UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở này, ngành VHTTDL sẽ cùng với các địa phương đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo điểm đến để thu hút khách tham quan.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Hrê cần được bảo tồn, phát triển
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ở các huyện miền núi trong tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong hiện lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Mỗi một dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng có. Đây vừa là di sản, vừa là lợi thế để đầu tư phát triển du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.
Tại huyện Ba Tơ, đồng bào dân tộc thiểu số Hrê đã sử dụng các nguyên liệu từ núi rừng để làm nên những sản phẩm mây, tre đan khá độc đáo; trồng bông se sợi để dệt thổ cẩm với những hoa văn, họa tiết đặc trưng của dân tộc mình; làm nên những hũ rượu cần thơm lừng để cúng Giàng và thết đãi khách. Những sản phẩm đặc trưng của đồng bào Hrê được nhiều người biết đến.
Để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Hrê gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, thời gian qua, ngành VH-TT&DL tỉnh và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá nghề mây, tre đan, dệt thổ cẩm và chế biến rượu cần của đồng bào Hrê, với quy mô cấp tỉnh, cấp huyện. Già Đinh Quang Trị, ở thôn Mang Lùng, xã Ba Tô, bộc bạch: “Đan lát là nghề truyền thống từ rất lâu đời của đồng bào Hrê. Các thế hệ con cháu phải biết gìn giữ và phát huy”.
Nếu như nghề mây, tre đan là sản phẩm của đàn ông, thì dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Hrê. Ngày trước, chị em trồng bông, kéo sợi để dệt thành những chiếc áo, cà tu, khố, hay chiếc giỏ, khăn địu con với những hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc của dân tộc. Bây giờ, không còn trồng bông, nên dùng chỉ màu để dệt. Những sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ Hrê được bán trong vùng và các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với các sản phẩm mây, tre đan, dệt thổ cẩm, ở huyện miền núi Ba Tơ còn hấp dẫn du khách bằng món rượu cần nhấm nháp với các món đặc sản thịt trâu, cá niên nướng. Rượu cần được chế biến từ gạo rẫy, hoặc củ mì, đặc biệt là men làm bằng lá cây rừng với hương vị đặc sắc.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2020, bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, ngành VH-TT&DL đang tập trung phát triển du lịch biển đảo, xây dựng Lý Sơn trở thành đảo du lịch xanh, sinh thái, phấn đấu đến năm 2020 được công nhận là điểm du lịch quốc gia.
Ngành VH-TT&DL cũng sẽ quan tâm phát triển các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng “vệ tinh” tại các điểm Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi); Sa Huỳnh, Châu Me (Đức Phổ); Bình Châu, Khe Hai (Bình Sơn) với các dịch vụ vui chơi, giải trí trên nước như lướt ván, môtô nước, đu bay và các dịch vụ câu cá, lặn ngắm san hô…
Ngành cũng đang hướng đến khai thác các sản phẩm du lịch lịch sử – cách mạng bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, hệ thống các bảo tàng cách mạng; hoàn thành và đưa vào sử dụng Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh…
Các huyện miền núi cũng lên kế hoạch quy hoạch các danh lam thắng cảnh tạo sản phẩm du lịch sinh thái miền núi và du lịch nghỉ dưỡng; tập trung đầu tư các điểm du lịch thác Trắng Minh Long; khu du lịch Thạch Bích, Cà Đam (Trà Bồng); suối Chí (Nghĩa Hành)…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm theo đặc trưng văn hóa vùng miền như: Quế, tỏi, rượu hải sâm, cá bống, don, kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi, dệt thổ cẩm, chiếu cói, gốm Mỹ Thiện…
Trưởng Phòng VHTT huyện Ba Tơ Trần Thị Thanh Thúy, cho biết: Trong dịp kỷ niệm 72 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945-11.3.2017), ngành VH-TT&DL phối hợp với huyện tổ chức trưng bày sản phẩm nghề: Mây, tre đan, dệt thổ cẩm và chế biến rượu cần trên địa bàn huyện. |
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn