Quảng Ngãi – Khánh Hòa nguy cơ ngập diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

0
Quảng Ngãi – Khánh Hòa nguy cơ ngập diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Cơ quan khí tượng cảnh báo với việc mưa tiếp tục trút xuống sáng 1/12, khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai có nguy cơ ngập lụt diện rộng.

Khuya 30/11, mưa lớn tiếp tục trút xuống khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên. Từ 7h ngày 30/11 đến rạng sáng 1/12, lượng mưa ghi nhận được ở nhiều nơi vượt ngưỡng 150 mm, có nơi trên 200 mm. Mưa tập trung ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng.

22h30 ngày 30/11, nước lũ tiếp tục đổ về gây lụt nhiều khu vực ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mưa lớn và ảnh hưởng từ việc các hồ thủy điện xả lũ khiến nhiều ngôi nhà ở Khánh Hòa ngập. Người dân địa phương thức trắng đêm để canh lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rạng sáng 1/12, lũ trên sông Ba (Phú Yên) và các sông ở Khánh Hòa đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi xuống mức báo động 1 và 2, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và duy trì ở mức cao.

Sáng nay (1/12), khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và khu vực Nam Tây Nguyên tiếp tục mưa dông với lượng phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 50 mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ gập lụt diện rộng tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi ở khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên.

Các địa phương trên cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn.

mua lu mien Trung anh 1

Ngày 30/11, lũ trên sông Kỳ Lộ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), vượt báo động 3 gây ngập nhiều khu dân cư, chia cắt giao thông. Ảnh: A. An.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, đêm 30/11, Thủ tướng ký và ban hành công điện hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan, về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Công điện nêu những ngày qua, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài. Ngày 27-30/11, tổng lượng mưa một số nơi trên 800 mm, đồng thời các hồ thủy lợi, thủy điện phải xả nước điều tiết lũ để bảo đảm an toàn.

Nhiều nơi xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông, một số người dân đã bị nạn do lũ cuốn, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt. Đặc biệt, các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.

Đồng thời, trước diễn biến mưa lũ, ngập lụt, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu.

Đến 18h ngày 30/11, hơn 23.600 hộ dân ở Bình Định bị ngập trong nước lũ, 8 nhà bị sập. Chính quyền phải sơ tán hơn 437 hộ dân với hơn 1.000 người. Mưa lũ cũng khiến 4 người chết, trong đó 3 người ở Bình Định và một người ở Kon Tum.

Nguồn: News.zing.vn