Gã nhà giàu nước Pháp mạnh dạn chi tiêu để hiện thực hóa tham vọng chạm tay vào chức vô địch Champions League, danh hiệu đội bóng khát khao sở hữu bằng mọi giá.
Bình luận
Bóng đá khắp châu Âu, từ Madrid, Barcelona đến Milan, đều đang rất kẹt tiền. Việc quản lý tiền bạc sai lầm, chi tiêu quá trớn cộng hưởng với dịch Covid-19 khiến nhiều CLB kiệt sức.
Dù vậy, Paris Saint Germain lại là trường hợp ngoại lệ. Với lực lượng hiện tại, đội bóng Pháp có quyền nghĩ tới chức vô địch Champions League, sau rất nhiều năm lỗi hẹn.
Donnarumma là một trong những thủ môn hay nhất hiện tại. Ảnh: Getty. |
Nới lỏng Luật công bằng tài chính
Gianluigi Donnarumma, Sergio Ramos, Georginio Wijnaldum đến Paris (Pháp) qua con đường chuyển nhượng tự do, với những khoản tiền lương hậu hĩnh. Ba người tổng cộng sẽ khiến bảng lương của PSG mỗi năm tăng thêm 28 triệu bảng.
Achraf Hakimi đến từ Inter Milan với phí chuyển nhượng 60 triệu euro. Kể từ năm 2017, khi chiêu mộ Neynar và Kylian Mbappe, PSG chưa đem về một lúc nhiều ngôi sao như vậy.
Mục tiêu của đội chủ sân Parc des Princes là chiếc cúp Champions League đầu tiên. Và không loại trừ họ sẽ đổ thêm tiền vào thị trường cầu thủ nữa.
Tại sao PSG có thể chi tiêu thoải mái, trong khi các CLB khác thắt chặt điều này?
Đội bóng Pháp rất giàu có, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các quy định khá “dễ dãi” của Luật công bằng tài chính (UEFA Financial Fair Play), viết tắt FFP.
FFP ban đầu quy định đơn giản: không được tiêu quá số tiền kiếm ra, tức nguồn chi luôn phải nhỏ hơn thu. Tiếp theo, FFP nới lỏng: tổng chi trừ tổng thu cộng dồn lũy kế trong 3 mùa giải liên tiếp trước đó không được âm quá 30 triệu euro (26 triệu bảng).
Còn mùa hè này, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn tiền các CLB kiếm được ít đi, nên FFP không tính quy định “âm 30 triệu euro”. Các CLB có thể chi tiêu tùy thích trong mùa hè này.
Năm 2022, khi dịch ổn định, quy định “âm 30 triệu” sau 3 mùa liên tiếp nếu được lập lại thì sẽ tính các mùa bóng 2018/19, 2019/20, 2021/22. Điều này đồng nghĩa mất đi mùa 2020/21.
Các CLB khác không thể kiếm tiền từ việc bán vé vào sân để chi mạnh bạo. Còn PSG và Man City thì khác. Hai CLB này vẫn có thể ném tiền vào thị trường chuyển nhượng nhờ các ông chủ giàu có từ vùng Vịnh bơm tiền vào.
Ramos vừa gia nhập PSG theo dạng chuyển nhượng tự do. Ảnh: Getty. |
Kẽ hở luật cho các ông lớn
Theo kiểm toán từ công ty Deloitte xuất bản vào tháng 1/2021, PSG là CLB bóng đá giàu thứ 7 thế giới, xếp kẹp giữa Man City và Chelsea. Mùa 2019/20, họ chi lương hết 414 triệu euro. Thu nhập của CLB bị giảm 101 triệu euro do Covid-19. Tổng cộng, đội chủ sân Parc des Princes lỗ 124 triệu euro.
Trong khi ở hai mùa 2017/18 và 2018/19, PSG lãi tổng cộng 72 triệu euro. Tổng lỗ 3 mùa nói trên là 52 triệu euro. Tranh cãi lập tức xuất hiện. PSG đối mặt sự hoài nghi.
Nhiều người không tin PSG chỉ lỗ 52 triệu euro trong bối cảnh chi rất nhiều tiền. Ngay cả khi có thêm các nguồn thu khác từ tiền thưởng, tiền chia bản quyền truyền hình từ Ligue 1 và Champions League, tiền tài trợ từ Accor Live Limitless và Nike Jordan, báo cáo của PSG không hề thuyết phục.
Giới chuyên môn tin rằng vẫn có lỗ hổng để các ông chủ vùng Vịnh bơm tiền vào PSG như hợp đồng tài trợ từ Tổng cục Du lịch Qatar.
Năm ngoái, UEFA dự định cấm Man City không tham dự các cúp châu Âu 2 mùa giải và phạt 30 triệu euro vì họ vi phạm FFP. Nhưng Man City mang việc này lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS) ở Italy kháng án.
Tại đó, tháng 7/2020, CAS tuyên bố: “Không tìm thấy bằng chứng cho thấy Man City được bơm tiền bởi các ông chủ của họ qua việc ngụy trang dưới dạng các hợp đồng tài trợ quảng cáo”.
Man City chỉ bị mức phạt tiền 10 triệu euro. PSG cũng một lần thành công, “lách” qua Luật công bằng tài chính vào năm 2014.
Vậy bơm tiền theo kiểu ngụy trang là thế nào? Ví dụ, hợp đồng giá trị có 100 triệu euro, nhưng khi thổi lên trên giấy sẽ biến thành 200 triệu euro.
UEFA đang chuẩn bị thay đổi FFP để nó có tính thực tế hơn, đối phó với việc các CLB ly khai để lập giải Super League hồi tháng 4/2021. Tuy kế hoạch Super League bị đổ vỡ, nhưng nó cho thấy các CLB bất mãn đến thế nào.
Đối tượng đàm phán chính của UEFA là Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu (ECA). Và chủ tịch ECA hiện tại là doanh nhân người Qatar, ông Nasser Al Khelaifi, cũng đang là chủ tịch của PSG.
Hakimi cũng là một trong những tân binh chất lượng của PSG. Ảnh: Getty. |
FFP là chế tài tốt cho các CLB
FFP bắt đầu được áp dụng vào mùa giải 2011/12. Đồng ý rằng PSG, Man City và có thể vài CLB khác nữa đã lách luật được, nhưng việc hiện diện của FFP quá tốt.
Nhờ FFP, trong 10 năm, có ít hơn các CLB cỡ nhỏ và trung của châu Âu bị hủy hoại do lối tiêu tiền bạt mạng của các “ông lớn” bóng đá châu Âu. Với FFP, các CLB phải lên kế hoạch chi tiêu và kiếm tiền tỉ mỉ, khôn ngoan và làm việc cật lực để kế hoạch thành hiện thực.
Những CLB như Tottenham, Leipzig, Dortmund, Atletico Madrid nhờ quản lý tốt nên bước vào được hàng ngũ ông lớn bóng đá châu Âu, qua việc lọt sâu trong giải Champions League.
Liverpool từng đứng bên bờ vực phá sản cách đây 10 năm. Song, họ trỗi dậy để vươn lên tốp đầu với các danh hiệu vô địch Champions League và Premier League. Thành công ở cấp độ thấp hơn có thể thấy ở Leicester, Leeds.
Nếu FFP có thể làm được như ở giải La Liga thì mọi chuyện còn tốt hơn. Các CLB phải nộp báo cáo ngay sau mùa bóng. Và mức tổng chi phí được La Liga ấn định cho từng CLB dựa vào các dữ liệu tài chính họ gửi lên La Liga, trước khi kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa hè bắt đầu.
Từ một hệ thống phần mềm tương tự như “La Liga Manager”, mỗi khi một CLB cần mua cầu thủ, họ có thể vào hệ thống để xem số tiền khả chi của họ thế nào.
Một cơ chế như vậy giúp các đội như Real Madrid kiểm soát tài chính kỹ càng. Dù bị hụt thu đến 500 triệu euro trong gần 2 năm qua do Covid-19, “Los Blancos” đang chuẩn bị có sân vận động tốt nhất châu Âu, và vẫn còn đủ tiền để mua các chân sút hàng đầu như Kylian Mbappe hay Erling Haaland.
PSG cũng có thể tự sửa mình bằng cách cân đối lại đội hình. Một CLB thì đâu cần đến 8 thủ môn như PSG hiện có?
Nguồn: News.zing.vn