Khi tìm trên ứng dụng giao hàng, Yến không thấy quán ăn nào mở bán gần đây. Cô bỏ cuộc vì chỉ có một quán bán gà cách nhà hơn 5 km và phí ship quá cao.
“Chị em ơi, sắp được ăn bún bò rồi, làng ẩm thực sắp sống lại rồi”, tối 8/9, Nguyễn Yến (quận 7) nhắn tin vào nhóm chat cùng hội bạn của mình.
Sau thời gian dài hàng quán đóng cửa để thực hiện lệnh giãn cách, cô gái 25 tuổi phấn khích khi đọc được tin tức về việc TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống mở bán mang về.
Suốt buổi tối, câu chuyện của nhóm bạn chỉ xoay quanh chuyện liệu ngày mai có đặt được đồ ăn không, cửa hàng có bán lại và giá ship có đắt đỏ hay không.
“Cảm giác phải đặt một nồi hủ tiếu ăn mới bõ thèm được”, một người bạn trong nhóm của Yến nói đùa.
Chia sẻ với Zing, Yến nói trong thời gian “sống chung với giãn cách”, đã quen với việc tự nấu nướng, song cô rất nhớ hương vị những món ngon mà cô không thể tự nấu tại nhà.
Dù đã được cho phép bán mang đi, đa số cửa hàng ăn uống tại TP.HCM vẫn chưa hoạt động trở lại vì vướng nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, sáng 9/9, khi lướt trên ứng dụng giao hàng, Yến không tìm được quán ăn nào mở bán ở gần nhà. Sau hơn một tiếng tìm kiếm, cô bỏ cuộc vì chỉ tìm thấy một quán bán gà cách nhà hơn 5 km và phí ship quá cao.
“Sáng nay nhắn tin hỏi mình mới biết chị bán bún riêu đầu hẻm không đủ tiền để trụ lại, đã nghỉ bán về quê mất rồi. Mình đã thử gọi cho một vài quán quen, nhưng chủ quán đều báo chưa bán lại vì không mua được nguyên liệu. Họ nói có lẽ phải chờ ít ngày nữa để xin giấy phép, tìm cách mua thực phẩm. Đành đợi thêm vậy”, Yến kể.
Chật vật khi đặt đồ ăn
Vừa biết tin hàng quán ở TP.HCM được phép bán mang về, Diễm Sương (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lập tức nhắn tin khoe bạn bè với tâm trạng phấn khích.
Sau 2 tháng giãn cách xã hội, không thể ra ngoài mua đồ ăn hay gọi ship tận nhà, cô rất nhớ hương vị món ăn, thức uống ngoài hàng.
Diễm Sương chật vật khi tìm đặt đồ ăn. Ảnh: NVCC. |
“Mình mày mò làm thử vài món ăn vặt ở nhà, nhưng thiếu nguyên liệu nên không được ‘chuẩn vị’ như quán xá. Nghe tin được đặt đồ ăn trở lại, mình phấn khích lắm”, Diễm Sương chia sẻ.
Sáng hôm sau, cô lập tức lên các ứng dụng trực tuyến, tìm kiếm các quán xá trong địa bàn quận. Diễm Sương có chút thất vọng khi một số hàng ăn quen thuộc vẫn chưa hoạt động trở lại, thời gian tìm shipper cũng khá lâu.
“Mình đặt từ sáng, nhưng 30 phút sau mới có người nhận đơn và tới trưa đồ ăn mới tới tay. Có lẽ do thông báo gấp rút nên chủ quán chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu, lực lượng shipper vẫn chưa đông”, cô nói.
Dù vậy, Diễm Sương không cảm thấy khó chịu, bất tiện vì thông cảm cho tình hình dịch bệnh hiện tại.
Ngược lại, Trần Thùy Linh (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lại không thể tìm được shipper sau hơn 30 phút chờ đợi trên các ứng dụng giao đồ ăn. Nhiều quán ăn, quán cà phê cô yêu thích cũng chưa thông báo hoạt động trở lại.
“Cả sáng mình cứ ôm điện thoại, chờ một dòng thông báo mở cửa từ quán quen. Nhưng có quán thì nằm trong khu phong tỏa, không thể làm việc, quán thì ‘lặn mất tăm’ nên mình cũng hơi buồn”, Thùy Linh nói.
Trong thời gian giãn cách xã hội, cô tự học cách ngâm cà phê, nấu trà sữa tại gia nhằm phục vụ sở thích cá nhân. Tuy nhiên, cô cho rằng hương vị đồ uống ở quán chắc chắn ngon hơn tự tay làm.
Nhìn các bạn trẻ chia sẻ hình ảnh những món đồ ăn, đồ uống đặt thành công trên mạng, Thùy Linh cảm thấy có chút chạnh lòng.
“Mong rằng những ngày tới, quán xá sẽ mở cửa nhiều hơn, hoạt động an toàn hơn. Mình vẫn đang chờ quán bún bò, cơm tấm, bún đậu hoạt động lại để thỏa cơn thèm”.
Nhiều người hy vọng trong thời gian tới có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua đồ ăn hơn. Ảnh: Phương Lâm. |
Biết tin hàng quán được mở bán trở lại, Hải Hiền (quận Gò Vấp) không mấy háo hức dù bản thân là một tín đồ ăn uống.
Hiền là nhân viên kinh doanh của một trung tâm ngoại ngữ. Nhưng từ đầu tháng 6 tới nay, cô phải nghỉ việc không lương vì lệnh giãn cách, số tiền tiết kiệm cũng dần cạn.
“Hồi còn đi làm, mình chủ yếu ăn ngoài, chỉ cuối tuần mới ở nhà nấu nướng. Nhưng với tình hình kinh tế hiện tại, hàng quán có mở thì thói quen đó sẽ phải thay đổi. Dù thèm nhiều món nhưng giờ phí ship còn đắt hơn cả đồ ăn, mà khách không thể tới mua trực tiếp được. Chắc mình sẽ cố kìm lòng, đợi tới lúc hết giãn cách rồi đi ăn sau.
Giờ ngày nào mình cũng tự nấu ở nhà, tay nghề nấu ăn cũng lên cao nên cũng yên tâm. Dù sao nghe tin quán ăn mở lại mình cũng thấy nhẹ nhõm, nó như một dấu hiệu về việc tình hình dịch bệnh sẽ tiến triển tốt lên. Mình mong hết dịch, được làm việc trở lại và sẽ đi ‘ăn hết Sài Gòn'”.
Nguồn: News.zing.vn