Trước tuyên bố đảm bảo quyền bình đẳng của Taliban, một số người phụ nữ tại Afghanistan hoài nghi, khẳng định làm mọi thứ để không đánh mất quyền tự do họ đã đấu tranh suốt 20 năm.
Hôm 17/8, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi tiếp quản Kabul, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid, cho biết phụ nữ sẽ có quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đi làm. Người phát ngôn khẳng định phụ nữ sẽ “hạnh phúc” trong khuôn khổ của luật Hồi giáo Sharia, theo Reuters.
Đặc biệt khi đề cập đến vấn đề phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Mujahid cho biết điều đó sẽ phụ thuộc vào luật ban hành bởi chính phủ mới ở Kabul.
Cùng ngày, phát ngôn viên Taliban lần đầu lên sóng truyền hình với nhà báo nữ của đài truyền hình tư nhân Tolo.
Tuy nhiên, nhiều người lo sợ những tuyên bố đó sẽ khác biệt hoàn toàn so với hành động của lực lượng này.
“Thời thế đã thay đổi”, Khadija – người điều hành một trường tôn giáo dành cho nữ sinh ở Afghanistan – cho biết. “Taliban biết rằng họ không thể bịt miệng chúng tôi. Nếu họ cắt Internet, cả thế giới sẽ biết trong vòng chưa đầy 5 phút. Họ sẽ phải chấp nhận chúng tôi là ai và những gì chúng tôi đã trở thành”.
Xe chở phụ nữ và trẻ em ở tỉnh Herat của Afghanistan vào ngày 1/8. Ảnh: AP. |
Nhà hoạt động vì giáo dục trẻ em gái Afghanistan Pashtana Durrani cũng cảnh giác trước lời hứa của Taliban.
“Nói phải đi đôi với làm. Nhưng hiện họ không làm điều đó”, cô chia sẻ với Reuters. “Nếu họ hạn chế chương trình giảng dạy, tôi sẽ tải sách lên thư viện trực tuyến. Nếu họ hạn chế Internet, tôi sẽ gửi sách đến tận nhà. Nếu họ hạn chế giáo viên, tôi sẽ tổ chức trường học một cách bí mật”.
Một số người cho rằng cam kết của Taliban đối với quyền bình đẳng sẽ thể hiện ở việc liệu lực lượng này có giao cho phụ nữ công việc liên quan đến chính trị và hoạch định chính sách hay không.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) bày tỏ sự lạc quan thận trọng về việc hợp tác với các quan chức Taliban khi nhìn thấy những dấu hiệu ủng hộ giáo dục trẻ em gái của tổ chức này.
Tuy nhiên, theo một tuyên bố hôm 15/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan tâm đặc biệt “đến tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, nhóm người cần phải được bảo vệ”.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Taliban đã yêu cầu 9 phụ nữ đang làm việc tại ngân hàng thương mại ở Kandahar rời khỏi văn phòng với lời giải thích công việc của họ “không phù hợp”. Thay vào đó, Taliban cho biết họ có thể đưa những người thân là nam giới tới thế chỗ.
Theo Reuters, dưới sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ không được đi làm, trẻ em gái không được đi học. Phụ nữ phải che mặt và nếu muốn rời khỏi nhà, họ phải đi cùng với một người thân là nam giới.
Những người vi phạm quy tắc đôi khi phải chịu sự sỉ nhục và đánh đập công khai bởi cảnh sát tôn giáo của Taliban.
Nguồn: News.zing.vn