Phú Thọ: “Mường Cúc” vui hội Xuống đồng

0
172

Theo truyền thống người Mường xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn lễ hội Xuống đồng được tổ chức vào ngày mùng 7, 8 tháng giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, bà con nô nức mở hội, tổ chức rước vía lúa cầu xin tổ tiên, mường trời, thần linh ban cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, nhân khang, vật thịnh…

Tương truyền rằng: Vía lúa chính là nàng cơm, nàng gạo từ Mường trời cùng Bà Cúc về lo cho mùa màng được no đủ ở Mường người. Khi được người Mường rước vía lúa, hồn lúa ở lại với người cho thóc đầy bồ, ngô đầy thúng, trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng, con người bình an, mạnh khỏe, cuộc sống người Mường ngày càng ấm no.

Đối với người Mường xã Thu Cúc, lễ hội Xuống đồng là dịp trọng đại, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp trong một năm mới. Lễ hội Xuống đồng gồm có 2 phần chính, phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, dân làng chuẩn bị cỗ cúng và quan trọng nhất là vía lúa để dâng cúng. Phần hội là các tiết mục văn hóa, văn nghệ, diễn xướng dân gian, tổ chức vui chơi thể thao…

Người Mường xã Thu Cúc từ buổi sơ khai đã luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người cai trị “Mường Cúc” lúc đó là Ngài Cúc đã sinh hạ được người con gái thông minh, xinh đẹp, giỏi giang hơn người. Vào năm hạn hán kéo dài, ruộng nương khô cạn, nàng đã xin cha lên đường đi tìm giống lúa về cho dân làng. Vượt qua khó khăn, gian khổ, nàng đã tìm được giống lúa quý nhưng khi trở về gần đến Mường mình thì bị hãm hại. Ngài Cúc cùng dân làng nghe tin đã đi tìm khắp nơi nhưng không thấy nàng, chỉ thấy trên đất còn sót lại một bó lúa quý. Xót thương người con gái, Ngài Cúc đã lập miếu thờ để tưởng nhớ nàng, cái tên Nàng Cúc được dân làng gọi từ đó. Có được giống lúa, dân làng phấn khởi gieo trồng nhưng lúa không xanh tốt, trĩu hạt như người Mường Cúc mong đợi. Thầy Mo Mường đi hỏi thần Núi mới biết rằng Vía Lúa đã bỏ đi cùng Nàng Cúc, từ đó vào ngày 7, 8 tháng Giêng hàng năm, bà con nô nức mở hội, tổ chức lễ rước Vía Lúa, cầu xin tổ tiên, mường trời, thần linh ban cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn gà đầy chuồng, con người được bình an, khỏe mạnh…

Lễ rước Vía Lúa năm nay được huyện Tân Sơn, tổ chức gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc quy mô cùng nhiều hoạt động phong phú như: Thi kéo co, bóng chuyền, hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ dân gian… Trong ngày hội, những nét văn hóa đặc trưng gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã được phô diễn với những hình thức thể hiện phong phú và hấp dẫn, tạo dấu ấn trong lòng bà con địa phương và du khách gần, xa đến tham dự và vui chơi. Với những làn điệu hát Ví, hát Rang của người dân tộc Mường cất lên ngọt ngào; điệu múa ô, múa khèn mềm mại uốn lượn của dân tộc Mông làm cho lòng người say đắm; điệu múa Sinh Tiền, tiếng Đuống, tiếng cồng, chiêng vang vọng vừa linh thiêng vừa huyền bí… Với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, vận động viên đã mang đến lễ hội những tiết mục diễn xướng dân gian độc đáo, đặc sắc, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với các hoạt động thể thao truyền thống như bóng chuyền, kéo co sôi động…  tất cả cùng hòa quyện, tạo nên bầu không khí hấp dẫn níu bước chân người.

3 năm trở lại đây, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn được tổ chức gắn với lễ hội Xuống đồng của người Mường xã Thu Cúc nhằm tăng cường sự giao lưu giữa các xã trên địa bàn, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tờ mờ sáng ngày 8 Tết Bính Thân, trên đường về Thu Cúc, mưa xuân buông từng sợi dài, giăng mắc khắp các thung lũng, triền đồi, mưa lăn từng giọt trên cành hoa, mép lá đánh thức những nụ, những chồi còn ngủ say trong lớp vỏ cây sần sùi… Trên sân vận động nằm ở trung tâm xã râm ran tiếng nói, tiếng cười, nhộn nhịp trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng, vui mắt trong sắc màu trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc. Các chị, các mẹ diện những bộ váy, áo đẹp nhất, các thiếu nữ xúng xính trong trang phục truyền thống, những khuôn mặt rạng ngời, những nụ cười e ấp…

Lễ hội Xuống đồng đã và đang phát huy vai trò tích cực giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và bà con nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn