Ngày 24/5/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đánh giá của tỉnh, cùng với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch trên địa bàn.
Công viên hoa Hạ Long – một sản phẩm du lịch của thành phố Hạ Long
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, hoạt động du lịch bước đầu đã có sự chuyển biến và thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt trong đó đã có một số chuyển biến thay đổi rõ nét nhất như: Nhận thức của các cấp, ngành, hệ thống doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã chuyển biến tích cực; bước đầu sản phẩm và không gian du lịch đã mở rộng và hoàn thiện; cùng với các chủ trương khác, Nghị quyết số 07 đã tác động mạnh mẽ đến việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến đầu tư các công trình, sản phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch đã có chiều hướng gia tăng; môi trường kinh doanh du lịch đã có chuyển biến nhiều so với giai đoạn trước. Từ các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 07 và các chủ trương khác có liên quan đã hình thành những hướng đi mới, cách làm mới tác động mạnh mẽ đến phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung. Đặc biệt, Nghị quyết 07 đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch.
Điều này có thể nhận thấy rất rõ qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được đổi mới theo hướng kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, hình thành ban điều hành tại các địa phương. Tỉnh tăng cường việc uỷ quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch. Cụ thể như tỉnh đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về UBND TP Hạ Long; chỉ đạo kiện toàn bộ máy của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, qua đó công tác quản lý nhà nước trên Vịnh Hạ Long đã có chuyển biến tích cực. Song song với đó, các cấp uỷ cũng tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 28/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Với chủ trương, định hướng nêu trên đã tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của các địa phương, các ngành trong công tác quản lý để thúc đẩy phát triển du lịch. Bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, du lịch trong cán bộ và nhân dân.
Điển hình như ở Bình Liêu. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, huyện đã xác định những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của địa phương. Từ đó có những quyết sách quan trọng trong lĩnh vực này. Bắt đầu từ năm 2014, Bình Liêu đã xác định du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Theo đó, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để phát triển du lịch địa phương, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 01-NQ/HU (ngày 31/7/2015) của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 1637/KH-UBND (ngày 18/11/2015) của UBND huyện về việc triển khai thực hiện; Phương án số 815/PA-UBND (ngày 1/6/2016) quản lý, khai thác tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện… Với việc thay đổi nhận thức trong phát triển du lịch, Bình Liêu nhanh chóng triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch, quản lý nhà nước tại các điểm du lịch đã được công nhận… Đồng thời, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour tuyến, cải thiện hạ tầng giao thông… để thu hút du khách. Đặc biệt, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: Công ty CP Sen Á Đông đầu tư khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc A, Sông Moóc B, xã Đồng Văn; Công ty Nam Phong đưa khách du lịch đến huyện; Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ đầu tư tại danh thắng thác Khe Vằn, xã Húc Động…
Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, hoạt động du lịch Quảng Ninh có những khởi sắc và chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả thiết thực; bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Đặc biệt, nghị quyết đã góp phần thay đổi nhận thức về du lịch trong các cấp uỷ nhân dân, góp phần nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc xây dựng, bảo vệ hình ảnh môi trường du lịch, dần nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Quảng Ninh.
Hà Chi
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn