tiêu phố Hội đang trở nên mang nhiều âm sắc với nhiều hoạt động được rải khắp theo suốt chiều dài phố cổ.

 

Rộn ràng nhất vẫn là khu vực gần Chùa Cầu với sân bài chòi chật kín người chơi đến tận khuya, tiếng trống hát bội ngày Nguyên Tiêu cũng rộn vang hơn trong câu xướng. 

 

Với những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, bài chòi và hát bội đang dần trở thành một hoạt động thường niên vào đêm 14 âm lịch hàng tháng. Ghé thăm Hội An Tết Nguyên Tiêu, đêm rằm đầu tiên của năm mới, tinh thần của những người làm công việc lưu giữ văn hóa quê hương cũng phấn khởi hơn, ông Ba, người đánh trống hát bội cho hay: “Mới được đưa vào hơn nửa năm nay nhưng bà con ủng hộ nhiều lắm, du khách cũng háo hức. Mình phải gìn giữ để  sau này con cháu vẫn còn nghe và biết hát bội, hát dân ca”.

 

Đi xa về phía chợ, ở những con phố chính, du khách có thể bất ngờ khi nghe được những âm thanh tha thiết được hợp tấu bởi đàn nhị, sáo, ghita. Đó là những người nhạc công mà bạn có thể tìm thấy trước một ngôi nhà cổ, một bảo tàng đang chơi những bài ca đầy ngẫu hứng. Tiếng hát mượt mà của cô gái nhỏ trong lớp học hát dân ca đêm nay cũng cuốn chân người du khách dừng lại, lắng nghe câu ca xứ Hoài. Hay hình ảnh hai ông cụ với áo dài, ngồi đánh cờ với 2 ngọn nến cũng khiến phố Hội thật da diết làm sao! Bởi đó điều là hình ảnh của quê hương, của những ngày tưởng chừng xưa cũ, nay bỗng trở về, tại hiện lại ngay trên con đường phố cổ.

 

18 giờ, các công trình chiếu sáng công cộng ở khu phố cổ được tắt, các nhà trong khu vực này cũng được quy định hạn chế ánh sáng điện thì cũng là lúc những chiếc đèn lồng đỏ, vàng được thắp sáng. Hội An bấy giờ lung linh hơn bao giờ hết. Du khách có thể tìm đến những quán cà phê, nhà hàng với nhiều không gian cổ kính, hiện đại khác nhau. Nhưng thích nhất khi đến phố Hội lúc này là đi dạo dọc bờ sông Hoài, ngắm hàng trăm chiếc đèn hoa đăng lấp lánh trên mặt sông, hay bắt gặp những cô cậu bé trong chiếc áo bà ba đi rao bán nhưng mâm đèn. Đến đây bạn sẽ hiểu, cuộc sống hiện đại gần như không ảnh hưởng đến nơi này, những hình ảnh các bà các mẹ quảy gánh chuối vẫn còn đó, những cô cậu bé hồn nhiên vẫn được tìm thấy ở phố Hội sông Hoài.

 

Đi dọc theo các tuyến phố cổ, du khách còn có thể được thưởng thức những món ăn dân dã đúng cách xứ Quảng. Đó là ngồi vỉa hè, ăn trong ánh sáng của đèn dầu, đèn bão, ăn bánh bèo (loại bánh làm từ bột gạo) bằng xiên tre, hay ghé vào hít hà mùi bắp nướng, bánh khoai nướng đang được các chị trở đều tay trên bếp than hồng. Có như vậy, bạn mới thưởng thức trọn vẹn những âm, sắc, vị của Hội An đang giữ trong mình.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn