Quảng Ninh: An toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội không thể chủ quan

0
179

Quảng Ninh có khoảng 80 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm và tập trung nhiều nhất là từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Tiên Công (Quảng Yên), Ngoạ Vân (Đông Triều), Yên Tử (Uông Bí), đền Cửa Ông (Cẩm Phả)… Số lượng người dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội lên tới hàng triệu lượt người. Đây cũng chính là dịp các dịch vụ ăn uống nở rộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) kiểm tra tại cơ sở kinh doanh gà đồi nướng Phương Chuyên (khu vực chùa Lôi Âm, phường Đại Yên, TP Hạ Long)

Tín hiệu vui

Ngày 3/2, tức mùng 7 Tết, Lễ hội Tiên Công – một trong những lễ hội độc đáo của vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Hàng ngàn lượt người dân và du khách đổ về đây dự hội, tham gia lễ mừng thọ người thân của mình. Các hàng quán phục vụ nhu cầu ăn uống trong dịp lễ hội cũng rất đông khách. Để kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Y tế TX Quảng Yên cho biết: Công tác kiểm soát ATTP trong lễ hội năm nay đã và đang được địa phương triển khai quyết liệt và có nhiều điểm tiến bộ hơn so với những năm trước. Toàn bộ 42 điểm kinh doanh ăn uống tại Lễ hội Tiên Công được bố trí tại một khu vực riêng và các hộ kinh doanh đều ký cam kết với chính quyền địa phương về việc đảm bảo ATTP.

Còn tại khu vực chùa Lôi Âm (phường Đại Yên, TP Hạ Long), 24 điểm kinh doanh gà đồi nướng nay đã được di chuyển ra khỏi khu vực chùa và quy hoạch thành các ki ốt kiên cố. Tại đây cũng không còn tình trạng giết mổ gà, nướng gà ngay mặt đường vào chùa gây mất vệ sinh, mất mỹ quan như những năm trước. Bà Đặng Thị Mẫn, chủ quán gà đồi nướng Đại Cồ 2 (khu 4, phường Đại Yên, TP Hạ Long) cho biết: “Gà và hầu hết các loại rau đều được lấy từ trang trại của gia đình chúng tôi. Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của UBND phường Đại Yên, việc giết mổ gà năm nay đều được các quán thực hiện ở nhà rồi mới mang đến quán để nướng; khu vực nướng gà cũng được đưa ra phía trong khuôn viên của điểm kinh doanh. Cuối năm 2016, gia đình chúng tôi cũng đã đầu tư 70 triệu đồng để xây dựng kiên cố hoá nhà hàng, đầu tư thêm nhiều vật dụng chế biến thực phẩm, bàn ghế, xây dựng chỗ rửa tay cho khách… để góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Cũng như tại Lễ hội Tiên Công và khu vực chùa Lôi Âm, nhìn chung tình hình vệ sinh ATTP tại các điểm du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ hơn so với thời điểm trước. Hầu hết các địa phương đều yêu cầu các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết, không treo thịt tươi sống, giết mổ gia súc, gia cầm khu vực đường vào di tích, khu vực lễ hội gây phản cảm. Qua kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khu vực lễ hội trên địa bàn tỉnh, hầu hết các mặt hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng và chủ yếu là hàng Việt Nam.

 Vẫn còn nhiều nỗi lo

Do tính chất thời vụ, lượng khách đông, trong khi điều kiện đảm bảo chế biến, vệ sinh còn nhiều hạn chế nên vấn đề ATTP mùa lễ hội vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Qua công tác kiểm tra đột xuất cùng đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tại một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực diễn ra lễ hội, chúng tôi được biết, nhiều điểm thuê nhân lực thời vụ chưa được tập huấn kiến thức ATTP, chưa được khám sức khoẻ… Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống đã có đăng ký với chính quyền địa phương, được thanh kiểm tra thì vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh như bánh mỳ, xúc xích, giò, nước mía, các loại hoa quả dầm, kem… phục vụ nhu cầu của người dân và du khách chưa được kiểm soát hết. Thực phẩm không có tủ kính che đậy, người chế biến không đeo găng tay, các thực khách ăn uống và xả rác ra khu vực xung quanh gây mất vệ sinh, mất mỹ quan. Điển hình như tại khu vực lễ hội chùa Ngoạ Vân, TX Đông Triều, 4/5 nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây chưa đăng ký kinh doanh, chưa có chứng nhận đủ điều kiện ATTP, người bán hàng chưa khám sức khoẻ, chưa được tập huấn kiến thức ATTP…

Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Nhằm nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội xuân 2017, ngay sau Tết Nguyên đán, Chi cục đã tổ chức 2 đoàn phối hợp với các phòng, trung tâm y tế địa phương kiểm tra, kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, điều kiện vệ sinh của nhân viên phục vụ… Bên cạnh đó, các đoàn cũng tổ chức lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành chức năng, trong mùa lễ hội, thiết nghĩ người dân và du khách cũng nên đề cao cảnh giác trước những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác… nhằm tự bảo vệ sức khoẻ của mình. Đồng thời khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo ATTP, người dân thông tin đến đường dây nóng về ATTP ngành Y tế Quảng Ninh theo số: 0981.815.815 để cơ quan chức năng kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm.

Phương Thúy

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn