Phòng trưng bày Apollo đón khách tham quan

0
186

Sau 3 năm sửa chữa, phòng trưng bày Apollo thuộc bảo tàng Louvre (xây dựng 350 năm trước) tôn vinh vua Louis XIV vừa mở cửa đón du khách trở lại. Đây là nơi trưng bày nhiều kiệt tác nghệ thuật: 41 bức tranh (trong đó có tranh Thần Apollo giết mãng xà của hoạ sĩ Delacroix), 118 tượng thạch cao và 28 tấm thảm thêu.

Hơn 200 năm qua, nhiều nghệ sĩ Pháp góp phần hoàn thiện vẻ quyến rũ của phòng trưng bày này. Từ nay, chức năng trưng bày báu vật của các hoàng đế Pháp của phòng trưng bày Apollo được khôi phục. Công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những món trang sức vua và hoàng hậu Pháp sử dụng trong lễ đăng quang.

a

Bên trong nhà trưng bày Apollo – bảo tàng Louvre.

Với chiều dài 61,34 m, chiều rộng 19,46 m và cao 15 m, phòng trưng bày Apollo có một vị trí đặc biệt trong lịch sử các phòng trưng bày ở Pháp. Vua Louis XIV trẻ tuổi chọn mặt trời làm biểu trưng của mình và ra lệnh cho kiến trúc sư Louis Le Vau xây dựng phòng trưng bày mang tên thần mặt trời Apollo. Hoạ sĩ Charles Le Brun, đệ nhất hoạ sĩ của hoàng gia, chịu trách nhiệm trang trí. Ông đã tới tham quan thành Rome và rất ấn tượng với trường phái mỹ thuật baroque và phong cách trang trí lộng lẫy của thành phố này, nhất là của phòng trưng bày Farnese (Ông không biết rằng, hai thế kỷ sau đó, nơi này trở thành Đại sứ quán Pháp ở Italy và trường Lịch sử và khảo cổ Pháp). Le Brun thiết kế mái vòm của phòng trưng bày Apollo theo cách thể hiện của trường phái ảo tưởng, với kiểu thiết kế không cân xứng, khiến ánh sáng tự nhiên có thể chiếu sáng phòng qua 14 khung cửa sổ từ hai phía nam và đông. Phòng tranh nằm vuông góc với sông Seine nên du khách có thể ngắm dòng sông từ khung cửa sổ.

Le Brun quyết tâm thể hiện huyền thoại về thần mặt trời Apollo và tôn vinh vương triều Louis XIV. Ông sử dụng vật trang trí là tranh, tượng và thảm thêu với chủ đề mặt trời và chuyển động của mặt trời trong vũ trụ (trái đất, các đại dương và lục địa), thời gian (giờ, tháng và các cung hoàng đạo). Ông vẽ 3 bức tranh: Neptune là bức tranh vẽ trên mái vòm, hai công trình khác là tranh sơn dầu và được dính lên trần nhà. Bốn nhà điêu khắc tài năng nhất của triều đại Louis XIV sáng tạo ra 36 nhóm tượng thạch cao để trang trí cho các chân đế của mái vòm.

a

Viên kim cương Régent được trưng bày tại bảo tàng.

Tuy dành nhiều tâm huyết cho Louvre nhưng năm 1678, vua Louis XIV chuyển tới Versailles chứ không thích ở cung điện Louvre. Tất cả kinh nghiệm về tính thẩm mỹ và kiến trúc khi xây phòng trưng bày Apollo chỉ là bước đệm để ông cho xây dựng Phòng Gương ở cung điện Versailles. Charles Le Brun lại dành tâm huyết và tài năng để trang trí cho công trình mới. Nhưng phòng trưng bày Apollo không bị lãng quên. Học viện Mỹ thuật và điêu khắc hoàng gia Pháp chuyển tới đây năm 1692. Trong suốt thế kỷ 18, các nghệ sĩ trẻ muốn nổi danh đều phải có một tác phẩm “chào hàng” đặt trên những khoảng trống của trần nhà. Cuối cùng, vào thế kỷ 19, kiến trúc sư Félix Duban sắp xếp lại tất cả các tác phẩm của Cựu Louvre (được chuyển vào trung tâm bảo tàng Nghệ thuật sau cuộc cách mạng 1798), đặc biệt là ở phòng trưng bày Apollo.

Công cuộc tu bổ phòng trưng bày này trong thời kỳ hiện đại kéo dài 3 năm (2001-2004), tiếp nối những ý tưởng bị bỏ dở của Duban và dựa vào những phác hoạ ban đầu của Louis Le Vau và Charles Le Brun. 50 nhà quản lý, kiến trúc sư, thủ thư, thợ mộc, thợ lát sàn và các chuyên gia phục chế tranh, tượng thạch cao và mạ vàng, các nhà hoá học, vật lý, chuyên gia ngành X-quang và các nhà thiết kế ánh sáng đã tham gia với quá trình tu sửa. Công ty dầu khí Total của Pháp tài trợ 4,5 triệu euro trên tổng chi phí 5,2 triệu euro của dự án. Đổi lại, 130.000 nhân viên của công ty được vào thăm bảo tàng Louvre miễn phí trong 10 năm.

a

Vòng cổ của Hoàng hậu Marie-Louise.

Những báu vật gia bảo của nhiều đời hoàng đế Pháp cũng được quay lại mái nhà xưa. Trong đó, có nhiều món đồ như viên kim cương “Régent” 140 carat nổi tiếng – một trong những viên kim cương đẹp nhất thế giới hiện nay, có độ trong suốt đặc biệt với chất lượng thượng hạng, chuỗi vòng cổ bằng kim cương và ngọc lục bảo cùng đôi hoa tai do Napoleon I tặng cho hoàng hậu Marie-Louise khi bà sinh cho ông một cậu con trai.

 H.T. (theo Louvre.fr)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn