Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam Võ Văn Vân cho biết số lượng khách du lịch có chất lượng cao từ châu Âu, Bắc Mỹ… đến tham quan tại các điểm du lịch của tỉnh, nhất là phố cổ Hội An, trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng có chiều hướng giảm sút.
Trước tình hình này, Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam đang phối hợp với các địa phương, đặc biệt là thành phố Hội An xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, đồng thời nỗ lực tạo ra những sản phẩm riêng biệt để thu hút lượng khách truyền thống này.
Theo ông Võ Văn Vân, nguyên nhân khiến lượng khách châu Âu, Bắc Mỹ đến Hội An và các vùng phụ cận có chiều hướng giảm sút là do chất lượng các sản phẩm du lịch của địa phương, nhất là chất lượng phục vụ chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách.
Lượng khách đến từ thị trường trên luôn đem lại nguồn thu nhập cao cho các đơn vị, cá nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm du lịch thông qua việc sử dụng các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng, ẩm thực và trải nghiệm các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.
Tuy nhiên, những người làm du lịch của Quảng Nam chưa khai thác được nhiều ưu thế này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ và khách quan các yếu tố khiến lượng khách truyền thống đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ có chiều hướng giảm sút, thành phố xác định tập trung vào các sản phẩm thiên về văn hóa truyền thống, thiên nhiên và con người.
Sản phẩm đối với khách châu Âu và Bắc Mỹ phải là sản phẩm riêng biết gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tham quan trải nghiệm làng nghề, trải nghiệm đời sống của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước gắn với các lễ hội văn hóa của cư dân địa phương.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch được phát triển một cách bài bản, có sự liên kết, hỗ trợ của cộng đồng luôn thu hút sự quan tâm của du khách.
Mặt khác, các sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm du lịch làng nghề thủ công, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ thể thao biển đảo… đều là những sản phẩm du lịch ưa thích của khách châu Âu mỗi khi tham quan thành phố Hội An và các khu vực lân cận.
Tại hội nghị chuyên đề triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tỉnh Quảng Nam tổ chức cách đây không lâu, các đại biểu lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư du lịch, Hiệp Hội Du lịch trong và ngoài tỉnh đều thống nhất, cùng với việc thừa hưởng các di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đang phát huy một cách có hiệu quả, tỉnh Quảng Nam còn tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để khai thác bền vững các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, nhất là du lịch trải nghiệm với các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh Quảng Nam sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch nằm nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế.
Mặt khác, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường du lịch lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN nhằm tăng cường giao lưu, kết nối, hợp tác phát triển du lịch.
Các ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều điểm tham quan du lịch phải không ngừng “làm mới” sản phẩm của mình trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ.
Các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng phải lấy cộng đồng làm hạt nhân trong việc phát triển, nâng cao và duy trì chất lượng sản phẩm du lịch, làm cho sản phẩm du lịch cộng đồng thật sự mang tính riêng biệt và độc đáo đối với du khách.
Mỗi người dân trong cộng đồng phải thực sự là “đại sứ” trong quảng bá, phát triển du lịch. Đặc biệt cộng đồng phải được hưởng lợi nhiều nhất từ các dịch vụ du lịch mang lại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh./.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn