Quảng bá mạnh mẽ và phát triển thị trường cho các sản phẩm đặc sản mộc mỹ nghệ, mây tre đan… là những hiệu quả thiết thực khiến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất “mặn mà” hơn khi tham gia các hội chợ.
Thương hiệu gạo sạch của HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng được giới thiệu tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2016
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường nội địa khá sôi động. Tính đến tháng 6-2016, Sở Công thương đã tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mại của 3.020 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp thông báo thực hiện khuyến mại là 8.003 tỷ đồng. Trước sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng trong nước, Sở Công thương đã đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ trong tỉnh và tham gia các hội chợ trong nước, quốc tế nhằm tạo cơ hội kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh địa phương.
Vài năm gần đây, nhờ mật độ các hội chợ diễn ra đều đặn và chất lượng hơn trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nhất là Đà Nẵng, nên một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Quảng Bình bắt đầu chú trọng đến việc tham dự hội chợ. Ngoài ra, một số sản phẩm đặc sản như trầm hương, khoai gieo Hải Ninh, gạo HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng… đã mạnh dạn đến với các hội chợ tầm cỡ lớn trên toàn quốc tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong năm 2016, Sở Công thương đã chỉ đạo và hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước, như: Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2016, Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây-Đà Nẵng 2016, Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên 2016, Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ-Bình Định 2016…
Đặc biệt, tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/12 tại Hà Nội, Quảng Bình có đến 10 mặt hàng đặc sản đăng kí tham gia như: bột sắn Long Giang, khoai gieo Hải Ninh, bánh mè xát Tân An, mật ong, trầm hương… Đây là các sản phẩm đã được chọn lọc, có chứng nhận thương hiệu, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mục đích của hội chợ nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”; nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… tạo ra hoạt động kết nối giữa “Nhà sản xuất-Nhà phân phối-Người tiêu dùng”; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Bên cạnh đó, hội chợ cũng giúp đánh giá thực trạng và xem xét các mô hình thành công trong và ngoài nước để giúp doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững; tăng cường liên kết lĩnh vực, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Đối với bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Quảng Bình, đây là cơ hội để họ tiếp cận nhà cung ứng và người tiêu dùng, mở rộng thêm đối tác cũng như khách hàng của mình. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp cùng ngành nghề tìm hiểu thông tin thị trường, bàn giải pháp kết nối cung, cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối.
Không chỉ tích cực tham gia các hội chợ tại tỉnh bạn, năm 2016, Sở Công thương còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức Hội chợ Xuân Quảng Bình, Hội chợ Thương mại Quảng Bình, cấp phép tổ chức Hội chợ Thương mại huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Nhìn chung, hàng hóa tại các hội chợ đa dạng, phong phú với các mặt hàng truyền thống của địa phương (nông sản, rượu, mộc mỹ nghệ, nón lá, may mặc, hóa mỹ phẩm…).
Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, bột sắn Long Giang là sản phẩm tinh bột sắn cao cấp được kế thừa những ưu điểm vượt trội của phương pháp sản xuất tinh bột sắn thủ công của ông cha để lại, vừa áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại.
Đến với Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 cũng như nhiều hội chợ khác trong và ngoài nước, bột sắn Long Giang được thị trường đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm tinh bột; bên cạnh đó mẫu mã bao bì cũng được thiết kế đẹp và độc đáo, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại khác. Nhờ đó, trong năm 2016, tổng sản lượng tinh bột sắn của công ty đạt khoảng 7.000 tấn với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, trong đó, số lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đạt trên 3.000 tấn với doanh thu khoảng 15 tỷ đồng.
Hiện nay, phần lớn các hội chợ đều có những cơ chế, ưu đãi khuyến khích, nhất là đối với các mặt hàng đặc sản, làng nghề truyền thồng. Do đó, đến với hội chợ là tìm đến với những cơ hội lớn cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Thế nhưng, các mặt hàng đặc sản Quảng Bình vẫn gặp khó khăn khi tiếp nhận “sân chơi” này, như: đa số các sản phẩm đều có chất lượng tốt, tuy nhiên các cơ sở sản xuất lại chưa quan tâm đến việc làm các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã bao bì chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được thị hiếu… Đây là hạn chế lớn, làm giảm tính cạnh tranh khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm giới thiệu ra thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn