Quảng Ninh: Mùa xuân về với chùa Ngoạ Vân

0
128

Những ngày đầu năm Đinh Dậu, chùa Ngoạ Vân, TX Đông Triều là sự lựa chọn của rất nhiều du khách trong chuyến hành hương về với “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm.

Ngôi chùa Ngoạ Vân

Chùa Ngoạ Vân là một trong 4 ngôi chùa (Ngoạ Vân, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên và Trung Tiết) nằm trong 14 di tích thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Chùa am Ngoạ Vân là một kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền phái Trúc Lâm được xây dựng trên các ngọn núi của dãy Yên Tử thuộc địa bàn 2 xã An Sinh, Bình Khê (TX Đông Triều) trong đó trung tâm là núi Bảo Đài. Am Ngoạ Vân là nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hoá Phật. Bởi thế, Ngoạ Vân là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Theo lịch sử, tháng 8/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Khi lên tu tại am Tử Tiêu trên ngọn Tử Tiêu Ngài xưng là Trúc Lâm đại sĩ. Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tháng 5/1307, Trúc Lâm đại sĩ lên tu tại một am trên ngọn Ngoạ Vân, am nơi Trúc Lâm đại sĩ tu hành được gọi là am Ngoạ Vân. Tháng 11/1308, Ngài an nhiên nhập niết bàn tại am Ngoạ Vân.

Trong hành trình tu luyện và nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hoa Yên – Yên Tử là nơi Phật hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài. Sau khi Phật hoàng hoá Phật, Pháp Loa tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm tổ chức hoả thiêu Phật hoàng ngay tại Ngoạ Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt. Một phần xá lỵ được tôn trí trong Phật hoàng tháp tại am Ngoạ Vân, số còn lại được đưa đi tôn trí ở nhiều nơi như Đức Lăng (Thái Bình), tháp Phổ Minh (Nam Định) v.v..

Tại Ngoạ Vân hiện vẫn còn Tháp Phật hoàng, nơi lưu giữ xá lị của Ngài. Cùng với đó, nhờ sự giúp đỡ của vua Trần Anh Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa đã xây dựng và mở rộng thánh địa Ngoạ Vân thành một quần thể chùa tháp lớn và từ đó về sau quần thể chùa tháp Ngoạ Vân không ngừng được mở rộng. Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, hầu hết các công trình kiến trúc chùa tháp ở Ngoạ Vân nay chỉ còn là những phế tích. Các kết quả điều tra, nghiên cứu khảo cổ học tại Ngoạ Vân cho thấy, dấu vết còn lại của quần thể di tích Ngoạ Vân gồm 4 cụm với 15 điểm di tích khác nhau đã được phát hiện gồm: Thông Đàn – Đô Kiệu, Ngoạ Vân, Đá Chồng, Ba Bậc, trong đó Ngoạ Vân là khu trung tâm, con đường hành hương lên Ngoạ Vân đi từ khu vực điện An Sinh men theo suối Phủ Am Trà, đến dốc Đô Kiệu, qua Thông Đàn đến Am Ngoạ Vân. Đến thời Lê Trung hưng khi quần thể Ngoạ Vân được mở rộng đến Đá Chồng thì con đường hành hương cũng được mở đến Đá Chồng, kết nối với Đèo Voi. Các di tích còn lại ở Ngoạ Vân hiện nay chủ yếu là các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18) và thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20).

Di tích am Ngoạ Vân

Việc trùng tu, tôn tạo di tích Ngoạ Vân được khởi công vào ngày 19/2/2014 với tổng mức đầu tư hơn 83,5 tỷ đồng do UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, hoàn toàn từ nguồn xã hội hoá của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân và du khách thập phương. Sau 2 năm xây dựng, ngày 16/2/2016 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân) lễ khánh thành chùa Ngoạ Vân giai đoạn I được tổ chức gắn với Lễ hội xuân Ngoạ Vân lần đầu tiên năm 2016.

Đến nay, công tác tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình của chùa và nhà ga cáp treo Ngoạ Vân đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tham quan, hành hương chiêm bái của người dân và du khách.

Để lên đến chùa Ngoạ Vân, du khách có thể di chuyển bằng hệ thống cáp treo với giá vé khứ hồi là 180.000 đồng/người.

Cẩm Thu

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn