Quán ăn 16 năm chở bánh canh từ Trà Vinh lên Sài Gòn mỗi ngày

0
Quán ăn 16 năm chở bánh canh từ Trà Vinh lên Sài Gòn mỗi ngày

Sợi bánh canh làm từ gạo nguyên chất luôn tươi mới khiến món ăn của quán bà Tâm thu hút thực khách hơn.

Quán bánh canh của gia đình bà Băng Tâm nằm trên đường Tôn Đản, quận 4 đã được 6 năm nay. Trước đó, quán ở một địa chỉ khác cùng quận 4. “Bán được 10 năm thì chúng tôi chuyển về địa chỉ hiện tại”, chủ quán nói.

Chiếc tủ kính đừng đầy đồ ăn bắt mắt. Ảnh: Di Vỹ.

Chiếc tủ kính đựng đầy đồ ăn bắt mắt. Ảnh: Di Vỹ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm sợi bánh canh tại Trà Vinh, bà Tâm rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp nhờ nghề gia truyền.

Nếu như bánh canh thường thấy ở Sài Gòn có màu trắng trong, trơn và dài thì sợi từ quê bà Tâm có màu đục, không trơn nhưng dẻo, sợi cũng ngắn hơn. “Bánh canh được vận chuyển từ Trà Vinh lên Sài Gòn mỗi ngày”, chủ quán kể.

Các công đoạn sơ chế của nhà hàng được thực hiện từ 7h sáng. Trước đó, gia đình đã đi chợ, đến mối quen để lấy những mặt hàng tươi ngon nhất như tim, gan, ruột, giò heo… Khi đem đồ về, các thành viên trong nhà rửa thật sạch. Đặc biệt phần bao tử có cách chế biến công phu nhất vì phải qua nhiều công đoạn. Người đầu bếp sau đó sẽ nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

Thực đơn của địa chỉ này ngoài bánh canh còn có hủ tiếu và cháo lòng. Vì vậy, nồi nước lèo cũng được chia ra làm 3 khoang khác nhau. Bếp nấu được đặt ở ngay lối vào quán. Chiếc tủ kính được đặt sẵn những nguyên liệu trông bắt mắt. Từ 11h, khách đi ngang sẽ không khỏi xuýt xoa.

Suất bánh canh đầy đủ ở quán có giá 40.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

Suất bánh canh đầy đủ có giá 40.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

Xem thêm: Tô bánh canh vỉa hè có giá 300.000 đồng ở Sài Gòn

Dĩ nhiên, món bánh canh Trà Vinh luôn được lòng nhiều khách nhất. Khi có người gọi món, đầu bếp sẽ trụng chín sợi bánh rồi để trong tô, sau đó đặt nhân giò heo và các món theo yêu cầu của khách đều trên mặt bánh. Nước lèo được rưới ngập vào bát, rắc thêm nhúm hành phi thơm lừng.

Sợi bánh canh của vùng quê miền Tây tròn và nhỏ, có màu hơi đục, thơm thoang thoảng mùi gạo, ăn sẽ cảm nhận được độ dẻo. Tô bánh bưng ra bắt mắt khi được bài trí tỉ mỉ nhưng nước lèo nhanh nguội. Quán còn phục vụ thêm chén nước mắm nhỏ kèm ớt để sẵn trên bàn để chấm phần nhân, tăng vị ngon cho tô bánh canh.

“Lò của gia đình làm hàng từ gạo nguyên chất nên lúc nào sợi bánh cũng đảm bảo độ tươi, dai và để lâu ngoài gió không sợ bị chua”, chủ quán chia sẻ.

Chị Linh (sống ở Tân Bình) là khách quen nhiều năm cho biết, quán là một trong số những nơi chị thường hay lui tới sau khi tan làm. “Nước lèo của quán ngọt thơm, ăn rất đậm đà. Lòng làm rất sạch, ăn không bị mùi”, chị Linh nhận xét.

Các món ở quán đều được ăn kèm với bao tử hoặc xương, giò heo. Hủ tiếu tim lưỡi cũng là món được lòng nhiều khách muốn đổi vị.

Không gian quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Ảnh: Di Vỹ.

Không gian quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Ảnh: Di Vỹ.

Quán phục vụ khách từ trưa đến khoảng 21h mỗi ngày. Đường Tôn Đản lúc nào cũng đông đúc xe cộ, quán lại có ít không gian cho khách để xe nên giờ cao điểm thường xuyên kẹt xe. Khoảng từ 15h – 18h là thời điểm khách ra vào quán liên tục.

Xem thêm: Gánh bánh canh 20 năm “không đổi vị” ở Sài Gòn

Nguồn: Vnexpress.net