Sau 2 tuần triển khai quân đội hỗ trợ TP.HCM, lãnh đạo Cục Tuyên huấn đánh giá tình hình dịch bệnh đã chuyển biến tích cực nhưng chưa “toàn thắng” để quân đội có thể rút quân.
Hơn 10.000 quân nhân thuộc các đơn vị của Bộ Quốc phòng đã trải qua 2 tuần chống dịch tại TP.HCM. Đây cũng là khoảng thời gian TP siết chặt giãn cách theo tinh thần “ai ở đâu ở đó” với kỳ vọng khống chế được dịch bệnh.
Theo thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, thành viên Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng ở phía Nam, quân đội sẽ tiếp tục duy trì lực lượng ở TP.HCM cho đến khi TP kiểm soát được dịch bệnh.
Tiếp tục hỗ trợ TP.HCM
Lãnh đạo Cục Tuyên huấn cho biết trong những ngày tới, quân đội vẫn sẽ duy trì hoạt động của các tổ, chốt, trạm xá lưu động như đã triển khai trong 2 tuần qua. Mục tiêu đặt ra tại TP.HCM như lời của Bộ trưởng Quốc phòng là “không thắng không về”.
“Dù có phải kéo dài thời gian, khó khăn vất vả thì vẫn phải chiến đấu, bao giờ dập dịch xong thì mới hoàn thành nhiệm vụ, không thể nửa vời được, không có chuyện sau 2 tuần là rút quân”, thiếu tướng Phong chia sẻ.
Các tổ quân y được duy trì tại TP.HCM để theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Ngọc Tân. |
Với việc duy trì lực lượng hỗ trợ TP.HCM như thời gian qua, thiếu tướng Đỗ Thanh Phong cho biết đã có những dấu hiệu gần kiểm soát được dịch bệnh. “Tuy nhiên, nếu nới giãn cách vào thời điểm này thì nguy cơ lây nhiễm sẽ quay trở lại. Theo các nhà chuyên môn nhận định, cần thêm khoảng 1-2 tuần nữa để thấy kết quả chống dịch rõ ràng hơn”, ông chia sẻ.
Thời gian tới, 400 trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà, giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân và tăng tốc độ tiêm vaccine. Bên cạnh việc duy trì lực lượng quân y tại khu dân cư, Bộ Quốc phòng cũng vừa khánh thành thêm Bệnh viện dã chiến 5G điều trị F0 nặng để giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện trên địa bàn.
Trao đổi với Zing về cơ chế phối hợp của lực lượng quân đội tại TP.HCM, đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, nhấn mạnh quân đội vẫn chỉ giữ vai trò hỗ trợ và không làm thay vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương. Không có chuyện thành phố “thiết quân luật” hay “quân quản” như nhiều thông tin giả trước ngày 23/8.
Đi chợ giúp dân giảm khi có shipper
Thời gian đầu, do khó khăn của địa phương, quân đội đã tham gia đi chợ giúp dân. Tuy nhiên, thiếu tướng Đỗ Thanh Phong khẳng định hoạt động này đã giảm khi shipper tại TP.HCM được hoạt động trở lại.
Trong khi chuyển giao vai trò đi chợ giúp dân cho đội ngũ shipper, quân đội vẫn sẽ giữ vai trò tiếp tế nhu yếu phẩm, túi an sinh cho người dân đang gặp khó khăn. Các tổ vận chuyển túi an sinh đến cho người dân bằng xe đạp thồ vẫn sẽ được duy trì.
Các tổ xe đạp thồ vẫn sẽ được duy trì tại TP.HCM để vận chuyển nhu yếu phẩm, túi an sinh cho người dân. Ảnh: Ngọc Tân. |
Hoạt động này đang được Tổng cục Hậu cần triển khai bài bản từ khâu thu gom, vận chuyển nhu yếu phẩm ở các địa phương khác về TP.HCM và phân phối đến từng nhà dân. Theo đại tá Phạm Văn Tuyến, Cục phó Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), chuỗi logistic này được thực hiện bằng tàu hỏa, xe tải cho đến từng chiếc xe đạp thồ.
Theo thống kê của Cục Vận tải, từ 9/7 đến 5/9, bộ đội vận tải đã sử dụng 1.556 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.100 tấn hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong đó, riêng nhu yếu phẩm là hơn 2.200 tấn, vật tư y tế là hơn 600 tấn.
Trong 2 ngày 30 và 31/8, 100 tấn nông sản từ Quân khu 9 và Quân đoàn 3 được gửi về TP.HCM. Sáng 6/9, Bộ Quốc phòng vận chuyển thêm 80 tấn lương khô, thịt hộp vào TP.HCM. Dự kiến, số lượng lương khô được quân đội sản xuất để ủng hộ người dân TP.HCM lên tới 200 tấn.
Kiên quyết xử lý vi phạm về giãn cách
Liên quan đến nhiệm vụ chốt trực, duy trì kỷ luật giãn cách tại TP.HCM, thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nhận định việc bộ đội tham gia duy trì các tổ chốt là rất cần thiết để hạn chế việc đi lại không đúng quy định của người dân.
Một chiến sĩ sư đoàn 5 (Quân khu 7) đứng gác trong đêm mưa tại quốc lộ 1 qua TP.HCM. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tuy nhiên, thời gian qua các lực lượng xét thấy việc chấp hành của người dân TP.HCM khá tự giác, không căng thẳng đến mức phải sử dụng trang bị, phương tiện để trấn áp.
“Các chiến sĩ luôn cố gắng tỏ ra thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nhưng ngược lại cũng rất cảnh giác, kiên quyết với các trường hợp vi phạm”, lãnh đạo Cục Tuyên huấn chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn