Phú Yên: Để di sản Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thành sản phẩm du lịch

0
Phú Yên: Để di sản Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thành sản phẩm du lịch

Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H’roi và Ba Na thôn Xí Thoại được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia vào tháng 2/2016. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cần đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị để trở thành sản phẩm du lịch.

Từ di sản văn hóa 

Theo già làng La Chí Thái và nhạc sĩ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc K’pá Y Lăng, người con ưu tú của đồng bào Ba Na làng Xí Thoại, bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm H’roi ở thôn Xí Thoại nói riêng và cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung ở Phú Yên. Đây cũng là bộ nhạc cụ độc đáo bởi có sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu của cả trống đôi, cồng ba, chiêng năm; khi biểu diễn lại kết hợp với ngôn ngữ hình thể, nên có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào, luôn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ và phát huy… 

Mỗi dịp lễ hội khác nhau, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm đều có những ý nghĩa và giá trị riêng mang triết lý sâu sắc. Trong lễ cầu hôn, tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm như nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau bền chặt, thủy chung. Trong những cuộc sinh hoạt làng, nó tạo sự gắn kết, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Còn trong đám ma, nó như buồn bã, nỉ non, chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình và thể hiện sự tiếc thương của cộng đồng. Hay khi giữa các buôn làng có chuyện xích mích, trống đôi, cồng ba, chiêng năm lại được mang ra biểu diễn như một lời hòa giải… 

Đối với người dân nơi đây, tiếng cồng chiêng, trống đôi đã trở thành một phần máu thịt. Như cách nói của nhà thơ, nhạc sĩ K’pá Y Lăng …Tiếng chiêng Xí Thoại vang lên/ Là câu mẹ hát yêu con/ Lời bà ru cháu, lời H’mon già làng/ Là triệu hoa lá rung ngàn chồi non. “Tiếng cồng chiêng, trống đôi mỗi khi vang lên là mang cả hồn của đất, của cây, của trời, của gió, của mưa, của trăng thanh gió mát, của ngọn lửa ấm hùng thiêng, ngàn năm còn đó tổ tiên vọng về…”, nhạc sĩ này trải lòng. 

Còn theo già làng La Chí Thái, là người con của làng Xí Thoại, già vô cùng tự hào khi truyền thống văn hóa của cha ông để lại được Nhà nước trân trọng công nhận là di sản cấp quốc gia. Già sẽ có trách nhiệm cùng với con cháu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong đời sống cộng đồng mình. 

Đến sản phẩm du lịch văn hóa  

Di sản văn hóa nghệ thuật Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cùng không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Ba Na ở Đồng Xuân là tài nguyên nhân văn vô cùng quan trọng. Đây cũng là giá trị có thể khai thác, phát triển để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. 

Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Ba Na và Chăm H’roi rất độc đáo. Độc đáo ở nghệ thuật trình diễn phối hợp hài hòa giữa các loại nhạc cụ, đặc biệt là sự biến ảo của trống đôi. Về với Đồng Xuân, ngoài trải nghiệm các lễ hội văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của đồng bào, du khách còn có thể nhảy múa bên những cô gái chàng trai buôn làng trên nền thanh âm của trống đôi, cồng chiêng dưới ánh lửa bập bùng và bên những ché rượu cần thơm nồng”. 

Sự độc đáo của di sản văn hóa Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là không cần bàn cãi. Nhưng từ di sản văn hóa đến trở thành sản phẩm du lịch văn hóa không đơn giản. Ông Lê Văn Thải, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Du lịch Mắt Rồng, cho biết: “Bên cạnh di sản cần có thêm không gian văn hóa, có thêm các điểm dịch vụ, các điểm đến để du khách tham quan ví dụ như làng dệt thổ cẩm, các suối, thác nước tự nhiên có thể phát triển dịch vụ để trở thành điểm đến, dịch vụ nhà hàng, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên hiện nay, huyện Đồng Xuân chưa có những điều kiện này”. 

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, để phát triển du lịch, trước mắt, huyện tiếp tục bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Nghệ thuật biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm. UBND huyện cũng đã xây dựng và ban hành đề án Phát triển văn hóa, du lịch thôn Xí Thoại và Hà Rai (xã Xuân Lãnh). Trong đó có nhiều phần việc cơ bản đã thực hiện như: điều tra, khảo sát, tuyên truyền, vận động người dân ở đây tham gia bảo tồn văn hóa, vệ sinh môi trường; kiện toàn lại đội cồng chiêng, vận động thanh thiếu niên tham gia; khôi phục nghề dệt thổ cẩm và làm rượu ché; phục dựng hai lễ hội truyền thống là lễ hội xoay cột con trâu và lễ cúng mừng sức khỏe; sửa chữa nhà văn hóa thôn… “Điều đáng mừng là việc triển khai đề án phát triển thôn Xí Thoại trở thành thôn văn hóa, du lịch đã nhận được sự đồng tình cao của những già làng có uy tín cũng như dân làng. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch và ngược lại”, ông Từ nói.

Nghệ thuật biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên nói chung và bà con đồng bào thôn Xí Thoại nói riêng. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, trước mắt, địa phương cần tập trung bảo tồn được chủ thể, khách thể, không gian và môi trường sống của di sản văn hóa; phải có sự kế thừa, truyền dạy liên tục cho các thế hệ tiếp theo trong cộng đồng. Việc tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số nơi đây trở thành truyền thống hàng năm cũng là cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên Phan Đình Phùng

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn