Phó Thủ tướng cho rằng trong tương lai, Cao Bằng phải tập trung phát triển hạ tầng cơ sở đồng thời xây dựng quy hoạch về du lịch là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Trong đó, Phó Thủ tướng gợi ý cho Cao Bằng phát triển du lịch nông thôn gắn với tự nhiên và các di tích lịch sử của đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới thăm Trường Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng và trao tặng 50 suất học bổng cho các em học sinh giỏi của trường
Chiều 15/3, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã làm việc với tỉnh Cao Bằng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao khí thế và khát khao vươn lên của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng trong những năm vừa qua. Mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng thu ngân sách của địa phương luôn vượt kế hoạch trung ương giao, đạt gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Xu hướng thu hút đầu tư vào Cao Bằng tích cực với 42 dự án đầu tư nông nghiệp, nông thôn có giá trị trên 2.000 tỷ đồng, đầu tư vào các khu kinh tế, cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu tương đối sôi động với giá trị hai chiều gần 3 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cho rằng trong tương lai, Cao Bằng phải tập trung phát triển hạ tầng cơ sở đồng thời xây dựng quy hoạch về du lịch là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Trong đó, Phó Thủ tướng gợi ý cho Cao Bằng phát triển du lịch nông thôn gắn với tự nhiên và các di tích lịch sử của đất nước.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể và Hợp tác xã, Phó Thủ tướng đánh giá Cao Bằng đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong hỗ trợ tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ,…
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số lượng HTX đã tăng 4 lần, lên 247 HTX đang hoạt động, tổng vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất, tới hơn 42%, còn lại trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ… Ở Cao Bằng không có HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và nhà ở.
Doanh thu bình quân năm 2018 là 1,055 tỷ đồng/HTX, tăng 600 triệu đồng so với năm 2003. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX năm 2018 là 4 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2013 (năm ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi), gấp 7,2 lần so với năm 2003.
Các HTX đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách địa phương, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 12/2018, các HTX đóng góp cho ngân sách của tỉnh được 16,38 tỷ đồng chiếm 1,33% trong tổng thu nội địa, tăng 8 lần so với với năm 2006, bằng 99,36% so với thực hiện 2017.
Công tác phát triển HTX của tỉnh vẫn còn gặp nhiều hạn chế về kỹ năng quản lý, chậm đổi mới công nghệ, lúng túng trong lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng vốn tín dụng rất quan trọng với HTX nhưng mới chỉ có 41 HTX vay vốn ngân hàng thương mại.
Về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Cao Bằng quan tâm phát triển HTX ở các lĩnh vực đầu vào và lĩnh vực đầu ra cho dịch vụ, sản xuất; tích cực thực hiện các thủ tục xoá nợ khê đọng của HTX cũ, tạo điều kiện cho các HTX chuyển đổi sang hình thức mới; gắn phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa giá trị thương hiệu, chất lượng của các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2004 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã chuyển các nông, lâm trường quốc doanh thành các công ty cổ phần và công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Cao Bằng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp, tổ chức thuê là 36.226 ha.
Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết các công ty sau khi cổ phần hóa đã tiến hành thực hiện thuê đất, tổ chức sản xuất, kinh doanh tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành, cơ bản phù hợp với với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đa số các công ty đều hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu cho công ty, giải quyết việc làm cho người dân và đóng góp vào ngân sách của tỉnh.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Cao Bằng và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước bố trí nguồn lực để tăng vốn điều lệ cho các công ty của địa phương.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm Trường Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng và trao tặng 50 suất học bổng cho các em học sinh giỏi của trường.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn