Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh trong 3 ngày đầu sau tiêm, phụ huynh cần chú ý diễn biến sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
20h ngày 29/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng và bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP.HCM, lên sóng livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” với chủ đề “Kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ – Những điều cần biết”.
Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine rất thấp
Trên sóng livestream, chị Ánh Hồng đặt câu hỏi trẻ em có bệnh nền được tiêm vaccine ở đâu, nguy cơ phản ứng nặng ở trẻ em sau khi tiêm vaccine Covid-19.
Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết từ ngày 27/10, TP.HCM dự kiến tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi trong 7 ngày cho khoảng 780.000 trẻ em. Thời hạn tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cách liều đầu tiên là 3-4 tuần.
Với các cháu có vấn đề sức khỏe, béo phì hay bệnh nền (huyết áp, ung thư…), sau khi nhận được thư mời tiêm vaccine, các phụ huynh vẫn cứ đến điểm tiêm bình thường. Lúc này, bác sĩ tại điểm tiêm sẽ khám sàng lọc để đánh giá các cháu có đủ điều kiện tiêm hay không.
Điểm tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh 16-17 tuổi ở huyện Củ Chi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tình huống đầu tiên là đủ điều kiện, các cháu sẽ được tiêm tại chỗ. Tình huống thứ 2 là các cháu thuộc nhóm phải hoãn tiêm, lúc này phải chờ thêm thời gian sau. Trường hợp thứ 3 thuộc nhóm thận trọng khi tiêm vaccine, lúc này, điểm tiêm sẽ viết giấy chuyển viện để các cháu được tiêm ở bệnh viện.
Về phản ứng sau tiêm ở trẻ em, bác sĩ Hưng cho biết tỷ lệ phản ứng nặng rất thấp. Tuy nhiên, sau khi tiêm, phụ huynh phải theo dõi các cháu trong vòng 28 ngày, đặc biệt là 3 ngày sau khi tiêm, để mắt đến các cháu suốt 24/24 để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra, sau tiêm vaccine, các cháu cũng không nên vận động nặng, cần nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước. Nếu có triệu chứng đau đầu, đau cơ, sốt… phụ huynh cần liên hệ nhân viên y tế (số điện thoại theo giấy tiêm chủng) để được hướng dẫn xử lý.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong 3 ngày tiêm vaccine cho trẻ em, công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, trật tự, các em học sinh ngoan ngoãn, nghe lời người lớn.
TP.HCM tiêm vaccine cho người trở về thành phố
Anh Nhật Anh nói rằng anh là chủ nhà hàng, trong đợt giãn cách xã hội, nhà hàng phải đóng cửa toàn bộ, nhân viên về quê. Hiện tại, điều kiện để nhân viên trở lại thành phố làm việc ra sao nếu họ chưa tiêm đủ liều vaccine.
Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết đây là tình huống nhiều người gặp phải.
“Thành phố hiện nay không chỉ tiêm vét cho người dân mà còn triển khai tiêm cho trẻ em. Do đó, với người lao động trở lên thành phố cũng sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19”, bác sĩ Hưng nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng. Ảnh: Chí Hùng. |
Có 2 cách để người lao động ngoại tỉnh đăng ký tiêm vaccine ở TP.HCM. Thứ nhất là liên hệ chính quyền địa phương, trình bày tình trạng tiêm chủng để đặt lịch tiêm.
Thứ 2 là doanh nghiệp rà soát danh sách người lao động chưa tiêm và phối hợp địa phương để tiêm. Nếu doanh nghiệp có đông người lao động, tổ y tế sẽ trực tiếp đến công ty để tiêm vaccine.
F0 có thể ngồi ngay trong các hàng quán
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết đáp ứng mong mỏi của một bộ phận công chúng, thành phố đang thí điểm cho phép bán rượu bia tại TP Thủ Đức và quận 7.
“Tuy nhiên, sau vài ngày tới đến 2 tuần sau, nếu số ca nhiễm tăng vọt trở lại thì có thể thành phố sẽ phải có mức kiểm soát cao hơn. Đóng cửa hoài không thể được nhưng nếu mở hoàn toàn, người dân chủ quan thì không khác gì đốt bỏ đi tất cả nỗ lực của chúng ta từ trước đến nay”, bà Lan nói.
Người dân ăn uống, nhậu ở tại các hàng quán ven đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) trong ngày đầu phục vụ tại chỗ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bà Lan cũng nói thêm luật không cấm người dân từ các quận, huyện khác di chuyển về TP Thủ Đức hay quận 7 để uống rượu bia, nhưng điều này không mang lại lợi ích nếu chẳng may lây nhiễm SARS-CoV-2.
“Các hàng quán ăn uống đông đúc nguy hiểm trùng trùng, do đó, chúng tôi yêu cầu công suất giảm 50% khách, người dân ngồi ăn uống cũng nên giữ khoảng cách, ngồi cách xa nhau, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân”, bà Lan nói thêm.
MC Quyền Linh cũng khuyến cáo thêm chúng ta nên đặt nỗi sợ lên vì rất có thể trong hàng quán vẫn có F0 ngồi đó. Vì vậy, khi thấy những hàng quán đông đúc quá thì cũng không nên đến, đừng chủ quan vào vaccine.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng khẳng định vaccine không bảo vệ 100% nguy cơ nhiễm và vẫn lây lan virus SARS-CoV-2 cho người khác.
Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP.HCM nhìn nhận ăn uống tại hàng quán khó đảm bảo 5K triệt để, tuy nhiên, giai đọan này, việc ăn uống cũng nên đổi phong cách, đừng bắt tay, nói chuyện, ôm… bởi đó là những hành động rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm virus cao. Thậm chí, tại quán cà phê, nhiều người vô tư mở khẩu trang hút thuốc, ăn uống, điều này cũng rất nguy hiểm.
“Rượu bia và khói thuốc lá không diệt được virus gây Covid-19”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến chiều 29/10, thành phố có 977 ca F0 mới, giảm hơn ngày hôm qua. Số ca khỏi bệnh là 718, ca tử vong 25. Theo bác sĩ Hưng, đây là những con số khá lạc quan về tình hình dịch ở thành phố.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn