Tháng Giêng được gọi là mùa du lịch lễ hội. Lượng du khách đến tham quan các khu di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khá đông.
Khách du lịch hành hương về Yên Tử tăng đột biến trong ngày mùng 9 Tết
Hiện nay, Quảng Ninh có khoảng hơn 600 di tích lịch sử – văn hóa các loại. Trong đó, có rất nhiều di tích lịch sử trở thành những điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương như: Khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn), Ngọa Vân (Đông Triều)… Không chỉ có nhiều di tích, Quảng Ninh còn có trên 80 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm, trong đó có nhiều lễ hội diễn ra trong tháng Giêng như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội Chùa Ba Vàng, lễ hội Ngọa Vân, Yên Tử… thu hút hàng vạn du khách về tham quan, chiêm bái, lễ Phật.
Chỉ tính riêng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, lượng du khách đổ về các khu di tích, danh thắng tăng đột biến. Theo thống kê của Sở Du lịch, chỉ tính trong 7 ngày nghỉ Tết, lượng khách đến tham quan các khu di tích trên địa bàn tỉnh đã lên tới con số 63 vạn lượt khách. Đặc biệt những ngày cuối tuần, một số điểm di tích như khu danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông lượng khách tăng khá cao. Riêng ngày mùng 9 tháng Giêng, khu di tích đền Cửa Ông đã đón gần 2 vạn lượt khách, khu di tích Yên Tử, lượng khách đến tham quan tăng đột biến với 4,8 vạn lượt khách. Tính trung bình những ngày đầu năm mới, Yên Tử đón trên 2 vạn lượt du khách/ngày.
Đền Cặp Tiên (Vân Đồn) thu hút khách thập phương trong ngày đầu xuân mới
Điểm mới trong Lễ hội tại Yên Tử năm nay có thêm dịch vụ vận chuyển trọn gói, bao gồm dịch vụ xe điện và dịch vụ cáp treo với giá vé khứ hồi là 300.000 đồng/vé, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan danh thắng.
Có mặt tại một số điểm tham quan, khu di tích lịch sử nơi diễn ra các lễ hội đầu xuân, điều đáng ghi nhận là cách thức tổ chức ở một số lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh vào dịp đầu năm đã có những chuyển biến rõ nét. Với sự vào cuộc quyết liệt của Ban quản lý các khu di tích, chính quyền địa phương trong việc siết chặt công tác quản lý, việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp. Không khí trang nghiêm, môi trường sạch đẹp là hình ảnh mà du khách thường nhìn thấy ở các điểm di tích lớn trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt những điểm di tích văn hóa, danh thắng như: Đền Cửa Ông, Yên Tử, chùa Ba Vàng… đều có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân du xuân đầu năm an toàn và thoải mái. Các điểm diễn ra lễ hội đều được tu sửa, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình, các tuyến đường giao thông tại các khu di tích, danh thắng cũng được nâng cấp, đảm bảo an toàn cho du khách trẩy hội.
Mặc dù, vào những ngày đầu xuân, lượng du khách đến các điểm lễ hội tăng đột biến nhưng công tác giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Hệ thống dịch vụ phục vụ lễ hội cũng được sắp xếp trật tự, quy củ hơn, du khách đến với lễ hội cũng cảm thấy an tâm và thoải mái. Chị Lê Thị Mai, du khách đến từ TP Hải Dương chia sẻ: Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức đi du xuân vào dịp đầu năm. Năm nay, đến với đền Cửa Ông, tôi thấy khu di tích có nhiều đổi mới, khuôn viên sân đền được mở rộng, đường đi lối lại được phong quanh, sạch sẽ, không có cảnh lộn xộn, mất trật tự thường thấy ở một số khu di tích. Khu vực hàng quán năm nay cũng được tập trung vào một chỗ, thuận tiện cho người đi lễ. Mặc dù đã đi qua một số điểm di tích nhưng tôi thực sự ấn tượng với đền Cửa Ông. Đây thực sự là điểm đến rất thích hợp với những người đi vãng cảnh đầu năm như chúng tôi. Có cùng chia sẻ với chị Mai, anh Hà Văn Quang, du khách đến từ Thái Nguyên vui vẻ nói: “Mấy năm nay mới có dịp trở lại đền Cửa Ông, thật bất ngờ, đường sá đi vào khu di tích rất phong quang thuận tiện, không còn có cảnh hàng quán bày bán la liệt hai bên đường, bãi đỗ xe rộng rãi, phương tiện lưu thông đi lại rất dễ dàng. Công tác vệ sinh môi trường được cải thiện rất nhiều, cảnh quan môi trường xung quanh khu vực lễ hội được vệ sinh sạch sẽ…”.
Du khách vãng cảnh tại Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn)
Nếu như trước đây, lượng du khách thập phương đến với các điểm du lịch văn hóa tâm linh thường là khách lẻ, thì những năm gần đây, lượng khách đi theo đoàn khá đông, nhiều công ty lữ hành du lịch đã đưa du khách đến các điểm di tích như: Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà (TX Quảng Yên)… vào trong các chương trình tour du lịch để bán cho du khách. Theo đánh giá của một số công ty lữ hành, hiện nay nhiều điểm di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang là điểm đến của khá nhiều tour du lịch đưa khách đi tham quan, lễ bái vào dịp đầu năm. Nhiều khu di tích, du khách không chỉ đến tập trung vào các dịp đầu năm mà thu hút du khách đến quanh năm như: Chùa Long Tiên, Yên Tử, chùa Cái Bầu, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm… Đây là những điểm đến thu hút khá nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Quảng Ninh là vùng đất không chỉ nổi tiếng có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ mà đây cũng là nơi có hệ thống di tích đền chùa phong phú, với thời tiết thuận lợi những ngày đầu năm, hàng vạn du khách tiếp tục đổ về các khu di tích văn hóa lịch sử của Quảng Ninh để cầu bình an, vãng cảnh, hòa mình vào các lễ hội đầu xuân. Đây cũng là thời điểm “vàng” của du lịch tâm linh. Quảng Ninh định hướng phát triển du lịch tâm linh trở thành một trong những động lực thu hút khách, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ khác, tạo sự đa dạng cho các loại hình du lịch.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Quảng Ninh đón khoảng 80 vạn lượt khách đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 63 vạn lượt khách đến tham quan các khu di tích và danh lam thắng cảnh. |
Thu Nguyên
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn