Quảng Nam đón du khách nội địa từ cuối tháng 10

0
Quảng Nam đón du khách nội địa từ cuối tháng 10

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng du lịch nội địa là bước đệm để đón khách quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò chủ lực để xây dựng dịch vụ an toàn.

Sáng 21/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về du lịch, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến địa phương.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo UBND, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, các hãng hàng không, chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam khu vực miền Trung và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế.

Quang Nam don khach du lich noi dia anh 1

Hộ chiếu vaccine quyết định việc đón khách du lịch

Bà Huỳnh Thị Tường Vân, Giám đốc Vietnam Airlines Khu vực miền Trung, cho biết đối với tình hình hiện nay, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” được xem là giải pháp khả thi nhất nhằm tháo gỡ khó khăn và mở lối đi cho ngành du lịch và hàng không trong điều kiện bình thường mới.

Bà Vân cho hay từ ngày 10/10, đơn vị đã nối lại 14 đường bay nội địa nhằm tiến tới thực hiện các chương trình thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam từ cuối năm nay.

Quang Nam don khach du lich noi dia anh 2

Hộ chiếu vaccine là điều kiện tiên quyết giúp Quảng Nam đón khách du lịch. Ảnh: Thanh Đức.

“Sau bay thí điểm, phát triển đường bay nội địa, chúng tôi dần tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Đơn vị sẽ ký kết với Quảng Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và một số địa phương miền Trung để quảng bá, kích cầu du lịch”, bà Vân nói.

Đối với khách quốc tế, Giám đốc Vietnam Airlines Khu vực miền Trung cho rằng địa phương cần tập trung vào thị trường kiểm soát tốt dịch bệnh, dần mở cửa ra các thị trường khác.

“Trong giai đoạn đầu chúng tôi dự kiến tập trung vào các thị trường kiểm soát tốt dịch bệnh như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore, tạo luồng xanh giữa các nước kết nối địa điểm du lịch tại Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo sẽ dần mở rộng thêm các thị trường châu Âu, Trung Quốc và Đông Nam Á. Cần đánh giá nhu cầu, đặc tính khách hàng, phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp để đón khách dịp cuối năm”, bà Vân nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam, cho biết địa phương đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khi đón khách là địa phương chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

“Địa phương đang tuyên truyền đến người dân việc tiêm vaccine để tiến tới đón khách. Hiện nay chúng tôi xác định kế hoạch đón khách chung như vậy nhưng đến bây giờ du lịch Hội An đã dần mở lại, khách đã đến Hội An nên khó xác định giai đoạn cụ thể, chỉ có khách theo tour mới nắm rõ. Vì vậy, địa phương cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới đón khách”, ông Lanh nói.

Đón khách theo 4 giai đoạn

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến du lịch rất nặng nề trong 2 năm qua.

“Năm nay, tổng lượt khách du lịch đến địa phương còn hơn 300.000 lượt, giảm trên 77% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 95% so với cùng kỳ năm 2019, thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng. Hiện hơn 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm”, ông Hồng nói.

Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế – xã hội, Quảng Nam xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn và phù hợp với chỉ đạo chung.

Quang Nam don khach du lich noi dia anh 3

Quảng Nam sẽ đón khách nội địa từ cuối tháng 10 năm nay. Ảnh: Thanh Đức.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho hay địa phương đã ban hành kế hoạch mở cửa đón khách theo 4 giai đoạn từ cuối tháng 10 đến năm 2022.

“Giai đoạn 1, từ cuối tháng 10 địa phương sẽ đón khách tại vùng xanh, vàng và cam là người địa phương, sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề. Giai đoạn 2 từ tháng 12, địa phương thí điểm đón khách du lịch (vùng xanh, vàng và cam) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình ‘bong bóng du lịch’ – khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn”, ông Tường nói.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay với giai đoạn 3 việc đón khách bắt đầu từ tháng 1/2022. “Du khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín của các công ty lữ hành tổ chức hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch. Triển khai chương trình tour/combo, hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi giải trí dành cho khách các tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Tường thông tin.

Sau khi đón khách nội địa thành công, địa phương sẽ thực hiện đón khách quốc tế trong giai đoạn 4 khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo ông Tường, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có để thu hút du khách, đặc biệt tại một số địa điểm như phố cổ Hội An, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn…

Ngoài ra, ngành du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, bền vững để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt, phù hợp với thị trường khách.

Yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay việc khôi phục du lịch nội địa là bước đệm để mở cửa đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Trong đó, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng khi họ là chủ lực trong xây dựng sản phẩm du lịch an toàn.

“Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi, để mở cửa đón khách du lịch cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch an toàn, đáp ứng được những tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Điểm nhấn trong các sản phẩm du lịch an toàn là các điểm đến an toàn, hành trình an toàn cùng với các dịch vụ an toàn”, ông Bình nói.

“Cốt lõi của du lịch an toàn là đội ngũ nhân lực ngành du lịch phải được an toàn”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cốt lõi du lịch an toàn là đội ngũ nhân lực du lịch phải được an toàn. Khi mở đón khách, các doanh nghiệp du lịch là những đơn vị thuộc tuyến đầu, có những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch. Việc đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách và người lao động tham gia phục vụ khách cũng được đặt lên hàng đầu.

“Vì vậy, việc xây dựng tiêu chí an toàn trong du lịch luôn quan trọng. Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý để xây dựng các tiêu chí an toàn. Doanh nghiệp là người trực tiếp thực hiện và giám sát việc thực hiện các tiêu chí an toàn này trong quá trình phục vụ khách”, ông Bình chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị giải pháp để ứng phó khi có dịch bệnh Covid-19 như tập huấn cho nhân viên, phối hợp với địa phương và chuẩn bị thiết bị, khu vực cách ly để giải quyết sự cố.

“Để thích ứng với giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, trước mắt thực hiện chuyển đổi số để góp phần đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế số. Doanh nghiệp cần phối hợp hoạt động cùng hiệp hội du lịch để tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội, vừa hỗ trợ cho địa phương, cho cộng đồng, vừa truyền tải các thông điệp về du lịch an toàn cho xã hội”, ông Bình nói.

Nguồn: News.zing.vn