Theo một số quận, huyện tại TP.HCM, chủ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đăng ký với phường, xã để cơ quan chức năng xuống kiểm tra, rà soát trước khi hoạt động trở lại.
Từ 8/9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang đi sau hơn 2 tháng tạm ngưng hoạt động. Trao đổi với Zing, bà Thái Thị Hồng Nga – Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh – cho biết để được hoạt động trở lại theo hình thức bán hàng mang đi, chủ hộ kinh doanh phải đăng ký với phường để phường tổng hợp gửi lên quận.
“Sau đó, đoàn kiểm tra của phường, quận sẽ đến từng hộ kinh doanh để thẩm định, rà soát, đánh giá cơ sở đó đủ điều kiện hoạt động hay không?”, bà Nga nói. Bà khẳng định công văn của UBND TP.HCM đã nêu rõ các yêu cầu đối với cửa hàng dịch vụ ăn uống.
“Cụ thể, cơ sở đó phải có giấy phép kinh doanh đồng thời chủ hộ và người lao động phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và cam kết xét nghiệm 2 ngày/lần. Bên cạnh đó, cơ sở phải thực hiện 3 tại chỗ, và thực hiện 5K khi hoạt động”, bà Nga nêu rõ.
Trong sáng 9/9, nhiều cửa hàng, quán ăn vẫn đóng cửa. Ảnh: Phương Lâm. |
Chỉ bán mang đi, khách không được mua trực tiếp
Đặc biệt, chủ quán kinh doanh chỉ được bán hàng giao qua shipper chứ không được nhận khách mua hàng trực tiếp theo hướng dẫn của UBND thành phố.
Phó chủ tịch quận Bình Thạnh cho hay trong ngày hôm nay, các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại quận chưa được thực hiện bán mang về vì chưa được kiểm tra, thẩm định.
“Phía quận sẽ triển khai nghiêm túc theo văn bản của UBND TP, nếu các Sở ban ngành có hướng dẫn cụ thể hơn lúc đó chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung triển khai”, bà Nga cho biết. Quận Bình Thạnh đang tham mưu, triển khai cho các phường để thông tin đến hộ kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Tương tự, bà Phạm Thị Thúy Hằng – Phó chủ tịch UBND quận 3 – cũng cho biết trong hôm nay quận đã có hướng dẫn về các phường để thông tin đến các hộ kinh doanh được phép hoạt động theo quy định của thành phố.
Để được hoạt động, các chủ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đăng ký chờ cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, thẩm định. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo đó, sẽ có hệ thống của từng phường, khu phố, tổ dân phố để rà soát, tiếp nhận thông tin của các chủ cơ sở qua các kênh truyền thông online do hiện tại, người dân không được phép ra đường.
“Sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký, UBND phường sẽ tiến hành kiểm tra theo các điều kiện đã quy định. Nếu hộ kinh doanh đủ điều kiện, địa phương sẽ cấp biển ‘hộ kinh doanh an toàn’ để bán hàng”, bà Hằng nói.
Theo bà, trước đó quận đã chủ động xây dựng phương án cụ thể mở cửa từng loại hình kinh doanh cho giai đoạn sau ngày 15/9, nên khi thành phố có hướng dẫn triển khai sớm hơn thì quận cũng đã có sự chuẩn bị.
Xét nghiệm tại trạm y tế lưu động của phường
Về việc xét nghiệm, Phó chủ tịch quận 3 cho biết chủ hộ kinh doanh sẽ tiến hành xét nghiệm tại trạm y tế lưu động của phường. “Chủ hộ và lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48h khi họ hoạt động trở lại”, bà Hằng nói.
“Do thành phố ban hành văn bản từ chiều tối ngày 8/9 nên sáng hôm nay chúng tôi mới thống nhất duyệt chủ trương để triển khai trong chiều nay. Khả năng tối nay các phường sẽ truyền thông đầy đủ đến các hộ kinh doanh qua các hội nhóm mạng xã hội”, bà nói.
Lãnh đạo quận 3 cho biết quy định để được hoạt động bán mang về đã được UBND TP nêu rõ. “Đặc biệt, chỉ tổ chức đăng ký bán trực tuyến, không bán trực tiếp. Đồng thời khi giao nhận hàng phải đảm bảo giãn cách, người đến lấy hàng mà không đảm bảo giãn cách thì cũng không được hoạt động”, bà nhấn mạnh.
Sau khi hộ đi vào hoạt động, UBND các phường sẽ có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở này. Đồng thời, quận sẽ chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra, giám sát UBND các phường thực hiện nhiệm vụ này.
Người dân không được đến mua hàng trực tiếp, các hoạt động mua, bán sẽ giao qua shipper. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, một số quận khác cũng cho biết đang tiến hành triển khai, phổ biến tới các đơn vị liên quan theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. “Văn bản yêu cầu chỉ bán trực tuyến, giao nhận của shipper của các ứng dụng nên các hành vi mua bán trực tiếp sẽ bị xử lý”, lãnh đạo quận 3 chia sẻ.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin về các quy định để được bán mang đi, một số hộ kinh doanh vừa mừng vừa tỏ ra e ngại. Một số người nhận định các yêu cầu khắt khe của thành phố cũng vì mục đích đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch.
Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh cho rằng rất khó khăn nếu thực hiện đúng các quy định đó. Trong khi đó, nhiều người dân lại khá dè dặt khi phí ship tăng cao và khan hiếm shipper giao hàng.
Nguồn: News.zing.vn