Những năm gần đây, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh tăng mạnh. Ðiều này khẳng định vị thế và sự phát triển nhanh, ổn định của ngành du lịch tỉnh. Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch quốc tế hàng đầu cả nước và khu vực Ðông – Nam Á.
Công viên Dragon (TP Hạ Long) là điểm đến thu hút đông đảo du khách trẻ tuổi
Tạo đột phá từ cơ sở hạ tầng
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với chủ trương dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách và huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, những năm gần đây, các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai đầu tư hàng loạt các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có các dự án quan trọng đã hoàn thành đem lại hiệu quả thiết thực như: cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long; đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo huyện Vân Ðồn; hạ tầng kỹ thuật viễn thông thực hiện phủ sóng di động và in-tơ-nét đến tất cả các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, một số dự án chiến lược cũng được đẩy nhanh tiến độ: đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Hạ Long đi Hà Nội còn 1,5 giờ bằng ô-tô; Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn và đường cao tốc Hạ Long – Vân Ðồn phấn đấu hoàn thành trong năm 2018 là tiền đề quan trọng để phát huy thế mạnh của Ðặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Ðồn; Ðường cao tốc Hạ Long – Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng sẽ kết nối tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và các nước ASEAN; Cảng tàu biển quốc tế Hạ Long sau khi hoàn thành cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trên du thuyền 5 sao mà không phải chuyển tải như trước đây. Ðặc biệt, sau khi có Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút một loạt các dự án chiến lược, có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, MyWay, Tuần Châu, FLC…
Những sản phẩm du lịch mới của các tập đoàn này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của du lịch Quảng Ninh, giúp lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến ngày càng tăng. Anh Ry-ô Kô-bay-a-ka-oa, một khách du lịch đến từ Nhật Bản nhận xét: “Vịnh Hạ Long thật tuyệt vời, tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng thấy hiếm có nơi nào lại được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều vẻ đẹp đến thế. Phong cảnh vịnh Hạ Long mang vẻ đẹp hoang sơ, khiến tôi thật sự muốn khám phá. Tôi rất ấn tượng với các món ăn đặc sản đậm chất vùng biển Hạ Long”.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có một số khu du lịch, nghỉ dưỡng được đầu tư đồng bộ, bài bản như: Tổ hợp dự án công viên Ðại Dương Hạ Long, công viên vui chơi giải trí lớn nhất Ðông – Nam Á; khu đô thị Halong Marina; quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort; tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom Plaza Ha Long; khu đô thị biển Vinhomes Dragon Bay…
Theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian gần đây các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm như Mỹ, Thái-lan, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, châu Âu đến Quảng Ninh lưu trú tăng mạnh. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, tổng lượt khách đến Quảng Ninh tăng 4,2 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn năm lần, tổng doanh thu từ du lịch tăng 4,8 lần. Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng doanh thu cao hơn con số tăng trưởng về lượng khách, điều này đã khẳng định chất lượng của hoạt động du lịch và dịch vụ của Quảng Ninh đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy khẳng định: Các dự án đầu tư mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và các trung tâm du lịch của Quảng Ninh, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch Hạ Long – Quảng Ninh. Việc thu hút đầu tư phát triển du lịch có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, khai thác có hiệu quả các trung tâm du lịch trọng điểm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Ðiểm đến của du lịch quốc tế
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã hình thành bốn không gian du lịch với các sản phẩm đặc trưng gồm: khu vực thành phố Hạ Long gắn với du lịch vịnh Hạ Long; khu vực thành phố Móng Cái – Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; khu vực huyện Vân Ðồn – Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; khu vực thành phố Uông Bí – thị xã Ðông Triều – thị xã Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch cộng đồng, làng nghề. Quảng Ninh đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: khu du lịch làng quê Yên Ðức, du lịch sinh thái, trải nghiệm Bình Liêu; khám phá Hạ Long bằng thuyền kayak, thủy phi cơ; Trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí của tập đoàn Vingroup; Khu vui chơi giải trí Marina Plaza; nhà hàng, khách sạn, tàu vận chuyển và tàu nhà hàng cao cấp; Công viên Hạ Long; Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Biểu tượng du lịch Ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc (TP Móng Cái)…
Những đổi mới về thủ tục xuất, nhập cảnh đang góp phần gia tăng lượng khách tới Quảng Ninh. Việc đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng sổ thông hành tham quan thành phố Móng Cái đã phát huy hiệu quả và ổn định, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, đã kết nối tua đưa du khách tham quan các tuyến, điểm du lịch tại khu trung tâm thành phố Móng Cái và khu du lịch Trà Cổ, Sa Vĩ. Thành phố Móng Cái phối hợp thành phố Ðông Hưng (Trung Quốc) tổ chức khai trương tuyến du lịch hai quốc gia, bốn điểm đến: Hạ Long – Móng Cái – Ðông Hưng – Quế Lâm và thí điểm chương trình xe du lịch tự lái Móng Cái – Ðông Hưng. Ðến nay, sau sáu tháng thí điểm hoạt động đã có 110 xe xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái, trong đó có 70 xe Trung Quốc nhập cảnh và 40 xe Việt Nam xuất cảnh.
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Vũ Văn Kinh cho biết: Thành phố đang thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Móng Cái thân thiện – tiện lợi – tin cậy. Và để thu hút thêm khách châu Âu, thành phố tập trung xây dựng và phát triển hai dòng sản phẩm, gồm du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; dự kiến cuối năm 2017, thành phố sẽ tổ chức khai trương và đi vào khai thác trang trại du lịch sinh thái Nhân Ðào tại xã Hải Xuân.
Ngành du lịch Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 đến 16 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt từ 30 đến 40 nghìn tỷ đồng. Ðến năm 2030, sẽ đạt 23 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 10 triệu khách quốc tế; doanh thu đạt 130 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 120 nghìn lao động trực tiếp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu cho biết: “Ngành du lịch Quảng Ninh quyết tâm đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp cao, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Quảng Ninh; trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Ðông – Nam Á”.
Ðể đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh xác định tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch có trọng điểm, như: Cảng tàu du lịch quốc tế, bến du thuyền, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hạ tầng công nghiệp giải trí, các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí có thương hiệu quốc tế… từng bước xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Ðồng thời chủ động mở rộng không gian du lịch bằng cách đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển, hợp tác quốc tế thông qua việc tiếp thị, mở rộng thị trường tại Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po… Tổ chức Lễ hội Các-na-van Hạ Long hằng năm, lễ hội Hoa Anh đào, lễ hội mai vàng Yên Tử quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về con người, vùng đất, văn hóa đặc sắc của các dân tộc Quảng Ninh.
Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Công tác này được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với thực tế, yêu cầu và mục tiêu phát triển. Tỉnh chú trọng quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết các khu vực, quảng bá xúc tiến và xây dựng thương hiệu; triển khai chương trình đào tạo nhân lực du lịch, hướng dẫn doanh nghiệp đào tạo nhân lực theo bộ tiêu chuẩn nghề du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với nỗ lực và quyết tâm cao trong việc xây dựng được hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tỉnh Quảng Ninh sẽ là điểm đến tin cậy của du khách trong và ngoài nước, là điểm sáng phát triển du lịch của Việt Nam, trở thành một trung tâm du lịch quốc tế.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn